Chuyển đổi số

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp: Có nét đặc thù nên phải làm căn cơ

DNVN - Làm việc với Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng chuyển đổi số ngành nông nghiệp có nét đặc thù. Thực tế ấy đòi hỏi cách làm căn cơ, bài bản.

Chính phủ Sierra Leone bắt tay doanh nghiệp Việt chuyển đổi số quốc gia / Hà Tĩnh tập trung ứng dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp

Chiều 4/5, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ NNPTNT đã họp bàn Dự thảo Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu thành viên Ban chỉ đạo làm rõ các vấn đề liên quan tới thực trạng ngành trong dự thảo. Những đơn vị trực thuộc Bộ NNPTNT phải tự xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số, trước khi báo cáo Văn phòng Bộ tổng hợp để trình Thủ tướng trong quý II/2022. Ban chỉ đạo cần tham khảo về trình tự, thủ tục xây dựng lộ trình chuyển đổi số của quốc tế, nhất là các nước phát triển, từ đó xây dựng bài học cho Việt Nam.

Đáng chú ý, để đề án chuyển đổi số sớm đi vào thực tiễn, cần dựa vào cơ sở pháp lý, đồng thời làm rõ mục tiêu, tầm nhìn của đề án, và nêu bật được vai trò trụ đỡ nền kinh tế của ngành nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ NNPTNT.

Chia sẻ các tham luận tại cuộc họp, đa số thành viên Ban chỉ đạo đều cho rằng, ngành nông nghiệp đã có những tiềm năng sẵn có về chuyển đổi số như mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi, chuỗi liên kết giá trị, công tác dự tính, dự báo về sâu hại, cháy rừng... hay liên kết theo chuỗi giá trị với HTX, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề trùng hợp, chồng chéo trong công tác thống kê, chỉ đạo, điều hành giữa các đơn vị chuyên môn.

Trước thực trạng đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu thành viên Ban chỉ đạo tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, bảo mật an ninh mạng.

“Quá trình chuyển đổi số phải đi từ cơ sở hạ tầng, phát triển vùng nguyên liệu, trước khi tính đến chế biến, logictics. Chuyển đổi số ngành nông nghiệp có nét đặc thù. Thực tế ấy đòi hỏi cách làm căn cơ, bài bản, theo từng bước nhỏ và bám sát khung đề án", ông Tiến nhấn mạnh.

Được biết, “Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” đặt mục tiêu đưa ngành nông nghiệp vào tốp 10 nhóm ngành dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh. Trên 50% nông dân được hỗ trợ tiếp cận với công nghệ, cũng như hệ sinh thái nông nghiệp số; trên 70% làng nghề truyền thống, 70% doanh nghiệp, HTX, kinh tế hộ được tập huấn, hỗ trợ.

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp có những nét đặc thù.

Theo đề án, đến năm 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến đạt 90%; tích hợp tối thiểu 70% các dịch vụ công trực tuyến với cổng dịch vụ công quốc gia; 100% người dân và doanh nghiệp hài lòng với giải quyết thủ tục hành chính; tỷ trọng kinh tế số nông nghiệp trung bình đạt tối thiểu 20%.

Để “Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” được hoàn thiện nhất, ngày 14/3/2022, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ NNPTNT đã tham mưu, trình Thứ trưởng Phùng Đức Tiến về việc thành lập Tổ soạn thảo xây dựng đề án.

Ngày 7/4, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi văn bản số 2133/BNN-VP đến Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn.

Đến ngày 29/4, 62/63 Sở NNPTNT gửi tham vấn xây dựng đề án; 40/63 tỉnh, thành phố cung cấp thông tin khảo sát, phục vụ xây dựng đề án.

Dự kiến trong tháng 5/2022, Tổ soạn thảo sẽ hoàn thành lấy ý kiến địa phương về dự thảo. Tháng 6/2022, Tổ soạn thảo sẽ lấy ý kiến các Bộ, ban, ngành, Ủy ban liên quan của Quốc hội, trước khi hoàn thiện tờ trình, báo cáo thuyết minh đề án để trình Thủ tướng.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm