Chuyển đổi số

Cục Hải quan TP.HCM: Ứng dụng công nghệ trong quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

DNVN - Với khối lượng công việc lớn, Cục Hải quan TP.HCM đã tiên phong chủ động triển khai xây dựng hệ thống quản trị Hải quan TP.HCM, với hàng chục phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin nhằm quản lý hiện đại, đồng thời hỗ trợ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt chuyển mình bằng việc áp dụng công nghệ số và thương mại điện tử / Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam Hoàng Đức Thảo: Khoa học và Công nghệ là động lực phát triển KT - XH

Quản lý bằng công nghệ số

Trong những năm vừa qua, công nghệ thông tin hải quan đã có những chuyển đổi mạnh mẽ, góp phần tạo nên diện mạo mới của Hải quan Việt Nam theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả. Công nghệ thông tin hải quan cũng góp phần quan trọng vào cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, tạo thuận lợi thương mại, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình làm thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan và hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử.

Kết quả là đến nay, công nghệ thông tin đã được đẩy mạnh ứng dụng trong tất cả các khâu quản lý nhà nước về hải quan, các nghiệp vụ cốt lõi của ngành hải quan đều đã được tin học hóa và thực hiện bằng phương pháp điện tử. Trong đó, nổi bật là thực hiện thanh toán bằng phương thức điện tử với phương châm mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện; thực hiện giám sát quản lý hải quan tự động tại các cảng biển và cảng hàng không; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN…

Với trên 1.600 cán bộ công chức làm việc tại 21 chi cục và phòng tham mưu, để giám sát, quản lý điều hành hiệu quả khối lượng lớn công việc hàng ngày, Cục Hải quan TP.HCM đã ứng dụng nhiều chương trình quản lý hiện đại bằng công nghệ số vào công tác chuyên môn nghiệp vụ.

Hải quan TP.HCM sẽ tạo thuận lợi nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Hải quan TP.HCM sẽ tạo thuận lợi nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Điển hình trong số đó có thể kể đến việc Cục Hải quan TP.HCM đã xây dựng và triển khai Hệ thống quản trị hải quan tập trung (HCAS). Đây là một hệ thống công nghệ thông tin bao gồm hệ thống hỗ trợ làm việc, kết nối với các sở ban ngành, hỗ trợ và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hỗ trợ giao dịch của cơ quan Hải quan và doanh nghiệp thông qua hệ thống giao dịch điện tử.

Ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết, việc ứng dụng HCAS, giúp lãnh đạo đơn vị theo dõi giám sát, đôn đốc nhắc nhở tiến độ công việc, thời gian thực hiện, đánh giá được năng lực giải quyết công việc. Với hệ thống HCAS, Cục Hải quan TP.HCM đã triển khai mô hình phòng họp không giấy, giảm thiểu tối đa văn bản giấy tờ, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng các cuộc họp, tiết kiệm chi phí.

Ông Đinh Ngọc Thắng cho rằng, HCAS là đề án tăng cường công tác cải cách hiện đại hóa mang tính đột phá trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của công nghệ thông tin trên cơ sở tích hợp, đa nền tảng, kết nối quản lý hành chính nội bộ với chỉ đạo điều hành và hỗ trợ xử lý nghiệp vụ (dữ liệu giá, tra cứu mã số hồ sơ nhanh, tra cứu văn bản...). Ngoài ra, chương trình hỗ trợ kết nối chia sẻ thông tin giữa Cục Hải quan TP.HCM với các sở, ban ngành trên địa bàn thành phố; hỗ trợ và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu…

Với chương trình này, doanh nghiệp có thể được hỗ trợ thông tin kịp thời thông qua các giao dịch điện tử. Công chức hải quan được hỗ trợ công cụ để tác nghiệp nhanh hơn, rút ngắn thời gian thông quan.

Cùng với chương trình trên, Cục Hải quan TPHCM đã kiện toàn, thành lập mới các tổ chuyên môn và các tổ công tác khác giúp việc cho lãnh đạo Cục rất hiệu quả. Cụ thể, đối với các Tổ chuyên môn nghiệp vụ, tập hợp các các công chức có chuyên môn nghiệp vụ giỏi và nhiều kinh nghiệm theo từng lĩnh vực giúp tham mưu, xử lý nhanh chóng và có hiệu quả, nhất quán, tránh được trường hợp mỗi đơn vị xử lý theo mỗi hướng khác nhau, gây bức xúc cho doanh nghiệp…

“Công tác cải cách, hiện đại hoá hải quan trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, hiệu quả quản lý. Đặc biệt việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phương pháp quản lý hiện đại là những yếu tố quan trọng giúp Cục Hải quan thành phố thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “Vừa đảm bảo các yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa duy trì ổn định công tác quản lý nhà nước về hải quan, thúc đẩy, tạo thuận lợi thương mại, phát triển kinh tế - xã hội”, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho hay.

Ứng dụng tạo thuận lợi thương mại

Không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý, Cục Hải quan TP.HCM đã và đang triển khai nhiều chương trình ứng dụng hiện đại trong các khâu nghiệp vụ, giúp tạo thuận lợi nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Ngoài việc triển khai hiệu quả các chương trình quản lý hải quan tự động, như: hệ thống thông quan hàng hóa tự động của Việt Nam (VNACCS/VCIS); giám sát hải quan tự động, soi chiếu hàng hoá qua máy soi,... Cục Hải quan TP.HCM còn chủ động xây dựng, ứng dụng nhiều chương trình đang phát huy hiệu quả.

Điển hình trong số đó là Đề án "Thủ tục hải quan trong logistics và chống ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái” đang được Cục Hải quan TP.HCM phối hợp với Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn triển khai. Với lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái mỗi ngày khoảng 15.000 container, triển khai đề án này nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục, giảm chi phí đi lại, nâng cao mức độ hài lòng và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Thực hiện giám sát quản lý hải quan tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

Thực hiện giám sát quản lý hải quan tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

Hiện đơn vị đã sàng lọc và lực chọn được gần 200 doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan, có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn tham gia chương trình này.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, triển khai đề án này tại cảng Cát Lái, doanh nghiệp được bố trí khu vực làm thủ tục riêng, với quy trình thủ tục hải quan tập trung, khép kín, đồng bộ từ khâu đăng ký cho đến khi hàng ra khỏi cảng, được phục vụ 24/7. Ngoài ra, hàng hoá được thông quan ngay tại cầu cảng... mang lại nhiều lợi ích về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt, tham gia chương trình này, thông qua hệ thống phần mềm trên thiết bị thông minh, doanh nghiệp có thể giám sát trực tuyến quá trình làm thủ tục hải quan qua điện thoại di động.

Kết quả, trong năm 2020 đề án “Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc tại cảng Cát Lái" đã thực hiện với hơn 3.000 lượt doanh nghiệp, thực hiện trên 35.400 tờ khai (gần 51.000 container). Thời gian thông quan bình quân giảm 1 phút 33 giây (giảm tổng cộng 1.069 giờ 7 phút đối với 35.460 tờ khai).

Với đề án này ông Michael Greene - Giám đốc USAID Việt Nam đã đánh giá cao những nỗ lực của Cục Hải quan TP.HCM qua việc triển khai đề án giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái, hy vọng đề án sẽ được triển khai nhân rộng, đồng thời cam kết sẽ hợp tác và hỗ trợ với Cục Hải quan TP.HCM thực hiện đề án qua đó góp phần nâng cao tăng trưởng thương mại của Việt Nam.

Với đặc thù quản lý địa bàn rộng, bao gồm hệ thống 15 cảng biển trên dọc tuyến sông Sài Gòn chiều dài trên 40 Km; Cảng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; Chuyển phát nhanh; khu chế xuất, khu công nghiệp có quy mô hoạt động lớn nhất cả nước... Cục Hải quan TP.HCM đã triển khai nhiều dự án đang tiếp tục xây dựng, triển khai nhiều dự án lớn, như: Dự án soi chiếu trước hàng hoá xuất nhập khẩu, với số lượng hàng ngàn container được thực hiện soi chiếu trước khi hàng hạ bãi; dự Dự án thu phí hạ tầng cảng biển đang được xây dựng...

Bằng việc tiên phong ứng dụng nhiều chương trình quản lý hiện đại, mang lại hiệu quả cao, Hải quan TP.HCM đang góp phần xây dựng thành phố mang tên Bác trở thành đô thị thông minh.

Bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp doanh nghiệp có môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó có lợi nhuận cao, đóng góp vào nguồn thu ngân sách của TP.HCM.

Bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp doanh nghiệp có môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó có lợi nhuận cao, đóng góp vào nguồn thu ngân sách của TP.HCM.

Có thể thấy, trong năm qua, Cục Hải quan thành phố đã tập trung mọi nguồn lực để thông quan nhanh cho hàng hoá xuất nhập khẩu theo quy định của pháp luật, không để tình trạng ùn tắc hàng hóa xảy ra kéo dài thời gian thông quan và tăng chi phí cho doanh nghiệp. Đồng thời yêu cầu từng công chức hải quan tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục Hải quan thông qua các hình thức trao đổi thông tin tốt nhất.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, chính sự cải thiện tích cực từ thủ tục hành chính cho tới công nghệ quản lý của ngành hải quan đã giúp doanh nghiệp có môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó có lợi nhuận cao, đóng góp vào nguồn thu ngân sách của TP.HCM.

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) đánh giá, việc nộp ngân sách nhà nước của Tập đoàn IPP nói riêng và các doanh nghiệp nói chung có sự hướng dẫn tận tình của ngành hải quan và cụ thể là Cục Hải quan TP.HCM, đã giúp doanh nghiệp hiểu đúng, làm đúng các quy định pháp luật hải quan. Trong thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn ngành Hải quan tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để đạt được các mục tiêu đề ra. Còn theo ông Takahiba Onose - Trưởng ban Tài chính - Thuế - Hải quan thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM, so với năm trước, các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết của ngành hải quan đã được rút ngắn, đặc biệt là thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa đã có sự cải thiện rõ rệt.

Để đảm bảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đề ra, trong năm 2021, Cục trưởng Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch… nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cục Hải quan TP.HCM tiếptục áp dụng các chuẩn mực quốc tế, quy trình quản lý hải quan hiện đại thông quan các đề án đã và sẽ triển khai nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo giám sát, quản lý chặt chẽtheođúng quy định của pháp luật. Cạnh đó, Cục đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ cốt lõi của ngành Hải quan hướng tới Hải quan số.

“Năm vừa qua ngành hải quan gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh phải tiếp xúc liên tục với nhiều đối tượng, ngành nghề, gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Thế nhưng, trong một năm tưởng chừng rất khó để hoạt động, nhưng ngành hải quan vẫn nỗ lực không ngừng, "trong cái khó ló cái khôn". Trong thời gian tới, ngành hải quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp xúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp song hành với công tác phòng chống dịch… Từ đó giúp các doanh nghiệp có niềm tin vào ngành hải quan TP.HCM”, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM khẳng định.

Phạm Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm