Chủ tịch Huawei: Lệnh cấm của Hoa Kỳ có thể xảy ra hiệu ứng domino thảm khốc, Huawei không phải là nạn nhân duy nhất
Đảm bảo an ninh mạng trong dạy và học trực tuyến, khuyến khích sử dụng phần mềm có bản quyền / Huawei cung cấp dịch vụ công nghệ với AI hỗ trợ giúp chống lại COVID-19
Tại buổi họp báo trực tuyến công bố Báo cáo thường niên năm 2019 mới đây, ông Erix Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei đã chia sẻ quan điểm của Huawei, những tác động đến hoạt động kinh doanh ngoài Trung Quốc do lệnh cấm của Hoa Kỳ áp đặt lên Huawei, cũng như chiến lược kinh doanh của Huawei trong năm 2020.
Doanh thu năm 2019 của Huawei từ hoạt động bán thiết bị 5G bên ngoài Trung Quốc là bao nhiêu? Và phía Hoa Kỳ đã đặt loại áp lực nào lên các hoạt động bán hàng này của Huawei?
Ông Eric Xu: Năm 2019, doanh thu từ 5G của chúng tôi chỉ đạt hơn 3 tỉ USD. Con số này chiếm một tỷ lệ nhỏ trong doanh thu của mảng kinh doanh hạ tầng viễn thông và do đó cũng chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng doanh thu của công ty chúng tôi. Hoạt động triển khai 5G chỉ mới bắt đầu được thực hiện trên toàn thế giới trong năm 2019 và chúng tôi vẫn chưa thấy 5G được triển khai trên quy mô lớn. Tất nhiên, 5G hiện đang là chủ đề thảo luận sôi nổi trên toàn cầu. Trước đó, chúng ta chưa từng thấy bất kỳ công nghệ nào được thảo luận rộng rãi đến mức tất cả mọi người từ mọi nhóm tuổi đều biết về nó. Điều này thực sự đã giúp ngành công nghiệp của chúng tôi tiết kiệm được một khoản tiền lớn để quảng cáo, khoản tiền mà nhẽ ra cần được sử dụng để thuyết phục người tiêu dùng chấp nhận 5G.
Thành thật mà nói, động thái tấn công của Hoa Kỳ nhằm chống lại Huawei đã đem lại tác động khá lớn. Ít nhất là họ đã tạo thêm nhiều công việc cho chúng tôi. Chẳng hạn, chúng tôi đã phải dành rất nhiều thời gian để giải thích tình hình cho các khách hàng, đối tác của Huawei và cả các quan chức Chính phủ. Một số khách hàng từng sử dụng thiết bị của Huawei để xây dựng mạng 2G, 3G và 4G của họ đã không chọn Huawei làm đối tác 5G của họ nữa vì nhiều lý do. Một số khách hàng khác quyết định ngừng hợp tác với Huawei về mảng 5G tại một số khu vực. Ví dụ về những khách hàng này bao gồm Optus và VHA ở Úc, TDC ở Đan Mạch và Telia ở Na Uy.
Ông Erix Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei trong cuộc họp báo trực tuyến công bố Báo cáo thường niên năm 2019.
Mới đây, đã có những bản tin của giới truyền thông Hoa Kỳ tuyên bố rằng Nhà Trắng đang xem xét những biện pháp hạn chế mới để kiểm soát xuất khẩu, những biện pháp này có thể cấm các nhà sản xuất chip như TSMC cung cấp sản phẩm cho Huawei. Huawei dự định giải quyết vấn đề này như thế nào?
Tôi đã đọc bản tin của Reuters và các bản tin khác từ tờ China Daily được đăng vào ngày 29/3. Tờ China Daily cho rằng nếu phía Hoa Kỳ định áp đặt những biện pháp mới này, chính phủ Trung Quốc sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện những biện pháp tương tự đối với một số công ty Hoa Kỳ. Nếu Hoa Kỳ áp dụng những biện pháp như vậy, chính phủ Trung Quốc sẽ không đứng ngoài và xem Huawei bị tàn sát trên thớt. Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ thực hiện một số biện pháp đối phó. Tại sao chính phủ Trung Quốc lại không thể cấm việc sử dụng chip 5G do các công ty Hoa Kỳ sản xuất trong thị trường Trung Quốc, cũng như các trạm gốc, điện thoại thông minh và mọi thiết bị thông minh khác được vận hành bởi các chip 5G này, trong khi trích dẫn lý do tương tự về mối đe dọa an ninh mạng?
Kể cả khi Hoa Kỳ thật sự thực hiện những biện pháp này, chúng tôi vẫn có thể mua chip từ Samsung ở Hàn Quốc, MediaTek ở Đài Loan và Spreadtrum trong lục địa Trung Quốc. Ngay cả khi chúng tôi không thể tự chế tạo chip, tôi tin rằng nhiều công ty chip ở Trung Quốc sẽ phát triển và rồi chúng tôi có thể chế tạo sản phẩm bằng chip được cung cấp từ những công ty đó, cũng như các công ty từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và châu Âu.
Nếu chính phủ Hoa Kỳ tự ý thay đổi Quy tắc bán sản phẩm trực tiếp cho công ty nước ngoài, động thái này sẽ phá vỡ hệ sinh thái công nghệ trên toàn cầu. Nếu Trung Quốc chống trả thì chuyện gì sẽ xảy ra với ngành công nghiệp? Sự gián đoạn sẽ gây ra hiệu ứng domino rất lớn.
Nếu chúng ta mở ra “chiếc hộp Pandora”, có thể sẽ xảy ra hiệu ứng domino thảm khốc trong toàn hệ sinh thái công nghiệp trên toàn cầu. Trong trường hợp này, Huawei sẽ không phải là nạn nhân duy nhất.
Trong bối cảnh đó, chúng tôi hi vọng rằng sẽ có nhiều mối quan hệ hợp tác hơn trong ngành công nghiệp toàn cầu. Mọi người có thể cùng xem xét những thách thức thực sự mà ngành công nghiệp và khách hàng phải đối mặt để cung cấp những sản phẩm uy tín cho khách hàng và những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất có thể cho khách hàng.
Vì vậy, tôi hi vọng rằng những gì bạn vừa đề cập đến sẽ không trở thành hiện thực; bằng không, việc này sẽ gây ra thiệt hại to lớn đến toàn bộ ngành công nghiệp, và không có bất kỳ công ty nào trong chuỗi công nghiệp Hoa Kỳ là không bị ảnh hưởng bởi thiệt hại đó.
Năm 2019 là một năm khó khăn đối với Huawei do vụ kiện với FCC và Danh sách đen “Entity List” của Hoa Kỳ. Năm ngoái, chúng ta được thấy Huawei mời rất nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đến thăm trụ sở của công ty tại Shenzhen và phỏng vấn ông Ren Zhengfei. Còn trong năm nay, Huawei dự kiến sẽ thực hiện thêm hoạt động nào để chứng minh tính minh bạch của mình? Huawei muốn làm gì để thể hiện tốt hơn về công ty và ngăn chặn những tuyên bố cho rằng công ty có liên kết với chính phủ?
Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến về phía trước và làm những việc tương tự như cách mà chúng tôi đã làm trong năm 2019.
Như ông vừa nói, lệnh cấm của Hoa Kỳ có tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của Huawei. Liệu ông có thể chia sẻ tầm nhìn của mình đối với hoạt động kinh doanh của Huawei trong năm 2020 không? Ông có thể dự đoán doanh số bán điện thoại thông minh 5G bên ngoài Trung Quốc không?
Năm 2019 có lẽ là một năm đầy thử thách đối với Huawei. Tuy nhiên, chúng tôi đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh vào gần nửa đầu năm 2019, trước ngày 16/5/2019 và chúng tôi đã dự trữ lượng hàng tồn kho đáng kể để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tôi nghĩ 2020 sẽ là năm khó khăn nhất đối với Huawei, vì chúng tôi sẽ phải tuân theo Danh sách đen “Entity List” trong suốt cả năm. Một số người trong ngành công nghiệp cho rằng chúng tôi sắp hết hàng tồn kho, vậy nên năm nay là một năm thử nghiệm quan trọng để xem liệu các biện pháp nhằm duy trì nguồn cung của chúng tôi có hiệu quả không.
Sự bùng phát của coronavirus đem đến những thách thức mới như suy thoái kinh tế toàn cầu, rối loạn tài chính và nhu cầu thị trường giảm sút, đây là những thách thức mà chúng ta không thể lường trước được. Do đại dịch trên khắp thế giới vẫn đang phát triển nhanh chóng, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi hiện tại là đảm bảo an toàn cho nhân viên và đáp ứng nhu cầu của khách hàng và chính phủ trong khi họ chống lại đại dịch. Tại thời điểm này, rất khó để dự đoán chính xác về hiệu suất hoạt động của chúng tôi trong năm 2020.
Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để tồn tại, để chúng tôi có thể tiếp tục đứng tại vị trí này vào thời điểm này trong năm tới, khi chúng tôi công bố Báo cáo thường niên 2020 của công ty.
Về doanh số bán điện thoại thông minh 5G bên ngoài Trung Quốc, bất kỳ chiếc điện thoại thông minh mới nào được ra mắt sau ngày 16/5/2019 đều không được cài sẵn Google Mobile Services (GMS). Để bảo vệ quyền lợi của người dùng điện thoại thông minh Huawei trên toàn thế giới và đảm bảo trải nghiệm người dùng chất lượng, chúng tôi đã ra mắt Huawei Mobile Services (HMS) và AppGallery. Chúng tôi hi vọng các ứng dụng Google sẽ có mặt trên AppGallery của Huawei, giống như trên App Store của Apple hiện tại. Bằng cách hợp tác với nhau như vậy, chúng ta có thể cung cấp các ứng dụng đa dạng và tốt hơn cho người tiêu dùng. Chúng tôi mong muốn người dùng điện thoại thông minh 5G của Huawei bên ngoài Trung Quốc cũng có thể sử dụng được các ứng dụng của Google. Chúng tôi hi vọng doanh số bán điện thoại thông minh 5G sẽ tăng trưởng trong các thị trường bên ngoài Trung Quốc. Còn hiện tại, chúng tôi không thể dự đoán chính xác được. Điều này phụ thuộc vào sự phát triển của hệ sinh thái HMS.
Theo ông, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm trước bị chậm lại là do đâu? Và tại sao thị phần của Huawei trong doanh thu từ thị trường nước ngoài trong năm ngoái lại giảm? Liệu có phải là do các biện pháp hạn chế của Hoa Kỳ không, hay ông nhận thấy có cả những yếu tố khác đóng vai trò trong việc này?
Sau khi Cục Công nghiệp và An ninh Hoa Kỳ (BIS) đưa Huawei vào Danh sách đen “Entity List” vào ngày 16/5/2019, chúng tôi đã phải đầu tư nhiều hơn vào hoạt động Nghiên cứu và Phát triển để vá “lỗ hổng” trong “chiến cơ” méo mó của chúng tôi. Đột nhiên, nhiều nhà cung cấp không còn cung cấp hàng cho Huawei nữa, buộc chúng tôi phải xây dựng lại chuỗi cung ứng của mình. Trong bối cảnh này, việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng giống như chúng tôi từng làm vào hai năm trước là không thực tế. Chúng tôi cần phải tồn tại trước đã.
Còn đối với thị phần thấp hơn trong doanh thu từ thị trường nước ngoài trong tổng doanh thu, một trong những lý do chính là do những sản phẩm mới được ra mắt sau ngày 16/5 của Huawei không thể sử dụng GMS. Mảng kinh doanh tiêu dùng ngoài Trung Quốc của chúng tôi phát triển rất nhanh cho đến ngày 16/5, nhưng kể từ sau ngày này lại giảm mạnh. Doanh số chỉ bắt đầu tăng nhẹ trở lại trong Quý 4 năm 2019. Kết quả là doanh thu của mảng kinh doanh tiêu dùng ngoài Trung Quốc giảm xuống ít nhất 10 tỉ USD. Đó là lý do vì sao tỉ lệ doanh thu từ thị trường nước ngoài trên tổng doanh thu lại thấp hơn.
Điện thoại thông minh của Huawei chiếm thị phần rất lớn trong thị trường Trung Quốc, nhưng lại không hoạt động tốt tại các thị trường ngoài Trung Quốc. Chúng ta cũng nhận thấy rằng rất nhiều nhà cung cấp điện thoại Trung Quốc đang bắt đầu thâm nhập vào phân khúc cao cấp bên ngoài Trung Quốc. Vậy Huawei sẽ làm gì để cân bằng hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh trong nước và quốc tế, đặc biệt là trước tình hình bệnh dịch hiện nay?
Ở Trung Quốc, chúng tôi cam kết triển khai chiến lược “Cuộc sống kết nối với AI toàn diện” mà chúng tôi gọi là “1 + 8 + N”. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu xây dựng hệ sinh thái HMS để có thể tiếp tục kinh doanh điện thoại thông minh tại các thị trường ngoài Trung Quốc. Chúng tôi hi vọng mình có thể tiếp tục sử dụng GMS, nhưng quyết định đó không phụ thuộc vào chúng tôi. Những gì chúng tôi có thể làm là phát triển hệ sinh thái HMS và AppGallery.
Việc này sẽ rất khó, nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Chúng tôi không định hướng bản thân là một công ty nội địa kinh doanh các thiết bị thông minh. Chúng tôi đang nhắm đến thị trường toàn cầu.
Chính phủ châu Âu hiện đang thực hiện các biện pháp để hạn chế vai trò của các nhà cung cấp rủi ro cao. Nhiều chính phủ châu Âu coi Huawei là một phần của nhóm các nhà cung cấp rủi ro cao. Đầu tiên, tôi muốn hỏi lại lần nữa, về việc liệu công ty có thể phá vỡ tác động của các biện pháp đang được thực hiện trên khắp châu Âu không - cụ thể là về số liệu của mảng kinh doanh hạ tầng viễn thông tại châu Âu.
Thứ hai, tôi có thắc mắc về việc liệu Huawei có coi các biện pháp được thực hiện tại những quốc gia như Pháp, Anh và có thể là các nước châu Âu khác là phân biệt và không công bằng dưới bất kỳ hình thức nào không? Liệu Huawei có xem xét thực hiện bất kỳ bước tiến hoặc hành động nào để giải quyết tình trạng phân biệt và cạnh tranh không công bằng này không?
Ít nhất thì từ những bản tin công khai, tôi vẫn chưa thấy hoặc nghe về việc các thành viên của Liên minh châu Âu gắn cho Huawei cái nhãn “nhà cung cấp rủi ro cao”. Như mọi người đều biết, Vương quốc Anh không còn thuộc Liên minh châu Âu nữa. Tôi nghĩ các nước châu Âu đưa ra quyết định của mình dựa trên sự thật và họ hiểu rất rõ về ý nghĩa thực sự của an ninh mạng. Chúng tôi đã tham gia và giao tiếp với nhiều chính phủ châu Âu khác nhau. Tôi không đứng ở vị trí có thể bình luận về những thông tin, số liệu vẫn còn chưa được công bố.
Các công ty di động Nhật Bản đã hợp tác với Huawei về công nghệ 5G, nhưng công ty ông đang bị chính phủ quản lý. Xin ông vui lòng chia sẻ chiến lược của công ty ông về 5G tại Nhật Bản.
Từ nhiều nguồn tin công khai có sẵn, tôi vẫn chưa thấy bất kỳ tin tức nào cho biết Huawei bị cấm tham gia vào hoạt động triển khai 5G của Nhật Bản. Chúng tôi vẫn đang liên lạc với các khách hàng của mình và với các quan chức chính phủ.
Chúng tôi không hợp tác với NTT DOCOMO hay KDDI tại Nhật Bản trong lĩnh vực di động. Chúng tôi chỉ làm việc với SoftBank về lĩnh vực di động và quan hệ hợp tác hiện tại của chúng tôi chủ yếu tập trung vào 4G. SoftBank vẫn chưa triển khai nhiều trạm gốc 5G. Và chúng tôi hi vọng mối quan hệ hợp tác giữa hai công ty trong tương lai có thể mở rộng từ 4G sang 5G. Nhưng quyền quyết định là của họ.
Ông có nói rằng nếu phía Hoa Kỳ thắt chặt các biện pháp hạn chế đối với Huawei, việc này có thể dẫn đến rủi ro hệ thống trong toàn ngành công nghiệp. Nhưng nếu chính phủ Hoa Kỳ quyết tâm làm điều này thì sao? Điều này sẽ gây ra ảnh hưởng gì đối với ngành công nghiệp bán dẫn tại Hoa Kỳ? Các công ty Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với những thất bại nào?
Tôi xin phép được giới thiệu bản báo cáo BCG do Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ ủy quyền. Bản báo cáo có tên gọi “Việc hạn chế thương mại với Trung Quốc có thể chấm dứt vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp bán dẫn như thế nào”. Báo cáo này cung cấp câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi mà bạn vừa nêu.
Theo ông, OpenRAN và TIP với nhiều nhà cung cấp sẽ đem tới những thách thức nào đối với hoạt động kinh doanh của Huawei trong vòng 5 năm tới?
Tôi nghĩ ảnh hưởng đối với hoạt động kinh doanh của chúng tôi sẽ không đáng kể. Để tôi chia sẻ một chút về OpenRAN.
OpenRAN không phải là tiêu chuẩn “thay thế” 5G như một số người vẫn nghĩ. Về bản chất, OpenRAN là cấu trúc và công nghệ triển khai dành cho các trạm gốc. Trạm gốc được xây trên cấu trúc và công nghệ OpenRAN vẫn phải tuân thủ các tiêu chuẩn về 5G và đáp ứng các yêu cầu của nhà khai thác viễn thông về mức tiêu thụ năng lượng, hiệu suất và hiệu quả kinh tế.
OpenRAN ủng hộ tính chất công khai và nguồn mở. Đây chỉ là một phương thức mà chúng tôi sử dụng để xây dựng các trạm gốc 5G và có thể là các trạm gốc 6G trong tương lai. Về phương diện lịch sử, chúng ta đã chứng kiến sự biến đổi về phương thức xây dựng các trạm gốc trong kỷ nguyên 3G. Điều đó trở thành hiện thực nhờ giải pháp trạm gốc phân tán (DBS) của Huawei. Trước khi DBS được ra mắt, cả đơn vị băng gốc và đơn vị vô tuyến từ xa cho trạm gốc chỉ có thể được lắp đặt trong phòng thiết bị có điều hòa. DBS của Huawei đã biến việc lắp đặt riêng đơn vị vô tuyến từ xa trên các tháp thành điều có thể. Từ đó làm tăng đáng kể hiệu suất và phạm vi phủ sóng của trạm gốc. Điều này đã biến DBS trở thành cấu trúc triển khai lý tưởng cho các trạm gốc 4G và 5G. Đây hiện tại là tiêu chuẩn triển khai trên thực tế chứ không phải là tiêu chuẩn công nghệ 4G hoặc 5G.
Từ kỷ nguyên 2G cho đến kỷ nguyên 5G hiện nay, 3GPP đã tập trung vào khả năng tương tác khi phát triển các tiêu chuẩn truyền thông để đảm bảo kết nối giữa điện thoại di động và trạm gốc, giữa trạm gốc và mạng lõi và giữa trạm gốc của các nhà cung cấp khác nhau để cho phép chuyển vùng quốc tế. 3GPP không hề tập trung vào các phương pháp hoặc cấu trúc triển khai trạm gốc.
Từ góc nhìn của các nhà khai thác viễn thông, cách xây dựng trạm gốc không hẳn là vấn đề mà họ quan tâm. Các nhà cung cấp khác nhau thường sở hữu những phương pháp triển khai khác nhau. Nhà khai thác viễn thông quan tâm nhiều hơn về hiệu suất, chất lượng và hiệu quả chi phí của trạm gốc.
Bạn đã từng nghe về SingleRAN và giờ bạn đang nghe về OpenRAN. Cả hai giải pháp này đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về 5G và đảm bảo khả năng kết nối giữa mọi loại điện thoại thông minh và trạm gốc, giữa các trạm gốc khác nhau và giữa trạm gốc và mạng lõi.
Tôi sẽ so sánh SingleRAN với điện toán chuyên dụng và OpenRAN với điện toán đa năng. Từ trước đến nay vẫn luôn tồn tại một cuộc đua giữa điện toán đa năng và điện toán chuyên dụng. Các công ty nghiên cứu về điện toán đa năng luôn tìm cách thay thế điện toán chuyên dụng. Nhưng ngày nay, chúng ta đang chứng kiến ngày càng nhiều kịch bản dành cho điện toán chuyên dụng, thay vì ít hơn, đặc biệt là với sự xuất hiện của AI.
Cựu CEO của Intel, ông Brian Krzanich từng nói với tôi rằng ông muốn Huawei sử dụng CPU x86 của Intel trong các trạm gốc của chúng tôi. Tôi đã nói với ông rằng Huawei rất muốn sử dụng các bộ xử lý đa năng của Intel, miễn là chúng có thể cung cấp hiệu suất tương đương với hiệu suất của các bộ xử lý chuyên dụng nội bộ của Huawei trong cùng một mức giá. Nếu chúng tôi có thể trực tiếp sử dụng sản phẩm của họ thì tại sao chúng tôi lại phải mất công phát triển sản phẩm riêng của mình? Cũng như điện toán đa năng, OpenRAN cần phải giải quyết các vấn đề xoay quanh mức tiêu thụ năng lượng, hiệu quả chi phí và hiệu suất để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Nhưng để thực hiện được điều đó thì chúng tôi vẫn còn rất nhiều công việc cần phải làm, vì vậy trong thời gian ngắn, tôi không nghĩ rằng OpenRAN có thể có bất kỳ ảnh hưởng nào đối với hoạt động kinh doanh của Huawei.
Có thể bạn đã nhận thấy rằng hầu hết công nghệ truyền thông di động đều là công nghệ không dây. Không quan trọng nếu một giải pháp sử dụng OpenRAN hay SingleRAN, đơn vị vô tuyến từ xa hay đơn vị ăng-ten hoạt động. Sau cùng thì chúng đều phải đáp ứng nhu cầu của khách hàng bằng cách cung cấp hiệu suất hiệu quả kinh tế cao.
Ông có thể chia sẻ thêm thông tin về chiến lược New IP được Huawei nêu ra không?
Tôi đã tự nghĩ ra cái tên New IP cho chiến lược này. Tại sao tôi lại lấy cái tên này? Bởi vì tại thời điểm đó, Huawei đang thực hiện nghiên cứu về 5G New Radio. Đối với tôi, nhiệm vụ của IP trong tương lai tương tự với nhiệm vụ của 5G. Do đó tôi mới nghĩ rằng, tại sao ta không gọi chiến lược này là New IP như cách ta gọi 5G New Radio?
Công nghệ IP được phát minh lần đầu tiên vào năm 1969 và giao thức được hoàn thiện vào năm 1978. Kể từ đó đến giờ đã hơn 50 năm và IP đã đạt được thành công tuyệt vời. Ban đầu, IP được thiết kế để kết nối các máy tính trên toàn thế giới. Công nghệ này chủ yếu dành cho mạng văn phòng, sau đó được mở rộng sang mạng Internet di động để kết nối toàn bộ điện thoại di động. Tuy nhiên, trong nhiều năm, công nghệ IP không thể theo kịp nhu cầu của Internet công nghiệp, đặc biệt là về độ trễ thấp và mức độ bảo mật. 5G cũng tương tự như vậy. Trong khi 5G phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với băng thông rộng di động tiên tiến, 5G cũng phải cung cấp độ trễ thấp theo yêu cầu của ngành công nghiệp và khả năng kết nối rộng đối với Internet vạn vật (IoT). Những yêu cầu tương tự cũng được đưa ra đối với New IP. Trong khi đáp ứng nhu cầu của Internet di động và mạng văn phòng, New IP cũng sẽ đáp ứng nhu cầu về Internet công nghiệp như độ trễ thấp và mức độ bảo mật.
Đến nay, New IP vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Các chuyên gia IP của Huawei đang thực hiện nghiên cứu và hợp tác với các nhà khoa học và kỹ sư từ khắp nơi trên thế giới. Hiện tại, các chuyên gia IP từ nhiều quốc gia, bao gồm Ý, Vương quốc Anh, Canada, Đức, Bỉ và Tây Ban Nha đang tự do tham gia nghiên cứu và đổi mới New IP. Họ hy vọng sẽ vượt qua được những thách thức và chuẩn bị IP tốt hơn trong tương lai. Ý tưởng là đảm bảo New IP sẽ đáp ứng các nhu cầu truyền thống đối với IP cũng như các nhu cầu mới của Internet công nghiệp.
New IP sẽ là một chủ đề hoàn toàn về kỹ thuật. Tờ The Financial Times không nên chính trị hóa các cuộc thảo luận xoay quanh New IP ngay từ lúc bắt đầu. Các chuyên gia kỹ thuật không hề có bất kỳ động cơ thầm kín nào cả. Họ chỉ đơn giản là gặp nhau để cùng thảo luận và khám phá cách mà IP có thể giải quyết các nhu cầu trong tương lai. Những hoạt động này không hề phức tạp hay theo hướng chính trị như một số người nghĩ và chủ đề kỹ thuật đang được nghiên cứu không nên bị chính trị hóa.
Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo