Chuyển đổi số

Chuyển đổi số giúp các ngân hàng tiết kiệm tới 70% chi phí

DNVN - Trước tác động của đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng. Theo đó, việc các ngân hàng sớm đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ giúp các ngân hàng kiểm soát tốt các chi phí…Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động và đạt mức tăng trưởng của các ngân hàng.

Sàn thương mại điện tử tăng tốc bán hàng thiết yếu cho người dân vùng dịch / Bộ TT&TT đề xuất cho shipper hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội

Số hoá giúp nâng cao năng suất lao động
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 39% tổ chức đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh công nghệ thông tin. Được biết, trong 3 đến 5 năm tới đây, có 58% ngân hàng kỳ vọng có trên 60% khách hàng sử dụng kênh số và hơn 44% ngân hàng kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng đạt mức trên 50%. Do đó, số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm đến 60 - 70% chi phí.
Điển hình, tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) đã giảm từ mức xấp xỉ 30% so với cùng kỳ năm 2020 xuống chỉ còn 28,1% - thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành. Việc tăng cường đầu tư công nghệ đã giúp ngân hàng tối ưu hóa năng suất lao động, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong đó, chi phí hoạt động của OCB trong quý 2/2021 chỉ tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi tổng thu nhập hoạt động tăng xấp xỉ 40%.
Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng kéo giảm chi phí hoạt động xuống chỉ còn 1.592 tỷ đồng trong quý 2/2021, tương ứng mức giảm xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng vẫn tăng mạnh 52%, đạt 6.220 tỷ đồng. Như vậy, ACB giảm mạnh từ mức 43% hồi quý 2/2020 xuống chỉ còn 25,5%.
Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) với chi phí hoạt động cũng chỉ tăng 6,91% trong nửa đầu năm nay, thấp hơn rất nhiều mức tăng của doanh thu. Chỉ số CIR cũng đã giảm rất mạnh từ 43% cuối tháng 6/2020 xuống chỉ còn 36% ở thời điểm kết thúc quý 2 năm nay.
Cùng với đó, Sacombank có tổng thu nhập hoạt động trong quý 2/2021 đạt hơn 4.744 tỷ đồng, tăng 33%, chi phí hoạt động chỉ tăng 18%, ở mức 2.336 tỷ đồng. Tuy nhiên, CIR của Sacombank trong quý 2/2021 là 49,2%, giảm mạnh so với mức 55,4% hồi cùng kỳ năm 2020.
Chuyển đổi số hỗ trợ ngân hàng tăng thêm khách hàng, tăng nguồn vốn rẻ
Bên cạnh việc kiểm soát tốt chi phí, chuyển đổi số còn mở ra sân chơi cho các ngân hàng trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt. Song song đó, việc triển khai công nghệ định danh điện tử (eKYC) tạo thuận lợi cho việc mở tài khoản ngân hàng trong thời gian dịch bệnh, từ đó thúc đẩy thanh toán trực tuyến tăng trưởng mạnh mẽ.
Tại Techcombank, trong nửa đầu năm 2021, đã thu hút thêm gần nửa triệu khách hàng mới, nâng tổng số lên 8,9 triệu khách hàng. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân lần lượt tăng 94,5% và 122,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), tính đến cuối tháng 6/2021, khách hàng đạt 19 triệu, trong đó riêng ngân hàng mẹ là 5,2 triệu và FE Credit có hơn 14 triệu khách hàng. Tỷ lệ khách hàng mở mới thông qua kênh digital đạt 73%, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Số lượng giao dịch online cũng tăng 200%. Tại OCB cũng ghi nhận tỷ lệ giao dịch thanh toán online tăng hơn 30% trong nửa đầu năm nay.
Tại Techcombank, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 46,1% tại thời điểm 30/6/2021. Số dư CASA tăng 55,1% trong vòng 12 tháng vừa qua và đạt 133,4 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp tăng lần lượt 56,9% và 52,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, hệ số NIM (chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng) trong quý 2/2021 của Techcombank đã tăng 157 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, lên 5,9%.
Nhờ đó, thu nhập từ lãi và các khoản tương tự của Techcombank tăng tới 31,5% trong quý 2/2021 trong khi chi phí lãi và chi phí tương tự giảm 20,6% so với cùng kỳ năm trước, giúp thu nhập lãi thuần tăng tới 67%. Mặc khác, Techcombank đã có kế hoạch giảm lãi suất cho vay và giảm phí giao dịch và phí trả trước để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ COVID-19 trong nửa cuối 2021. Mức giảm lên tới 1,5% cho các khoản vay hiện tại của khách hàng chịu ảnh hưởng và 1% cho khoản vay mới cho tất cả khách hàng doanh nghiệp và một số khách hàng cá nhân. Thế nhưng, SSI Reasearch cho rằng hệ số NIM của ngân hàng vẫn sẽ tăng nhờ chi phí vốn cải thiện và đã giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2021.
Tại Ngân hàng Quân đội (MB) đã ghi nhận CASA tăng lên 40% (so với 37% tại thời điểm cuối quý 1/2021), giúp lãi suất huy động trung bình tiếp tục giảm còn 2,8% (so với 2,88% trong quý 1/2021). Có thể thấy, thu nhập lãi thuần của MB đạt tới 6,6 nghìn tỷ đồng trong quý 2/2021, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020.
Tại VPBank có tỷ lệ CASA tăng lên mức 18,8% tại thời điểm cuối quý 2/2021, cao hơn đáng kể so với mức 15,5% hồi cuối năm 2020.
Công ty chứng khoán ACBS cho hay, hệ số NIM của các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể từ quý 3/2020 nhờ lãi suất huy động giảm khoảng 200 điểm cơ bản do tình trạng dư thừa thanh khoản. Tình trạng giãn cách xã hội thúc đẩy xu hướng thanh toán trực tuyến, qua đó giúp tỷ trọng CASA tăng lên và giúp chi phí vốn của ngân hàng giảm mạnh.
Theo dự kiến, Công ty chứng khoán ACBS nhận định hệ số NIM vẫn còn dư địa cải thiện do CASA tiếp tục tăng lên nhờ đẩy nhanh quá trình số hóa và các chiến dịch khuyến mãi thúc đẩy khách hàng giao dịch trực tuyến.
Quốc Lập - Đoàn Vĩnh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm