Chuyển đổi số

Chuyển đổi số ở Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn

Một trong những giải pháp đang được tỉnh Quảng Nam nỗ lực thực hiện trong quá trình phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết 82 /NQ-CP, ngày 18/5/2023 của Chính phủ là chuyển đổi số gắn với đa dạng sản phẩm du lịch, lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm theo định hướng mới của ngành Du lịch Việt Nam.

Hướng đến 100% người dùng có điện thoại thông minh vào cuối năm 2024 / Nguy cơ AI vượt tầm kiểm soát

Chú thích ảnh
Khai trương sản phẩm chuyển đổi số “Thuyết minh đa ngôn ngữ” tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn - điểm đến không thể thiếu của du khách, nhất là khách quốc tế, đã và đang trở thành đơn vị đi đầu trong thực hiện công nghệ tiên tiến này.

Tích hợp công nghệ trong hành trình khám phá di sản

Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) Phan Hộ cho biết, năm 2023, lượng khách du lịch đến Mỹ Sơn có sự phục hồi ấn tượng; ước đạt trên 360.000 lượt, trong đó khách quốc tế là trên 315.000 lượt, tăng hơn 300% so với năm 2022.

Kết quả tích cực này có được là nhờ sự cộng hưởng của nhiều yếu tố; trong đó, các hoạt động chuyển đổi số, áp dụng và thực hành công nghệ để vừa thu hút du khách, vừa tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa phục vụ cho hoạt động du lịch giữ vai trò chủ đạo.

Theo Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, khi đến với Di sản này, du khách có thể ứng dụng nhiều công nghệ hỗ trợ trong hoạt động tham quan như: Sử dụng loại hình dịch vụ bán vé online, soát vé qua mã QR, thanh toán chuyển khoản qua mã quét QR và thẻ visa, cập nhật thông tin trên nền tảng Google map, Youtube, website của đơn vị.

Việc kết nối các loại hình dịch vụ, giá trị di sản đến du khách thông qua các phần mềm ứng dụng mạng xã hội facebook, Instagram, gmail dùng chung, zalo nhóm nhằm quảng bá điểm đến. Đây là cách tích hợp, khai thác hợp lý công nghệ số đang được Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn - với tư cách là một điểm đến trong hành trình di sản, tập trung ứng dụng mạnh mẽ.

 

Chú thích ảnh
Du khách quốc tế tìm hiểu thông tin về giá trị văn hóa, lịch sử của Khu đền tháp Mỹ Sơn qua mã QR.

Đánh giá về kết quả bước đầu trong hành trình chuyển đổi số tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn và những điểm đến khác trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Phan Xuân Cảnh chia sẻ: Những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trực tiếp đầu tư vào hệ thống hạ tầng đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực đối với hoạt động du lịch, tối ưu hóa thành những sản phẩm với những ứng dụng số thông minh.

Từ sản phẩm website thực tế ảo VR360 chi tiết tích hợp tính năng thuyết minh ảo, thuyết minh giới thiệu tổng quan, việc đưa mô hình 3D bảo tàng số lên vị trí Map 3D Bizverse World đã được du khách quan tâm sử dụng. Sử dụng tính năng của sản phẩm này, dù ở bất kỳ nơi đâu du khách cũng có thể tham quan, tương tác tại các vị trí của khu đền tháp thông qua hệ thống thế giới ảo Metaverse.

Điều này giúp du khách tham quan, trải nghiệm như ngoài thực tế, người dùng có thể đi bộ, tương tác, kể cả chụp ảnh trong khu đền tháp, di chuyển đến vị trí mình yêu thích, tạo cảm giác như đang có mặt tại Mỹ Sơn.

Sản phẩm thuyết minh đa ngôn ngữ (Audio Guide) được đưa vào hoạt động từ giữa năm 2023, là sản phẩm chuyển đổi số sử dụng công nghệ để cung cấp thông tin đến du khách tham quan tại di tích Mỹ Sơn. Sản phẩm với 6 thứ tiếng là: Việt, Anh, Pháp, Nhật, Hàn, Trung đến nay được du khách rất hài lòng và đánh giá cao.

Sản phẩm này có những ưu điểm vượt trội như: Khách tham quan chủ động nghe các bài thuyết minh theo ý thích của mình; hỗ trợ thuyết minh nhiều ngôn ngữ đối với nhiều thành phần du khách; du khách có thể chủ động nghe lại nhiều lần. Đồng thời, sau thời gian sử dụng, những nội dung thuyết minh sẽ tiếp tục được điều chỉnh phù hợp do tính năng dễ dàng cập nhật thêm nội dung mới.

Chú thích ảnh
Tìm hiểu thông tin về 40 câu chuyện với 60 ngôn ngữ bằng mã QR tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Kết nối và tương tác sâu trong du lịch chủ động

 

Tham quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, ông Narelly Stillone (du khách Australia) nhấn mạnh: “Mỹ Sơn là di sản quý của nhân loại. Tuy vậy, khi đến đây, không phải bất cứ du khách nào cũng hiểu hết được các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của di sản này.

Do đó, việc đưa sản phẩm mới chuyển đổi số thuyết minh đa ngôn ngữ (Audio Guide) vào phục vụ là cách làm sáng tạo và hiệu quả. Du khách được nghe thuyết minh rõ ràng mà không chịu ảnh hưởng của môi trường xung quanh trong những thời điểm đông khách tập trung với số lượng lớn. Mặt khác, việc số hóa các sản phẩm du lịch tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn còn là điều kiện thuận lợi để khách du lịch khắp nơi dễ dàng kết nối và tương tác sâu với điểm đến trước mỗi chuyến trải nghiệm”.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh nêu rõ, phân tích của các chuyên gia cho thấy, hiện nay, xu hướng du lịch chủ động đã dần chiếm ưu thế. Nhiều khách du lịch khi đến Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm, Hồ Phú Ninh và các điểm đến vùng sâu trong đất liền Quảng Nam muốn tự trải nghiệm theo hướng dẫn thông qua công nghệ, dùng công nghệ kết nối, chia sẻ về thông tin, tương tác điểm đến.

Do vậy, việc thực hiện chuyển đổi số giúp hoạt động du lịch trở nên đa dạng hơn, vừa là sản phẩm trải nghiệm vừa là dịch vụ hỗ trợ trải nghiệm điểm đến; đồng thời, giúp du khách dễ dàng trong việc chuẩn bị trước chuyến đi, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ giá trị điểm đến, kết nối, chia sẻ, lan tỏa những hành động tích cực, ý thức bảo vệ văn hóa bản địa, tài nguyên du lịch.

Chú thích ảnh
Khách quốc tế tham quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Chú thích ảnh
Mã QR “Thuyết minh đa ngôn ngữ” được bố trí nhiều nơi tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn để đáp ứng nhu cầu khách tham quan.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ, chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trên lĩnh vực du lịch đều nhằm xây dựng, định hình được hệ sinh thái ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành, phục vụ cung cấp dịch vụ, tiện ích ứng dụng công nghệ mới vì mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển công nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy di sản.

 

Quảng Nam sở hữu hai di sản văn hóa thế giới là: Khu đền tháp Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An. Đây là cầu nối trong hành trình kết nối di sản miền Trung và cả nước. Do vậy, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch cần khẩn trương hơn, quyết liệt hơn để quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử, tiềm năng du lịch của tỉnh đến đông đảo khách du lịch, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, chuyển đổi số gắn với đa dạng sản phẩm du lịch là hướng phát triển tất yếu. Từ thực tế của những sản phẩm như: Tham quan thực tế ảo 360, website 3600, thuyết minh đa ngôn ngữ, màn hình tương tác thông tin, tích hợp giới thiệu, quảng bá điểm đến như Mỹ Sơn, Hội An, Hồ Phú Ninh và các điểm đến khác đã mang lại lợi ích thiết thực, khai thác hiệu quả công nghệ vào làm giàu giá trị di sản; từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến nhất nhằm giải quyết hài hòa bài toán phát triển du lịch nhưng không mâu thuẫn với bảo tồn.

Chú thích ảnh
Biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm Pa dưới chân tháp cổ là một trong những sản phẩm đặc sắc phục vụ du khách.

Hoạt động này còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ điểm đến để cùng chia sẻ lợi ích đến doanh nghiệp, cộng đồng làm du lịch, góp phần xây dựng sản phẩm du lịch xanh, hấp dẫn và thân thiện với du khách, lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm là một trong những hướng phát triển chủ đạo đang được ngành Du lịch Quảng Nam hướng đến. Để làm được điều này, những hạn chế về hạ tầng kỹ thuật cần được địa phương đầu tư đồng bộ; đồng thời, sự phối hợp giữa các ngành, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng làm du lịch trong hoạt động chuyển đổi số cần được quan tâm đầy đủ hơn.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm