Chuyển đổi số

Chuyển đổi số giao thông không chỉ là hiện đại hóa quản lý

Giao thông vận tải và logistics là lĩnh vực liên quan nhiều đến đời sống của người dân và doanh nghiệp.

Đà Nẵng: Tổ chức phiên chợ phát động ngày mua sắm Online Friday / Cấp thiết chuyển đổi số trong quản lý kinh doanh xăng dầu

Chú thích ảnh
Hệ thống cần trục bánh lốp tự hành bốc dỡ hàng hóa tại cảng Tân Vũ. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Lĩnh vực này có mối liên hệ tương hỗ với các lĩnh vực hoạt động khác của nền kinh tế từ sản xuất, phân phối, lưu thông đến tiêu thụ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai chuyển đổi số trong giao thông vận tải và logistics sẽ có tác dụng đảm bảo an toàn, hạ giá thành vận tải và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vận tải. Điều này chính là lý do Chính phủ xem đây là một trong những lĩnh vực trọng yếu cần ưu tiên trong "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030".

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, chuyển đổi số trong ngành giao thông vận tải và logistics là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên được Chính phủ đặc biệt quan tâm và đưa ra những chỉ đạo quyết liệt. Vì vậy, thời gian gần đây, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành nhiều chương trình, giải pháp yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành tập trung triển khai.

Đáng chú ý, các hoạt động của Bộ đã được đưa lên môi trường số, hướng tới việc quản lý và điều hành dựa trên cơ sở dữ liệu với 3 lĩnh vực chính ưu tiên bao gồm: kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải và an toàn giao thông. Điều này giúp cho ngành giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ, giảm thiểu chi phí trong việc triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.

Thông tin về quá trình triển khai chuyển đổi số của ngành giao thông vận tải, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 về "Chương trình chuyển đổi số quốc gia được đến năm 2025, định hướng đến 2030", Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số của ngành và yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai. Lãnh đạo Bộ đã chủ trì nhiều cuộc họp chuyên đề và triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

"Các đơn vị của Bộ phải tạo lập cơ sở dữ liệu của từng lĩnh vực và kết nối với dịch vụ công trực tuyến để hướng tới cung cấp dịch vụ công cho người dân từ khâu nộp hồ sơ, giải quyết các bước đều thực hiện hoàn toàn trên môi trường trực tuyến. Hiện có 3 lĩnh vực được sử dụng nhiều nhất dịch vụ công là đường bộ, đăng kiểm và hàng hải", ông Lê Thanh Tùng thông tin.

Với lĩnh vực đường bộ, ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Cục đã duy trì 66 dịch vụ công trực tuyến; trong đó có 41 dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4 và 25 dịch vụ công một phần. Tiêu biểu là việc mở rộng triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đổi giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia phạm vi toàn quốc từ ngày 14/11/2022.

"Việc triển khai cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến đã góp phần giảm bớt thủ tục hồ sơ, tiết kiệm thời gian và chi phí. Bởi, trung bình cho việc ăn nghỉ, đi lại của người dân ở các xã vùng xa cách trung tâm thành phố khoảng 300 km, mỗi hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe thực hiện theo hình thức trực tuyến tiết kiệm được khoảng 700.000 đồng", ông Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.

Ngoài ra, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã hoàn thành xây dựng, nâng cấp cơ sở dữ liệu các lĩnh vực như quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ; quản lý vận tải, phương tiện và người lái; kiểm soát tải trọng xe; quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ...

Đối với lĩnh vực đăng kiểm, tháng 4 vừa qua đã xảy ra quá tải đăng kiểm khiến nhiều chủ xe "mất ăn, mất ngủ" để đi kiểm định xe cơ giới. Nay, nhờ việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, lĩnh vực này đã hóa giải, tạo thuận lợi tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho người dân làm các thủ tục trên môi trường điện tử. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam bày tỏ, từ chỗ phải xếp hàng nộp hồ sơ thì nay, người dân và doanh nghiệp chỉ cần ở nhà đặt lịch hẹn kiểm định, cấp giấy xác nhận gia hạn kiểm định trực tuyến.

Trong khi đó, ở lĩnh vực hàng hải, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho hay: Hiện nay, có 97,5% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho tàu thuyền vào, rời cảng biển được thực hiện trực tuyến và ký số điện tử qua Cổng thông tin một cửa Quốc gia. Việc nộp, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được thực hiện hoàn toàn điện tử. Các giấy phép vào, rời cảng biển cũng được cấp điện tử và được chính quyền hàng hải các nước trên thế giới công nhận.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, việc làm thủ tục hành chính để các tàu, thuyền ra vào cảng biển hiện nay đã được rút ngắn, chỉ còn khoảng 20-30 phút. Nhờ đó, chỉ tính riêng tiền thuê tàu, mỗi doanh nghiệp vận tải biển cũng tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng/tháng nhờ giảm thời gian tàu nằm chờ. Doanh nghiệp cũng giảm được các chi phí cầu cảng, cầu bến, đi lại, nhân công.

Thông tin về kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông Vận tải thời gian qua, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ Giao thông Vận tải Lê Thanh Tùng cho biết: Bộ đang duy trì cung cấp 291 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 404 thủ tục hành chính (tỷ lệ 72%).

Đồng thời, Bộ đặt mục tiêu cuối năm nay sẽ hoàn thành dữ liệu chung về phương tiện, người điều khiển phương tiện ở cả 5 lĩnh vực và đến tháng 6/2024, số hóa toàn bộ dữ liệu về kết cấu hạ tầng giao thông để theo dõi được các công trình giao thông giống như lý lịch con người.

Về triển khai các nhiệm vụ Đề án 06, ông Tùng cho hay, Bộ đang phối hợp với Bộ Công an đẩy mạnh việc xác thực, hiển thị giấy phép lái xe trên ứng dụng VneID; thí điểm triển khai tài khoản định danh điện tử mức độ 2, ứng dụng sinh trắc học cho công dân khi làm thủ tục đi máy bay; mở rộng sử dụng thu phí không dừng tại các cảng hàng không, sân bay… Đối với cao tốc Bắc - Nam, cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2 khi phê duyệt dự án đều có quy định ứng dụng giao thông thông minh, hướng tới hình thành trung tâm điều hành chung hệ thống giao thông đường cao tốc nói riêng và đường bộ nói chung.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng thừa nhận một số khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số của Bộ như cập nhật dữ liệu giấy khám sức khỏe trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe. Trong số hơn 1.300 cơ sở y tế kết nối liên thông với cổng dịch vụ công của Bộ Giao thông Vận tải, chỉ có khoảng 30% cơ sở thực hiện việc tải lên tức thì khi có kết quả khám sức khỏe. Số còn lại vẫn cấp kết quả khám bằng giấy và phải nhập thủ công lên hệ thống cấp đổi giấy phép lái xe…

Ở một khía cạnh khác, ông Lê Thanh Tùng cho rằng, vẫn còn những khó khăn về nhận thức và sự vào cuộc của người đứng đầu. Ngoài ra, khó khăn đến từ thể chế, do hiện nay thể chế đang được xây dựng phục vụ cho việc thực hiện thủ công, chưa phải cho ứng dụng chuyển đổi số…

Chia sẻ thách thức trong quá trình chuyển đổi số, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) nhìn nhận: Thực trạng của chuyển đổi số trong các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước vẫn còn nhiều khó khăn do khác biệt và chênh lệch về cơ sở vật chất, vấn đề lịch sử hoặc ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, một số cơ chế chính sách cho việc nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm ứng dụng các công nghệ mới còn thiếu hoặc chưa được quy định rõ ràng, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi triển khai.

Về pháp lý, ông Lê Quang Trung cho rằng, một số quy định pháp luật liên quan đến xác thực điện tử, chia sẻ dữ liệu, định danh… còn chưa được quy định cụ thể. Một số quy định pháp luật gây cản trở khi doanh nghiệp muốn đầu tư, mua sắm các sản phẩm công nghệ từ nước ngoài. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh dẫn tới không có nguồn ngân sách để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

Vì vậy, các bên cần xem xét xây dựng một liên minh công nghệ để tăng cường sự trao đổi chia sẻ và hỗ trợ cho các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn. Để làm được điều này, các doanh nghiệp có thế mạnh về công nghệ như Viettel, FPT… cần tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistics. Trong khi đó, về vấn đề nhân lực, cần xây dựng ban chuyên gia tư vấn, kết nối về chuyển đổi số để cùng trao đổi và đưa ra hướng đi phù hợp cho cộng đồng doanh nghiệp, kiến tạo các nền tảng ứng dụng thích hợp cho khách hàng và người sử dụng…

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm