Ứng dụng Đà Lạt trực tuyến: Xử lý phản ánh của người dân, doanh nghiệp trong 2 đến 8 giờ
Lâm Đồng: Công ty Toucan hỗ trợ doanh nghiệp “Chuyển đổi số - Phát triển kinh doanh” / Lâm Đồng: Xây dựng Bảo Lộc trở thành thành phố thông minh
Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt Tôn Thiện San vừa ký ban hành quyết định về việc ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh của nhân dân, tổ chức qua ứng dụng Đà Lạt trực tuyến.
Giao diện ứng dụng Đà Lạt trực tuyến - iGov Connect.
Theo đó, đối tượng áp dụng là nhân dân đang sinh sống, khách du lịch, doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động trên địa bàn TP. Đà Lạt; các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp và UBND các phường, xã thuộc UBND TP. Đà Lạt; cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được giao nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý ý kiến phản ánh của nhân dân, tổ chức qua ứng dụng Đà Lạt trực tuyến.
Các phản ánh của nhân dân, doanh nghiệp phải đảm bảo tính khách quan, trung thực và chịu trách nhiệm về nội dung phản ánh. Cần thể hiện rõ nội dung phản ánh, kiến nghị kèm theo hình ảnh, âm thanh. Nghiêm cấm sử dụng ngôn từ thô lỗ, dung tục, xúc phạm, bôi nhọ danh dự của tổ chức, cá nhân.
Mỗi CBCCVC các phòng ban, đơn vị có liên quan đến tiếp nhận và xử lý thông tin sẽ được UBND TP. Đà Lạt cấp tài khoản để khai thác ứng dụng. Tuy nhiên, phải thực hiện theo quy định về bảo mật thông tin cá nhân của người phản ánh, kiến nghị. Các nội dung phản ánh, kiến nghị chỉ được phép cung cấp, chia sẻ cho bên thứ 3 khi có sự đồng ý của lãnh đạo UBND TP. Đà Lạt.
Tất cả phòng ban, đơn vị trực thuộc UBND TP. Đà Lạt, UBND các phường, xã là đơn vị trực tiếp tiếp nhận thông tin và xử lý theo thẩm quyền được pháp luật quy định và đã được phân công.
Trường hợp phản ánh không thuộc phạm vi quyền hạn thì chuyển tiếp toàn bộ nội dung thông tin về Văn phòng HĐND và UBND TP. Đà Lạt để giao đơn vị có thẩm quyền giải quyết, hoặc báo cáo xin ý kiến chỉ đạo giải quyết.
UBND TP. Đà Lạt quy định thời gian xử lý ý kiến, phản ánh của nhân dân, doanh nghiệp về thái độ, chất lượng phục vụ của CBCCVC là trong thời gian không quá 8 giờ làm việc. Sau khi tiếp nhận thông tin, phản ánh, Phòng Nội vụ TP. Đà Lạt sẽ chủ trì, phối hợp với các phòng ban đơn vị chịu trách nhiệm xử lý, cử cán bộ xử lý phản ánh và báo cáo kết quả xử lý lên ứng dụng Đà Lạt trực tuyến.
Trong khi đó, các phản ánh về Giá cả thị trường; Văn hoá du lịch; Quản lý, bảo vệ rừng; Môi trường sẽ được ngành chức năng thành phố tiếp nhận, xử lý và báo cáo kết quả lên ứng dụng trong vòng không quá 4 giờ làm việc.
Các phản ánh về An ninh giao thông, an ninh trật tự; Trật tự xây dựng; Vệ sinh an toàn thực phẩm; Trật tự đô thị sẽ được xử lý và có kết quả trong vòng không quá 2 giờ làm việc.
Những kiến nghị khác, Văn phòng HĐND và UBND TP. Đà Lạt sẽ tiếp nhận, phân loại chuyển về các đơn vị xử lý. Trong thời gian không quá 4 giờ từ khi nhận thông tin phản ánh, các phòng ban, đơn vị và UBND các phường, xã chịu trách nhiệm xử lý, cử cán bộ tiếp cận hiện trường, vụ việc và báo cáo kết quả xử lý lên ứng dụng Đà Lạt trực tuyến.
Các ý kiến chưa thể giải quyết do phải phối hợp với nhiều cơ quan, các phòng ban, đơn vị nơi phát sinh phản ánh, phải báo cáo đề xuất đơn vị phối hợp và dự kiến thời gian giải quyết lên ứng dụng.
Các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh sẽ được giám sát và cập nhật về Trung tâm điều hành thông minh TP. Đà Lạt, giúp lãnh đạo thành phố có thể giám sát, xử lý kịp thời.
Theo Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt Tôn Thiện San, ứng dụng Đà Lạt trực tuyến - iGov Connect là ứng dụng được tích hợp trên hệ thống Trung tâm điều hành thông minh TP. Đà Lạt (Trung tâm IOC), vừa được kích hoạt hoạt động vào cuối năm 2019.
Với việc tích hợp này, các số liệu khi người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa, như: Nộp hồ sơ, bấm số thứ tự, theo dõi quầy bốc số, tra cứu nhanh trạng thái hồ sơ, đánh giá thái độ phục vụ của nhân viên tiếp nhận hồ sơ, phản ánh kiến nghị của người dân đến các cơ quan chức năng của thành phố, sẽ được giám sát và cập nhật về Trung tâm IOC, giúp lãnh đạo thành phố có thể giám sát tối đa hoạt động hành chính công.
Ứng dụng đồng thời là kênh để người dân và doanh nghiệp phản ánh trực tiếp đến cơ quan chức năng bằng hình ảnh hiện trường về các vấn đề, như: An ninh trật tự, trật tự xây dựng, văn hoá du lịch, vệ sinh môi trường, giá cả thị trường… để lãnh đạo thành phố có thể trực tiếp chỉ đạo và theo dõi trực quan được tình hình xử lý các vấn đề người dân phản ảnh.
Ngoài ra, hệ thống cũng đã tích hợp các ứng dụng mà thành phố đã triển khai, như: Cổng thông tin quy hoạch đô thị, Sổ liên lạc điện tử, Ứng dụng du lịch thông minh, Bản đồ các cơ quan hành chính, thông tin việc làm…
“Việc xây dựng thành công Trung tâm IOC được ví là một bước tiến lớn trên lộ trình tiến tới xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh, nhằm tạo những lợi ích thiết thực, để phục vụ nhân dân, du khách, doanh nghiệp được tốt hơn”, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo