Chuyển đổi số

COVID-19 buộc các doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ để thay đổi

DNVN - Đại dịch COVID-19 buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi số để thay đổi phương thức làm việc truyền thống không còn phù hợp, cần nắm bắt được cơ hội tăng tốc qua 3 giai đoạn: Ứng phó, phục hồi và tăng tốc.

Nhiều tập đoàn công nghệ Nhật Bản muốn hợp tác đầu tư chuyển đổi số tại Việt Nam / Chính thức khai trương sàn giao dịch công nghệ techmartvietnam.vn

Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ tại Diễn đàn Chuyển đổi số Việt Nam 2021 (Vietnam DX Summit 2021) ngày 2/12, trong 2 năm qua, chuyển đổi số tại Việt Nam đã có những bước tiến rất đáng kể trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, khu vực công cũng như khu vực tư nhân.

Nhận thức của xã hội về chuyển đổi số được lan tỏa rất nhanh chóng. Sự chuyển biến này có được là nhờ rất nhiều chương trình xúc tiến, thúc đẩy của các cơ quan Nhà nước từ cấp cao nhất, của các tổ chức chuyên môn và nỗ lực của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thay thế cách làm cũ sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Đáng chú ý, đại dịch cũng trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho xu hướng chuyển đổi số. Trải qua 4 làn sóng COVID-19 và trong điều kiện “bình thường mới”, doanh nghiệp Việt đang gặp vô vàn khó khăn. 17,8% doanh nghiệp thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của dịch, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh tăng gần 20% so với năm 2020, việc đảm bảo an toàn sức khỏe, ứng phó kịp thời với rủi ro dịch bệnh là thách thức lớn…

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã buộc doanh nghiệp phải thay đổi phương thức làm việc truyền thống, sự phát triển của công nghệ cho phép doanh nghiệp vận dụng, ứng dụng công nghệ nhanh chóng để phát triển.

Ông Trần Huy Bảo Giang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH FPT Digital cho biết: “Doanh nghiệp Việt cần có cái nhìn đúng đắn về chuyển đổi số, nắm bắt được cơ hội tăng tốc, qua 3 giai đoạn: Ứng phó, phục hồi và tăng tốc. Cái đích là nhìn nhận đại dịch này như là một cơ hội thay đổi bứt phá dành cho doanh nghiệp, nhảy bật cao hơn, tăng tốc hơn”.

Cũng theo ông Giang, trong những năm vừa qua FPT đã thực hiện rất nhiều chiến dịch chuyển đổi số sử dụng phương pháp luận là FPT Digital Kaizen thông qua 3 trụ cột là kinh doanh, công nghệ và con người.

Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, xu hướng xây dựng nguồn nhân lực số để tối ưu vận hành ngân hàng đã trở thành xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược. Các yếu tố tự động hóa, tăng năng lực về xử lý dữ liệu bằng AI, Big Data, tăng kỹ năng của nhân viên là thiết yếu.

Theo đó, các giải pháp của FPT giúp các doanh nghiệp tự động hóa các quy trình nghiệp vụ lặp đi lặp lại với độ chính xác cao giúp tối ưu chi phí, nâng cao 60% năng suất lao động và tạo ra những trải nghiệm mới cho khách hàng.

Đáng chú ý, nền tảng tự động hóa quy trình nghiệp vụ akaBot có tốc độ nhanh hơn 30 lần so với 1 nhân viên, hoạt động 24/7, không sai sót và chi phí thấp.

Trong lĩnh vực y tế, với năng lực, kinh nghiệm và nguồn lực sẵn có, FPT đã cùng ngành y tế chuyển đổi số một cách toàn diện, mang lại những giá trị thiết thực cho người dân và xã hội. Giải pháp FPT.eHospital đã hiện diện tại hơn 300 bệnh viện và cơ sở y tế, giúp tiết kiệm 20 triệu ngày công xã hội, phục vụ 300 triệu lượt khám…

Hiện tại, FPT sở hữu hệ sinh thái giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho bệnh viện, gồm 3 cấu phần: Hệ thống Quản lý bệnh viện thông minh, Hệ thống Quản lý, điều hành thông minh, Hệ thống Chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông minh góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; tối ưu hiệu quả công tác quản lý chỉ đạo điều hành và góp phần tiết kiệm thời gian khám, chi phí…

Nguyên Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm