Chuyển đổi số

Chuyển đổi số hướng tới nền tài chính thông minh

DNVN - Năm 2023, Bộ Tài chính đã nỗ lực trong chuyển đổi số, hướng tới nền tài chính thông minh.

Tiền số lao dốc, hệ thống tài chính có bị tác động? / Doanh nghiệp tài chính tiêu dùng sử dụng TikTok tương tác với khách hàng

Trên cơ sở bình chọn của các đơn vị thuộc bộ và các cơ quan báo chí ngành tài chính, ngày 27/12, Bộ Tài chính công bố 10 sự kiện nổi bật ngành tài chính năm 2023. Theo đó, về chỉ số cải cách tài chính công, Bộ Tài chính tiếp tục là một trong số các bộ dẫn đầu, đạt tỷ lệ trên 96%. Quản lý điều hành chính sách tài khóa mở rộng, hiệu quả; chuyển đổi số, hướng tới nền tài chính thông minh.

Bộ Tài chính cũng có nhiều giải pháp quản lý, giám sát kịp thời thị trường chứng khoán; quản lý nợ công chặt chẽ, hiệu quả. Đồng thời, hoàn thiện pháp luật và giảm nhiều khoản phí, lệ phí khi thực hiện điều hành dịch vụ công trực tuyến; kiểm soát lạm phát, quản lý bội chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả; phát hiện, bắt giữ thành công nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy với số lượng lớn.

Cũng trong năm 2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Thuế tối thiểu toàn cầu, công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, hiệu quả. Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”.

Năm 2023, Bộ Tài chính đã nỗ lực trong chuyển đổi số, hướng tới nền tài chính thông minh.

Đáng chú ý, năm 2023, Bộ Tài chính đã nỗ lực trong chuyển đổi số, hướng tới nền tài chính thông minh. Đây là năm thứ 9 liên tiếp (từ 2014 - 2023), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính (PAR Index). Kết quả PAR Index đạt 89,76%. Bộ Tài chính tiếp tục là một trong số các bộ dẫn đầu chỉ số cải cách tài chính công, đạt tỷ lệ trên 96%.

“Chuyển đổi số tạo ra sự thay đổi về tư duy, nhận thức, phương thức xử lý công việc và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của hầu hết các đơn vị trong ngành tài chính. Bộ Tài chính đã tập trung triển khai có hiệu quả các hệ thống thông tin lớn, cốt lõi bám sát chương trình chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, đặc biệt chú trọng hỗ trợ trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp như lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc”, Bộ Tài chính khẳng định.

Theo Bộ Tài chính, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc. 99,9% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, tiếp nhận hơn 15,6 triệu hồ sơ.

Với việc áp dụng hệ thống hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, đến nay tổng số lượng hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý đạt gần 6,1 tỷ hóa đơn, trong đó 1,7 tỷ hóa đơn có mã. Hơn 4,4 tỷ hóa đơn không mã.

Hiện nay cơ quan thuế tiếp tục triển khai bản đồ số hộ kinh doanh; vận hành hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI). Đồng thời, triển khai mở rộng chương trình hóa đơn điện tử từ máy tính tiền.

Mới đây nhất, “Dịch vụ khai thuế giá trị gia tăng đối với phương pháp khấu trừ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh” của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) được Bộ Thông tin và Truyền thông tôn vinh là 1 trong 4 dịch vụ công trực tuyến xuất sắc.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm