Lâm Đồng: Xây dựng Bảo Lộc trở thành thành phố thông minh
DNVN – Bên cạnh Đà Lạt, Bảo Lộc là thành phố thứ 2 của tỉnh Lâm Đồng thực hiện Đề án xây dựng thành phố thông minh. Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, sẽ góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội toàn diện và bền vững, nâng cao năng lực cạnh trạnh.
“Xắn tay áo” cùng sự phát triển của Bảo Lộc / TP. Bảo Lộc kiến nghị với Trung ương tạo điều kiện được tiếp cận vốn ODA
Sở TT&TT tỉnh Lâm Đồng vừa có buổi làm việc với TP. Bảo Lộc về việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng thành phố Bảo Lộc trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030”.
Bí thư Thành ủy Bảo Lộc Nguyễn Văn Triệu phát biểu tại buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng về đề án xây dựng Bảo Lộc trở thành thành phố thông minh (Ảnh: K.P)
Theo đó, mục tiêu xây Bảo Lộc trở thành thành phố thông minh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững, nâng cao năng lực cạnh trạnh. Đến năm 2025, TP. Bảo Lộc cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại.
Nhiều nội dung quan trọng về tầm nhìn chiến lược đã được đưa ra bàn thảo, xem xét phục vụ cho việc triển khai xây dựng Đề án “Xây dựng Bảo Lộc trở thành thành phố thông minh”, như: Xây dựng nền tảng điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm của thành phố là nơi tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị trên tất cả các lĩnh vực. Qua đó, giúp lãnh đạo các cấp giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy và quản lý chất lượng dịch vụ một cách tổng thể, cho phép phân tích dữ liệu lớn, hỗ trợ ra quyết định và xây dựng quy chế, chính sách.
Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử quản lý các lĩnh vực đô thị, giao thông, du lịch, y tế, giáo dục và an toàn thực phẩm… thông qua ứng dụng công nghệ ICT nhằm nâng chất lượng cuộc sống và giải quyết kịp thời các vấn đề được người dân quan tâm.
Quản lý đô thị tinh gọn thông qua các hệ thống thông tin quản lý những lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật; các dịch vụ chủ yếu của đô thị được số hóa, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành; tăng cường sự tham gia đóng góp ý kiến của người dân nhằm nâng cao năng lực dự báo, hiệu quả và hiệu lực quản lý của chính quyền địa phương.
Bảo vệ môi trường hiệu quả thông qua việc xây dựng các hệ thống giám sát, cảnh báo trực tuyến về môi trường (nước, không khí, tiếng ồn, đất, chất thải...); các hệ thống thu thập, phân tích dữ liệu môi trường phục vụ nâng cao năng lực dự báo, phòng chống, ứng phó khẩn cấp và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc xây dựng hạ tầng thông tin số, khuyến khích cung cấp dữ liệu mở để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh trong nền kinh tế số. Xử lý dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện đảm bảo cho mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng trên cơ sở hạ tầng thông tin số.
Tăng cường tương tác giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp được tạo điều kiện tham gia ý kiến vào các vấn đề quan trọng của thành phố, thông qua các kênh giao tiếp số trên thiết bị di động. Tăng cường việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm…
Bảo Lộc là thành phố còn nhiều dư địa phát triển của tỉnh Lâm Đồng
Được biết, Đề án được xây dựng dựa trên 8 lĩnh vực chính, gồm: Chính quyền điện tử, quy hoạch và phát triển đô thị, du lịch, nông nghiệp, giáo dục, y tế, môi trường và giao thông. Thời gian dự kiến hoàn thành Đề án từ ngày 1/6 đến 21/6/2020 và trình UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, công bố Đề án này vào ngày 30/6/2020.
Sau khi công bố Đề án “Xây dựng Bảo Lộc trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030”, TP. Bảo Lộc phối hợp với các sở, ngành của tỉnh triển khai thực hiện theo lộ trình 3 giai đoạn, gồm: Giai đoạn 2020 – 2021, 2022 – 2025 và giai đoạn sau năm 2025. Theo đó, các giai đoạn sẽ được triển khai thực hiện tương ứng với các nhiệm vụ, mục tiêu, lĩnh vực và nguồn vốn cụ thể theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, địa phương và điều kiện đặc thù của TP. Bảo Lộc.
Năm 2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố Đề án “Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh” giai đoạn 2018-2025, dựa trên 4 trụ cột chính là: Quản trị, Đời sống, Môi trường và Kinh tế.
8 lĩnh vực được triển khai để xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh, đó là: Chính quyền điện tử; Lĩnh vực nông nghiệp; Lĩnh vực du lịch; Lĩnh vực thành phố an toàn; Lĩnh vực môi trường; Lĩnh vực giáo dục - đào tạo; Lĩnh vực y tế; Lĩnh vực giao thông.
Lộ trình tổng thể thực hiện đề án sẽ chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2018 - 2020 sẽ thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung cho thành phố thông minh và triển khai các lĩnh vực ưu tiên như: chính quyền số, quy hoạch đô thị. Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp trên nền tảng dùng chung các ứng dụng và mở rộng, cải tiến theo hướng ngày càng thông minh hơn.
Lãnh đạo Tập đoàn VNPT và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, TP. Đà Lạt cùng nhấn nút khai trương Trung tâm IOC
Trên lộ trình tiến tới xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh, Tập đoàn VNPT đã cùng tỉnh Lâm Đồng xây dựng Trung tâm điều hành thông minh Thành phố Đà Lạt và chính thức đưa vào hoạt động vào cuối năm 2019. Hệ thống này được ví như “cơ quan đầu não” của thành phố thông minh.
Được biết, hiện Lâm Đồng đứng thứ 3/63 tỉnh, thành, trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng chính quyền điện tử; 20% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh được sử dụng để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… Với việc xây dựng 2 “thành phố thông minh” là Đà Lạt và Bảo Lộc, sẽ là “đòn bẩy” giúp Lâm Đồng phát triển kinh tế - xã hội và đời sống theo hướng hiện đại hoá, toàn diện và bền vững.
Tâm An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo