CEO Nguyễn Viết Thanh: Chuyển đổi số đang mang lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp
DNVN – Bây giờ chúng ta không hỏi là: “Có chuyển đổi số hay không?” mà là “Chuyển đổi số như thế nào?”. Đó là những chia sẻ của CEO Nguyễn Viết Thanh- Phó Chủ tịch HH DN Thành phố Thanh Hóa, Giám đốc DN Khoa học - Công nghệ Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Công nghệ Tân Thanh Phương trong buổi trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam.
CEO Vplus: Khó khăn lớn nhất khi chuyển đổi số là con người, không phải cứ có tiền là chuyển đổi được luôn / Chuyển đổi số và thương mại điện tử sẽ giúp vùng dân tộc thiểu số giảm nghèo
Là đơn vị tiên phong về phát triển công nghệ, có nhiều kinh nghiệm về CNTT ở Thanh Hóa, xin ông cho biết những lợi ích to lớn mà chuyển đổi số mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Viết Thanh: Với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng công nghệ, hạ tầng CNTT cũng như nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, chuyển đổi số đang mang lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) thông qua việc thay đổi mô hình và chiến lược kinh doanh của DN. Những yếu tố như văn hóa, con người, sản xuất, và kinh doanh trong DN sẽ được số hóa một cách triệt để và toàn diện để thực sự trở thành một DN số trong thời đại số. Đây là một xu thế tất yếu khách quan dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chuyển đổi số đang là một trong những xu hướng phát triển tất yếu của DN trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Bây giờ chúng ta không hỏi là “Có chuyển đổi số hay không?”, mà là “Sẽ chuyển đổi số như thế nào?”
Ông Nguyễn Viết Thanh tham gia nhiều hoạt động của các hội và hiệp hội doanh nghiệp tại Thanh Hóa.
Chuyển đổi số sẽ giúp số hoá con người, hạ tầng, quy trình, và sản phẩm. Đơn cử như việc số hóa tài liệu trong phạm vi số hóa quy trình, đem đến sự thuận tiện cho việc sàng lọc, tìm kiếm và chia sẻ thông tin, tiết kiệm không gian lưu trữ.
Việc ứng dụng các phần mềm, giải pháp công nghệ vào quá trình xử lý dữ liệu như phần mềm quản trị DN sẽ giúp các DN đơn giản hoá quá trình xử lý và quản trị cơ sở dữ liệu của công ty. Qua đó, DN sẽ nhanh chóng đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thời đại công nghệ 4.0 với tốc độ biến đổi chóng mặt, cũng như phục vụ đầy đủ nhu cầu mà khách hàng đưa ra.
Chuyển đổi số đã và đang mở ra rất nhiều cơ hội chưa từng có đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chuyển đổi số giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới cho cả DN và người dân. Giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa một số vùng miền, ngành nghề và nâng cao đời sống, chất lượng sống của người dân.
Chuyển đổi số hiện nay có thể được xem là vấn đề sống còn của một DN, đặc biệt trong bối cảnh của đại dịch đã gây ra sự gián đoạn, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng; áp lực cạnh tranh của thị trường. Nếu DN của bạn không chuyển đổi số, đối thủ cạnh tranh sẽ chuyển đổi trước và chiến thắng bạn trên thương trường.
Tân Thanh Phương đạt giải Ba, giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam 2018.
Ông có thế cho biết bức tranh chung về chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở Thanh Hóa, đã có doanh nghiệp nào là hình mẫu?
Ông Nguyễn Viết Thanh: Thanh Hóa hiện có trên 17.000 DN đang hoạt động, trong đó chủ yếu là các DN vừa và nhỏ. Theo khảo sát của Hiệp Hội DN thành Phố Thanh Hóa, khoảng hơn 80% DN có quan tâm đến chuyển đổi số. Nhưng DN thực sự đã bắt đầu tiếp cận chuyển đổi số chỉ khoảng hơn 40%. Đa phần các DN khá thận trọng và rụt rè. Họ triển khai, vận hành các công nghệ mới như một dự án thử nghiệm để tránh việc đầu tư số tiền lớn hơn cần thiết khi triển khai dự án chuẩn theo đúng quy trình.
Theo phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện vẫn còn hơn 70% DN vừa và nhỏ phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường. Phần lớn DN vừa và nhỏ tại Việt Nam nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng vẫn ngại thay đổi. Nhân lực tư duy và thiếu kỹ năng sử dụng công nghệ, thiếu nhận thức kỹ thuật số, hoặc các thách thức chuyển đổi số đặt ra cho văn hóa DN đều là những rào cản, khiến nhiều DN không biết phải làm thế nào và bắt đầu từ đâu để chuyển đổi số.
Nhiều DN, nhất là những DN Khoa học - Công nghệ đã và đang tiếp cận với chuyển đổi số. Tuy nhiên, các DN ở Thanh Hóa mới chỉ dừng lại ở mức độ số hóa dữ liệu, áp dụng một số nền tảng CNTT sẵn có vào quản lý, vận hành. Nhưng ở chiều ngược lại, một số DN với tuy duy nhạy bén, tầm nhìn sâu xa đã có kế hoạch chuyển đổi số và đang thực hiện rất tốt như Tổng Công ty CP Hợp Lực, Công Ty Cổ Phần Du Lịch & Nhà Hàng Dạ Lan. Công ty Tiến Nông…. Đây là những DN tiên phong chuyển đổi số của tỉnh Thanh Hóa, và sẽ có rất nhiều bài học hay cho chúng ta.
Tân Thanh Phương vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng giải thưởng chất lượng Quốc gia năm 2020.
Là người đứng đầu doanh nghiệp, ông có kiến nghị gì với các cơ quan quản lý nhà nước về chuyển đổi số doanh nghiêp?
Ông Nguyễn Viết Thanh:Hiện nay điện thoại di động, máy tính, Internet… đã trở thành những thứ thiết yếu với cuộc sống của mỗi người dân. Sự phát triển hạ tầng của viễn thông và công nghệ thông tin là những điều kiện thuận lợi cho phát triển hạ tầng số. Toàn xã hội, toàn cộng đồng DN hiểu lợi ích của chuyển đổi số. Vì vậy các bộ ngành, các địa phương rất hào hứng với điều này, và họ sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, DN chuyển đổi số. Các DN lớn, và nhiều start-up với sự nhiệt huyết và tư duy nhạy bén đã sẵn sàng tham gia vào chuyển đổi số để phát triển những mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh mới, tạo ra sự đột phá về doanh thu và lợi nhuận.
Hoạt động triển khai ứng dụng công nghệ số trên địa bàn Thanh hóa đang trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết để hỗ trợ cho DN, như Hiệp hội DN Thanh Hóa, Cộng đồng Chuyển đổi số Thanh Hóa… Phải nói rằng hiện chúng ta đang có rất nhiều thuận lợi để triển khai chuyển đổi số.
Từ khi xảy ra dịch COVID-19, mỗi DN có những thách thức và khó khăn khác nhau, nhưng đều giống nhau là mọi thứ đều bất định. Đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 khiến nhiều hoạt động kinh doanh, trao đổi thông tin đều đưa lên không gian mạng. Để duy trì sản xuất, các DN cần cố gắng bảo đảm an toàn lao động qua việc “ít chạm” và duy trì giao tiếp với khách hàng để tiêu thụ hàng hóa.
Linh hoạt ứng phó để vượt lên thách thức. Đây là giải pháp cần thiết vì chúng ta không thể chắc chắn điều gì xảy ra. Kinh nghiệm của chúng tôi là xây dựng kế hoạch và chuyển đổi số từ trước, chứ không phải đợi COVID-19 mới chuẩn bị. Đây chỉ là dịp để đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số.
UBND Tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích DN chuyển đổi số nhưng theo tôi Tỉnh cần có những giải pháp mạnh hơn nữa như hình thành hệ sinh thái hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số, trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các DN nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ chung về cải cách thủ tục hành chính; tiếp cận tín dụng; thuế; mặt bằng sản xuất; công nghệ, cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật; mở rộng thị trường; thông tin, tư vấn và pháp lý; phát triển nguồn nhân lực; được hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ triển lãm, hội thảo, hội nghị kết nối kinh doanh, giới thiệu sản phẩm công nghệ để tìm kiếm cơ hội kinh doanh; đặc biệt, được hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức các khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, 70% kinh phí tổ chức các khóa về quản trị kinh doanh.
Xin cảm ơn ông!
Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Tân Thanh Phương (Tân Thanh Phương) là 1 DN Khoa học Công nghệ của tỉnh Thanh Hóa, là đơn vị có bề dày truyền thống trong lĩnh vực CNTT. Được thành lập từ năm 2003 với lĩnh vực cung cấp các nền tảng công nghệ ICT, đến nay, Tân Thanh Phương đã mở rộng thêm nhiều lĩnh vực kinh doanh như sản xuất tái chế rác thải nhựa, nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học công nghệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng tuần hoàn xanh, sản xuất phần mềm... Tân Thanh Phương đang là đơn vị tiên phong về kinh doanh và phát triển các giải pháp công nghệ trong tất cả các ngành dọc ở Thanh Hóa. Hiện công ty đang cung cấp và phát triển các phần mềm quan trắc môi trường tự động; phần mềm đất thổ nhưỡng, nông hóa; phần mềm Hệ sinh thái nông nghiệp làng nghề AGR GIS…
|
Ngọc Cảnh- Quang Minh (Thực hiện)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo