Chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong logistics ở Việt Nam gặp khó nhiều bề

DNVN - Quá trình chuyển đổi số trong logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn nhiều bề. Cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô, từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp.

Sếp Vinafco, Lazada, SLP "hiến kế" tăng tốc thị trường logistics / Doanh nghiệp logistics Việt chưa chú trọng bảo mật thông tin

Phát biểu tại “Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ V với chủ đề: Chuyển đổi số - Động lực mới thúc đẩy tăng trưởng Vùng Đồng bằng sông Hồng”, chiều ngày 28/5, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang tạo cơ hội thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực logistics.

Năm 2023, theo bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI) do Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam đã tiếp tục đà tăng điểm đạt được trong báo cáo LPI 2018 khi đạt mức tăng 0,03 điểm. Cụ thể là từ 3,27 điểm lên 3,3 điểm, xếp vị trí thứ 43 trong số 139 nền kinh tế được xếp hạng với sự cải thiện của các yếu tố về hạ tầng, hải quan và gửi hàng quốc tế.

Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam chưa hình hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn.

Số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy, đội tàu Việt Nam đã tăng từ hạng 4 năm 2019 lên đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 22 trên thế giới năm 2022. Năm 2019, đội tàu Việt Nam đứng thứ 30 trên thế giới.

Tuy nhiên, ngành logistics của chúng ta vẫn còn những hạn chế. Vận tải hàng hoá trong nước chủ yếu là đường bộ, chi phí logistics còn ở mức cao, năng lực và chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu.

Việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu. Chưa hình hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt, tiên phong để tiến ra thị trường quốc tế.

Tại vùng đồng bằng sông Hồng, phát triển ngành logistics đã và đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn liên quan đến quỹ đất xây dựng kho hàng, kho bãi. Trung tâm trung chuyển hàng hoá, trung tâm logistics không nhiều, vốn đầu tư của các doanh nghiệp không lớn.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quá trình chuyển đổi số trong ngành logistic còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trình độ nguồn nhân lực logistics và nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế.

Cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông vẫn chưa được đầu tư tương xứng, đồng bộ với nhu cầu phát triển thực tiễn. Cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực logistics có lúc, có nơi còn chưa phát được huy hiệu lực, hiệu quả.

Mặc dù lợi ích mang lại từ chuyển đổi số là rất rõ ràng, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn nhiều bề. Cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô, từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp.

Chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu.

Báo cáo Logistics năm 2023 của Bộ Công Thương cho biết, có 90,5% các doanh nghiệp dịch vụ logistics tham gia khảo sát đang còn ở giai đoạn số hóa, bao gồm cấp độ 1 là tin học hóa và cấp độ 2 là kết nối. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp đang ở cấp độ 2 với tỷ lệ chiếm tới 73,5%.

“Chỉ có 5% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 3 là trực quan hóa, 2,2% ở cấp độ 4 là minh bạch hóa. Đặc biệt, chỉ có 1,9% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 5 (có khả năng dự báo) và con số rất “khiêm tốn” 0,4% doanh nghiệp đạt đến cấp độ cao nhất - cấp độ 6 là có khả năng thích ứng”, ông Công cho biết.

Như vậy, chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu. Chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề xuất, phát triển ngành logistic nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistic nói riêng cần có sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Đó là tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thể chế, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logictics.

Chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại. Phát huy vai trò của logistics thúc đẩy liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương nội vùng mạnh mẽ.

Đối với Vùng Đồng bằng sông Hồng, với tiềm năng và lợi thế sẵn có, các địa phương trong vùng cần chủ động thiết lập quỹ đất sạch để tạo điều kiện thuận lợi. Sẵn sàng thu hút các công ty, tập đoàn kinh tế lớn, xuyên quốc gia có uy tín, năng lực và có khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Cần thu hút các doanh nghiệp logistics hàng đầu quốc tế đầu tư vào phát triển hạ tầng logistic, góp phần đưa Vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Á và thế giới. Đồng thời, nghiên cứu hình thành định chế tài chính, cơ chế chính sách để chủ động cân đối nguồn lực thực hiện các dự án liên tỉnh trong vùng.

“Phát triển logistics thông minh cần dựa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành logistics, tận dụng và khai thác tối đa hiệu quả của quá trình chuyển đổi số để phát triển ngành logistics”, ông Hiển nhấn mạnh.


Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm