COVID-19 có là cú hích để doanh nghiệp chuyển đổi số?
Thúc đẩy đưa công nghệ vào giải quyết những thách thức của nông nghiệp / Khóa học trực tuyến miễn phí về chuyển đổi số: Tìm hiểu về Growth Hacking, Gamification, Blockchain, AI và NFTs
Hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, song ông Đỗ Hoài Sơn, Chủ tịch Công ty tiếp vận quốc tế DHS (Bắc Ninh) cho rằng, đó là câu chuyện nói thì dễ nhưng làm thì gặp phải rất nhiều vấn đề. Trong đó, việc đồng bộ hệ thống chuyển đổi từ cách làm cũ sang ứng dụng công nghệ không hề đơn giản. Đặc biệt, việc chuyển đổi số rất tốn kém sẽ là bài toán chi phí cực kỳ lớn khi mà doanh nghiệp (DN)đang cố gắng chắt chiu để trụ vững trong bối cảnh thị trường đầy khó khăn.
25,7% DN chuyển đổi số khi có dịch
Theo ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển DN (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), đơn vị này đã thực hiện khảo sát hơn 400 DN Việt Nam để đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động của DN và phân tích xu hướng ứng dụng chuyển đổi số để vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra. Kết quả cho thấy, 25,7% DN đã bắt đầu ứng dụng các công nghệ số từ khi có dịch COVID-19 và có ý định tiếp tục sử dụng.
Doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số. |
Tỷ lệ các DN lớn ứng dụng các công nghệ số cao hơn, tuy nhiên các DN nhỏ và vừacũng đã dần bắt kịp kể từ khi COVID-19 xuất hiện. Nếu như 32% DN lớn bắt dầu ứng dụng các công nghệ số từ khi có COVID-19 và có ý định tiếp tục sử dụng thì cũng có 14,7% DN nhỏ và vừađi theo con đường này.
Tuy nhiên, ông Huân cho biết, rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số là chi phí ứng dụng công nghệ số cao, thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân/DN... Trong khi các DN nhỏ và vừa gặp khó khăn nhiều hơn liên quan đến các vấn đề nguồn lực nội bộ thì các DN lớn lo sợ nhiều hơn đến các vấn đề bên ngoài khi ứng dụng công nghệ số.
Khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra rằng, chưa đến 10% DN Việt Nam sử dụng công nghệ 4.0. Điều này có thể khiến Việt Nam khó đạt được các mục tiêu tăng trưởng, trong bối cảnh kinh tế số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Theo WB, Việt Nam vẫn đang ở xa “biên giới công nghệ” trên thế giới.Sự “thờ ơ” của DN Việt Nam với công nghệ có thể thấy rõ ngay tại một số lĩnh vực sản xuất chủ yếu. Điển hình như trong lĩnh vực nông nghiệp, dù Việt Nam được biết đến với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu như đậu, gạo, bông, lạc, mía, chè... nhưng việc sản xuất các loại cây này chủ yếu vẫn dựa trên quy trình thủ công. Khoảng 66% trang trại vẫn dựa vào thu hoạch thủ công, chỉ có 10,8% sử dụng quy trình cơ giới hóa với máy móc hoặc máy kéo.
Tương tự, công nghệ đóng gói được sử dụng nhiều nhất là máy do con người vận hành (48%) và đóng gói thủ công (40%)... Các công nghệ tiên tiến hơn mới được sử dụng trong tưới tiêu và lưu trữ (bảo quản sản phẩm trong môi trường được kiểm soát khô hoặc lạnh (74%); trong tưới tiêu (44%)… Đối với lĩnh vực chế biến thực phẩm, phần lớn các DN vẫn dựa vào đóng gói thủ công, cũng như kiểm tra đầu vào và chống vi khuẩn bằng các phương pháp cơ bản nhất…
Các trở ngại đối với việc áp dụng công nghệ mới đã được chỉ ra như: Nhận thức, năng lực tài chính và thiếu kỹ năng. Khoảng 75% DN nhỏ và vừa cho biết chưa chắc chắn lắm về lợi nhuận đầu tư vào công nghệ cũng như lo ngại những khoản đầu tư đó có phù hợp với DN hay không. Rào cản tiếp theo là thiếu năng lực và nguồn tài chính, tiếp đó là thiếu thông tin về những công nghệ hiện có và kỹ năng sử dụng công nghệ mới.
Hỗ trợ DN chuyển đổi số
Vì vậy, các DN đề nghị Chính phủ xây dựng các quy tắc, quy định để thúc đẩy việc kinh doanh không dùng giấy tờ, hỗ trợ tài chính trong việc ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực nội bộ DN.
Ông Lương Minh Huân đánh giá, COVID-19 là cú hích trăm năm để DN nhận ra tính ưu việt của kinh tế số, cũng như yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số. Mặc dù là lĩnh vực công nghệ nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chỉ phụ thuộc nhiều vào công nghệ, mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm của DN, của Chính phủ.
"Đổi mới tổ chức nền tảng văn hóa sáng tạo sẽ là bước đi mở đường cho kinh tế số, sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà", ông Huân nói.
Theo ông Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Việt Nam đã 3 lần đứng ngoài các cơ hội của cách mạng công nghiệp. Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội cho các quốc gia không có truyền thống công nghiệp. Cơ hội vô giá vì bản chất là thay đổi được chính mình.
"Tuy nhiên, đây chính cơ hội cuối cùng, nhiều chục năm mới có một lần. Nếu Việt Nam không tiến khi người khác tiến là ta đã tụt lại", ông Bảo nói.
Ông Tú nhấn mạnh, chuyển đổi số là tất yếu, là cơ hội vô giá và nhận thức là tiên quyết. Chuyển đổi số là từng bước thay đổi cách làm việc của toàn bộ hệ thống bằng công nghệ số. Theo đó, Chính phủ cần tập trung vào chiến lược dữ liệu, xây dựng năng lực số và văn hóa đổi mới sáng tạo tại DN.
Từ bài học kinh nghiệm ở Hàn Quốc, ông Kum Dongwha, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc nhìn nhận, để phát triển nền kinh tế của một quốc gia thì cần 3 yếu tố chính là nhân lực, tài chính và công nghệ. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, nên có nguồn nhân lực dồi dào; tài chính nếu thiếu có thể nhận hỗ trợ hoặc đi vay tại các tổ chức tín dụng, nhưng cần nhiều thời gian để phát triển và làm chủ về công nghệ.
Hiện nay, việc đẩy mạnh phát triển công nghệ của Việt Nam vẫn đang còn nhiều rào cản. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao một phần vì chưa nhận thức rõ ràng tầm quan trọng của nó.
"Mặt khác, cần có chính sách để hài hòa hơn về nghiên cứu giữa khối trường - viện để gia tăng tính ứng dụng thực tiễn của sản phẩm. Đây là những vấn đề mà Việt Nam phải nhanh chóng giải quyết", chuyên gia Hàn Quốc lưu ý.
End of content
Không có tin nào tiếp theo