Chuyển đổi số

Truyền hình OTT tăng trưởng nóng: Bộ TT&TT khuyến cáo người dân cẩn trọng khi dùng OTT xuyên biên giới

DNVN - Thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống bệnh Covid-19 đã làm tăng đột biến nhu cầu giải trí của người dân, dịch vụ truyền hình OTT (OTT TV) tăng trưởng chóng mặt. Bộ TT&TT mới ra khuyến cáo người dân cẩn trọng khi dùng dịch vụ OTT xuyên biên giới, cung cấp không hợp pháp vào Việt Nam.

Truyền hình OTT phát triển như vũ bão, tăng trưởng tới 50%/năm / Truyền hình Internet: Cuộc chiến khốc liệt giữa IPTV truyền thống và OTT

Cuộc đua khốc liệt giành thị phần OTT TV

Dịch vụ OTT TV xuất hiện lần đầu tiên ở Việt Nam là dịch vụ ZTV do Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC cung cấp từ đầu năm 2013. Sau 1 năm cung cấp miễn phí từ đầu năm 2014, ZTV thu phí dịch vụ 50.000 đồng/tháng, là dịch vụ truyền hình trả tiền có mức phí thấp nhất vào thời điểm đó. Vào thời điểm mới ra thị trường, VTC đã nghiên cứu mô hình phát triển của Netflix và mong muốn đưa ZTV trở thành một phiên bản “Netflix của Việt Nam”, tuy nhiên vì nhiều lý do đến nay ZTV đã biến mất khỏi thị trường truyền hình.

Hiện tại OTT TV đã xuất hiện rất phổ biến ở Việt Nam và có thể chia thành 4 nhóm các nhà cung cấp gồm: Truyền hình, viễn thông, dịch vụ nội dung số và dịch vụ xuyên biên giới.

Nhóm các đơn vị truyền hình đang cung cấp dịch vụ OTT TV sở hữu thế mạnh về nội dung, do đó dịch vụ OTT của các nhà đài có sức hấp dẫn khá lớn đối với khán giả Việt như: SCTV có STV Play, SCTVOnline, HTV có HTVOnline và một loạt ứng dụng OTT khác, Truyền hình Vĩnh Long có THVLi, VTVcab có VTVcabOn, K+ có myK+ hay MyK+ Now, VTV có hàng loạt các ứng dụng OTT miễn phí như VTVGo, VTVsports, VTV Giải trí..

Nhóm các doanh nghiệp viễn thông với thế mạnh về hạ tầng mạng và tiềm lực tài chính cũng đầu tư khá lớn phát triển mảng dịch vụ truyền hình như: VNPT có MyTV Net, FPT có FPT có FPT Play, Viettel có Onme, Keeng TV.

Nhóm doanh nghiệp nội dung số cũng đầu tư khá bài bản để cung cấp dịch vụ OTT TV có: Clip TV, Film+, Danet, Zing TV, Đất Việt.

Trên thị trường Việt Nam từ 3 năm nay còn xuất hiện những đối thủ nặng ký từ bên kia biên giới cung cấp dịch vụ OTT TV vào lãnh thổ Việt Nam. Đây là các doanh nghiệp toàn cầu, có tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và sở hữu kho nội dung chất lượng như: Netflix, iFlix, WeTV, iQiYi, Apple+, Disney+ rầm rộ cung cấp dịch vụ vào Việt Nam, thu phí bằng đồng Việt Nam. Các doanh nghiệp OTT TV xuyên biên giới chủ yếu đến từ Mỹ và Trung Quốc.

Với tốc độ phát triển Internet nhanh và giá cước rẻ như hiện nay, không chỉ người dân ở đô thị mà cả ở vùng nông thôn đều có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ truyền hình OTT ở bất cứ đâu, chỉ với một thiết bị cầm tay như điện thoại, máy tính bảng, laptop, smart TV, smart Box.

Đặc biệt hơn cả, trong khi dịch vụ truyền hình trả tiền nói chung đang phát triển rất chật vật, thì OTT TV có tốc độ phát triển chóng mặt trong năm 2019. Theo số liệu của Bộ TT&TT, vào cuối năm 2017 truyền hình OTT mới chỉ có 720.000 thuê bao, đến cuối năm 2018 tăng lên 1,2 triệu thuê bao, đến cuối năm 2019 đã nhảy vọt lên con số 2,5 triệu thuê bao. Có thể thấy, tốc độ phát triển của truyền hình OTT rất ngoạn mục, trên 100% trong năm 2019.

Truyền hình OTT có tốc độ tăng trưởng chóng mặt trong năm 2019.

Truyền hình OTT có tốc độ tăng trưởng chóng mặt trong năm 2019.

Con số trên còn chưa kể đến những thuê bao OTT của các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, cũng có một lượng khán giả khá lớn ở Việt Nam đang xem Netflix, iFlix, WeTV, iQiYi, Apple+, Disney+.

Ước tính tổng số lượng các thuê bao OTT xuyên biên giới ở Việt Nam cũng lên tới con số trên dưới 1 triệu thuê bao. Tuy nhiên những đơn vị cung cấp OTT TV xuyên biên giới vẫn đang cung cấp dịch vụ "lậu", khi chưa tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam như: Xin cấp phép cung cấp dịch vụ, thực hiện biên tập, biên dịch nội dung, cũng như thực hiện các nghĩa vụ về thuế.

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, một số đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình OTT trong nước cho biết, Covid-19 đã giúp dịch vụ OTT TV tăng trưởng khá nóng. Từ khi có dịch Covid-19, các đơn vị truyền hình OTT đều đầu tư mạnh vào nội dung mới, tung ra rất nhiều phim mới và hot. Từ tháng 2 đến tháng 4/2020, bình quân lượt xem của mỗi dịch vụ OTT tăng trưởng từ 30-40%, số lượng user đăng ký mới mỗi dịch vụ tăng tầm 25%, nhưng từ tháng 5 trở lại đây sau khi hết dịch Covid-19 thì có vẻ chững lại.

Theo nguồn tin từ FPT Play, lượng người xem trong tháng 1-2-3 của FPT Play có sự tăng trưởng đều, khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, khán giả của FPT Play tương đối trẻ, độ tuổi 18-25 chiếm 75%. Với trọng tâm từ phân khúc khán giả này, FPT Play sẽ mở rộng thêm phân khúc tới các hộ gia đình trẻ, qua thiết bị Smart TV, người dùng có thể sử dụng dịch vụ trên 5 nền tảng: Web, Mobile, Tablet, Smart TV/Smart Box và FPT Play Box.

Một nguồn tin riêng của Doanh nghiệp Việt Nam cũng cho hay, Netflix đợt này tăng trưởng rất mạnh, dự đoán họ phải tăng trưởng hơn 50%. Tranh thủ thu hút khán giả Việt, trong dịp này Netflix đã mua bản quyền khá nhiều phim Việt, kho phim Việt trên hệ thống này khoảng 40 phim. Ước tính hiện tại Netflix có từ 150.000 - 200.000 thuê bao ở Việt Nam, tuy nhiên số lượng người dùng khá lớn vì mỗi thuê bao Netflix có thể chia sẻ chó 4-5 người người sử dụng.

"Netflix được các đơn vị khai thác OTT trong nước đánh giá là đối thủ nặng ký nhất, có khả năng bóp chết các OTT trong nước", nguồn tin của Doanh nghiệp Việt Nam nhận xét.

Bộ TT&TT cảnh báo người dân khi sử dụng OTT TV xuyên biên giới

Mới đây, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã phát đi cảnh báo người dân cần lưu ý khi sử dụng dịch vụ OTT TV. Theo đó, hiện nay, dịch vụ OTT TV của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới chưa được cấp phép cung cấp tại Việt Nam, nội dung trên các dịch vụ chưa tuân thủ quy định biên tập theo quy định pháp luật hiện hành. Vì vậy, trên một số dịch vụ loại này có xuất hiện những thông tin xuyên tạc lịch sử, nội dung gợi dục, khiêu dâm, bạo lực và một số từ ngữ được chuyển ngữ phụ đề tiếng Việt không phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam.

Ngoài ra, chất lượng kỹ thuật dịch vụ cũng chưa được kiểm tra, kiểm soát theo quy định. Đa số các dịch vụ OTT TV xuyên biên giới thực hiện phương thức thanh toán cước thuê bao bằng chuyển khoản điện tử, người sử dụng trả tiền trước, vì vậy, khi gặp vấn đề về chất lượng kỹ thuật, nội dung không phù hợp... người sử dụng sẽ không được bảo đảm quyền lợi chính đáng khi sử dụng dịch vụ.

Như vậy, để người dân cả nước có thể tiếp cận các dịch vụ OTT TV phù hợp quy định pháp luật Việt Nam, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử khuyến nghị người dân sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước, lường trước các rủi ro khi sử dụng các dịch vụ OTT TV xuyên biên giới của doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh đó, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đề nghị các cơ quan báo chí quan tâm giới thiệu, quảng bá cho các dịch vụ truyền hình trả tiền của các doanh nghiệp trong nước và cân nhắc, nâng cao trách nhiệm khi thực hiện các bài viết, chương trình giới thiệu, quảng bá, phổ biến trên phương tiện báo chí, phát thanh, truyền hình cho các dịch vụ OTT TV xuyên biên giới từ các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.


Top 5 dịch vụ OTT TV ở Việt Nam

Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 3/2020 của Q&Me (dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam) về dịch vụ truyền hình trực tuyến (video streaming) tại thị trường Việt Nam, Top 5 dịch vụ xem truyền hình trực tuyến tại Việt Nam đã gọi tên: FPT Play, Netflix, K+, VTVcabOn và Zing TV.

Cũng theo Q&Me, phương tiện để người dùng xem video trực tuyến chủ yếu nhất là: Điện thoại thông minh (76%) và TV thông minh (73%). Nghiên cứu cũng cho biết, phần lớn người tiêu dùng xem video tại nhà (97%) với vợ/chồng của mình (45%). Người tiêu dùng thích xem các video trực tuyến về các chủ đề liên quan đến "Phim dài tập/phim lẻ" (60%), "Âm nhạc" (50%) và "Chương trình giải trí/ Trò chơi truyền hình/ Chương trình thực tế" (48%).

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo