Chuyển đổi số

Đồng bằng sông Cửu Long: Doanh nghiệp được hỗ trợ để sẵn sàng tham gia thị trường trực tuyến

DNVN - Tại hội nghị "Kết nối thương mại điện tử với doanh nghiệp Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 2022" sáng 9/9 tại TP Cần Thơ, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp, hợp tác xã về bán hàng trên sàn TMĐT và ứng dụng các giải pháp tài chính số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm vào sản xuất kinh doanh.

An Giang: Gần 100.000 lượt khách "đổ" về Tri Tôn dịp 2/9 / Thúc đẩy mở thị trường cho nông sản chủ lực xuất khẩu

Sức mạnh của các nền tảng số
Hội nghị "Kết nối thương mại điện tử với doanh nghiệp Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 2022" do Sở Công Thương TP Cần Thơ phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức.
Ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết: Cần Thơ là thị trường trung tâm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất và thương mại, TMĐT trong liên kết vùng giữa các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã của địa phương.
Do đó, hi vọng sự kiện lần này sẽ là cơ hội để doanh nghiệp địa phương có thể nghiên cứu, được tư vấn trực tiếp từ các sàn TMĐT, phát triển thương hiệu trực tuyến cũng như giải pháp số, thanh toán trực tuyến giúp doanh nghiệp, hợp tác xã mở thêm kênh phân phối mới qua môi trường trực tuyến.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số đánh giá cao hình thức kinh doanh trực tuyến.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền- Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số chia sẻ, Bộ Công Thương cùng nhiều bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng các đối tác, doanh nghiệp đã phối hợp triển khai nhiều chương trình thúc đẩy tiêu thụ, phân phối sản phẩm trên các sàn TMĐT.
Theo đó, đã mang đến nhiều tín hiệu tích cực trong việc hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm Việt, nông sản địa phương trên môi trường trực tuyến; nhanh chóng trở thành một phương thức song hành cùng kinh doanh truyền thống hỗ trợ nhiều doanh nghiệp hay hợp tác xã vững vàng phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Nhấn mạnh vai trò của TMĐT, ông Jason Bay- Giám đốc Văn phòng điều hành Tập đoàn Sea Group (Singapore) - chủ sở hữu sàn thương mại điện tử Shopee cho biết: Từ năm 2019- 2021, tổng giá trị các sản phẩm bán ra của Shopee đã tăng gần 4 lần - từ 424 nghìn tỷ đồng lên đến 1.483.000 tỷ đồng.
Cũng trong khoảng thời gian này, số lượng đơn hàng đặt trên Shopee đã tăng gấp 5 lần - đạt tổng 6 tỷ đơn trong năm 2021. Điều này có nghĩa là cứ mỗi giây có hơn 250 đơn hàng được bán ra trên Shopee.
“Thương mại điện tử không chỉ là thay thế việc mua sắm tại cửa hàng bằng các giao dịch online. Sức mạnh của các nền tảng số nằm ở khả năng giúp người mua tiếp cận nhiều loại sản phẩm hơn ở mức giá thấp hơn, kết nối người bán với nhiều người mua hơn và tăng số lượng sản phẩm bán ra", ông Jason Bay nhận định.
Cam kết hỗ trợ doanh nghiệp
Tại hội nghị, các chuyên gia đào tạo đến từ các sàn TMĐT lớn như Voso, Postmart, Shopee, Tiki hay các đối tác cung cấp giải pháp số như Sapo, VPBank … đã giới thiệu các giải pháp, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp địa phương trong việc thúc đẩy bán hàng trên thương mại điện tử và ứng dụng các giải pháp tài chính số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các diễn giả có chung hi vọng, những kiến thức, kinh nghiệm thực tế chia sẻ tại sự kiện sẽ giúp doanh nghiệp, hợp tác xã chuẩn bị một cách bài bản các quy trình, từ đó sẵn sàng tham gia vào thị trường trực tuyến.
Các sàn TMĐT Voso, Postmart, Shopee, Tiki, Shopee cam kết sẽ chú trọng phối hợp cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tại Cần Thơ và các tỉnh thành vùng ĐBSCL tham gia giao dịch, xây dựng thói quen hoạt động trên sàn TMĐT; hỗ trợ quảng bá, truyền thông, tiếp cận đến người tiêu dùng cả nước; tổ chức đào tạo, tập huấn khoa học, công nghệ và kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh để đưa nông sản lên sàn được hiệu quả nhất.

Đại diện Shopee chia sẻ tại hội nghị.
Ngoài ra, các tư vấn viên sẽ hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thiết lập gian hàng và vận hành, truyền thông, quảng bá trên các sàn TMĐT.
Trong khi đó, các đối tác về giải pháp số như Sapo, VPBank có những ưu đãi riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thuận lợi hơn trong vận hành quản lý, chủ động kiểm soát tài chính, bảo đảm giao dịch tài chính trực tuyến trong kinh doanh TMĐT.
Đại diện sàn TMĐT Voso khuyến nghị, để tham gia tốt vào hoạt động kết nối kinh doanh trên sàn TMĐT, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tại Cần Thơ và các tỉnh BĐSCL cần thực hiện sản xuất theo quy chuẩn bảo đảm sản phẩm nông nghiệp có đủ điều kiện đưa lên sàn TMĐT và lưu thông đến tay người tiêu dùng. Theo đó, sản phẩm cần bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cùng chất lượng tốt nhất. Đặc biệt ưu tiên những sản phẩm an toàn, chất lượng, có giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, OCOP…
Người nông dân cũng cần tạo nên câu chuyện về giá trị cốt lõi của sản phẩm và đưa ra thị trường thông qua các kênh truyền thông để nâng cao giá trị sản phẩm nông sản do mình tạo ra.
Trong khuôn khổ hội nghị "Kết nối thương mại điện tử với doanh nghiệp TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL 2022" đã diễn ra Lễ ký kết biên bản hợp tác về phát triển TMĐT giữa Sở Công Thương Cần Thơ và Sở Công Thương Kiên Giang với Hội Doanh nhân trẻ thành phố Cần Thơ.
Chiều cùng ngày, hội nghị "Chính sách phát triển Thương mại điện tử và định hướng tiêu dùng trong bối cảnh mới" được tổ chức tại TP Cần Thơ.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm