Chuyển đổi số

Doanh nghiệp chuyển đổi số: Chiến lược là đi dài nhưng thực hiện phải từ bước ngắn

DNVN - Chia sẻ tại Diễn đàn CEO với chủ đề “Chiến lược phát triển doanh nghiệp trong một thế giới đại chuyển đổi”, chiều ngày 25/1, chuyên gia Lê Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần MISA cho rằng, doanh nghiệp chuyển đổi số cần xác định, chiến lược là đi dài nhưng thực hiện phải từ bước ngắn.

Các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đề xuất hướng đi cho chuyển đổi số / Kết nối hợp tác với doanh nghiệp Nhật thúc đẩy chuyển đổi số

Theo chuyên gia Lê Hồng Quang, chuyển đổi số doanh nghiệp là phải thay đổi từ tư duy cho đến thực tế triển khai.

“Trong quá trình giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động thông qua công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng tôi khẳng định nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ khó tồn tại. Vì đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp đang thực hiện sự thay đổi về công nghệ để cho ra các sản phẩm mới và hình thành cách giải quyết bài toán khác cho khách hàng”, ông Quang nói.

Ông Quang đưa ra ví dụ, Công ty cổ phần Rạng Đông được coi là một tấm gương trong chuyển đổi số. Công ty này đã số hóa các giải pháp thành sản phẩm chiếu sáng thông minh, do vậy, doanh nghiệp phát triển bền vững.

Chuyên gia Lê Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty Cổ phần MISA.

Giải thích về việc thế nào là tư duy của doanh nghiệp trong chuyển đổi số, theo ông Quang, doanh nghiệp phải nhận thức đúng về số hóa. Thông thường, chúng ta hiểu chưa đủ về chuyển đổi số.

Đó là hiểu số hóa một phần nhưng doanh nghiệp phải biết ứng dụng được công nghệ thông tin vào vận hành. Hiểu rộng hơn, doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ số để thay đổi quy trình vận hành để tạo ra các sản phẩm.

Đây là một quy trình toàn diện, qua việc áp dụng công nghệ số để thay đổi toàn diện quy trình, cách thức vận hành của doanh nghiệp. Qua đó, mang lại cho khách hàng giá trị mới. Cụ thể là phục vụ khách hàng nhanh hơn, cung cấp cho khách hàng giải pháp sản phẩm thông minh hơn. Tương tác với khách hàng tốt hơn.

Đặc biệt, việc tiếp cận trên môi trường trực tuyến (online) sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận với số đông khách hàng hơn. Phản ứng phục vụ khách hàng sẽ nhanh hơn.

Quy trình này cũng giúp doanh nghiệp tăng tốc được hoạt động, nâng cao hiệu quả, năng suất. Sự phối hợp giữa các phòng ban trơn tru hơn. Điều quan trọng nữa là, nếu không tạo môi trường hiện đại thì việc thu hút nhân tài vào làm việc cho doanh nghiệp sẽ rất khó.

“Trong bức tranh của chuyển đổi số, ít có doanh nghiệp đứng ngoài cuộc. Chỉ là, doanh nghiệp đang đứng ở đoạn này trong chuyển đổi số (một phần, toàn diện hay đã thu được thành quả cao). Xu thế thảo luận về chuyển đổi số đang rất nhiều, chứng tỏ tầm quan trọng của nó đối với doanh nghiệp”, ông Quang nói.

Về yêu cầu chuyển đổi số thực tế của doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay, theo ông Quang, quá trình thực tế này có thể chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 là quá trình doanh nghiệp chuyển đổi số chính sản phẩm dịch vụ mình đang có. Đó là số hóa hoạt động vận hành của doanh nghiệp thông qua ứng dụng các phần mềm công nghệ để phục vụ khách hàng nhanh hơn, hiểu hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Giai đoạn 2 là quá trình vận dung công nghệ một cách toàn diện hơn (ứng dụng công nghệ hiện đại hơn, tự động hóa hơn). Quá trình này được thực hiện sau khi có hệ thống dữ liệu như lịch sử về bán hàng, về hệ thống kế toán, là thành quả từ giai đoạn 1.

Giai đoạn 3 là quá trình dựa trên các số liệu đã được tạo ra từ 2 giai đoạn trước để tìm ra giải pháp cung cấp giá trị mới cho khách hàng. Đây không chỉ đơn thuần là sản phẩm mà cả dịch vụ (mang tới cho khách hàng nhanh hay không, giá rẻ hay không, sản phẩm có tạo ra giá trị mới hay không).

Theo chuyên gia Lê Hồng Quang, MISA đã hoàn thành xây dựng hệ thống sản phẩm về công nghệ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong chuyển đổi số.

Mong muốn của chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi số là sử dụng các phầm mềm công nghệ là dễ - rẻ - nhanh. Đây là sự khác biệt với doanh nghiệp lớn, bởi giải pháp quản lý toàn diện cho doanh nghiệp thì cần khoản tài chính lớn.

Để giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể chuyển đổi số thành công trong điều kiện kinh phí có hạn, MISA đã xây dựng nền tảng quản trị doanh nghiệp có đầy đủ các ứng dụng tài chính kế toán bán hàng. Tuy nhiên, mỗi mục tách ra từng khoản nhỏ, nhưng giữa các phần đều có sự liên kết với nhau. Doanh nghiệp có thể chuyển đổi theo từng khoản nhỏ.

Chi phí đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa cho chuyển đổi số có thể từ một vài chục triệu tới vài tỷ đồng, tùy theo quy mô và giai đoạn chuyển đổi số của doanh nghiệp. Từng phần nhỏ trong hệ thống phần mềm của MISA sẽ giúp doanh nghiệp tự động hóa chu trình từ đơn hàng, mua hàng, nhập kho, giao hàng tới hoạt động tài chính kế toán…

“Doanh nghiệp nhỏ sẽ có kinh nghiệm, cách thức sử dụng các phần mềm nhỏ. Trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, chiến lược là phải đi dài nhưng thực hiện thì phải thực hiện từ bước ngắn, từ hành động nhỏ một. Tuy nhiên, đã hành động là phải nhanh, hành động ngay. Không chuyển đổi số, doanh nghiệp là sẽ bị thua cuộc”, ông Quang nhấn mạnh.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm