Hà Lan hỗ trợ phát triển nông nghiệp hiện đại vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Đà Nẵng: Yêu cầu chủ đầu tư các khu công nghiệp thực hiện đầy đủ trách nhiệm bảo vệ môi trường / An Giang: Gần 100.000 lượt khách "đổ" về Tri Tôn dịp 2/9
Theo ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ khẳng định, chuyến thăm và làm việc của đoàn tại Cần Thơ lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả từ Hà Lan đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung.
Quang cảnh buổi làm việc giữa TP Cần Thơ và phái đoàn Hà Lan về Trung tâm nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại buổi làm việc, ông Trần Phú Lộc Thành - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ cho biết, vùng ĐBSCL được Thủ tướng thành lập 8 trung tâm đầu mối về nông sản. Trong đó, Cần Thơ là trung tâm đầu mối tổng hợp về thương mại, logistics, nghiên cứu phát triển đào tạo, chuyển giao công nghệ công nghiệp chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, ĐBSCL còn có 7 trung tâm đặt ở các vùng có lợi thế về sản phẩm nông nghiệp khác nhau như: An Giang, Đồng Tháp có lợi thế về thuỷ sản, trái cây, lúa gạo; Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng có lợi thế về hải sản; Tiền Giang, Bến Tre lợi thế về trái cây, hoa màu.
Với mức độ ngày càng phát triển, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL được thành lập tại Cần Thơ để khai thác, phát huy các tiềm năng lợi thế, kinh tế tăng trưởng, tăng chất lượng, khẳng định vai trò trung tâm của Cần Thơ ở vùng này. Hướng tới mục đích phát triển nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, thành lập, tổ chức, hoạt động Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Đại diện phái đoàn Hà Lan, ông Peter Smeets bày tỏ quan điểm, ĐBSCL luôn có ý nghĩa quan trọng trong chương trình hợp tác giữa Hà Lan và Việt Nam. Một số chuyến thăm cấp cao đã được thực hiện để thảo luận với các cơ quan đổi mới của Hà Lan về nội dung và cách thức Hà Lan có thể đóng góp vào quá trình chuyển đổi nông nghiệp ở ĐBSCL để thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu lương thực đang thay đổi.
Ông Peter Smeets cho biết thêm, Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong Khối EU về thương mại nông lâm thủy sản. Những thành công và thất bại trong mô hình phát triển của Hà Lan có thể coi là bài học cho Việt Nam trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, thủy văn, đô thị hóa và vai trò quan trọng của nông nghiệp đối với nền kinh tế.
Được biết, năm 2014, Hà Lan và Việt Nam đã ký Thỏa thuận Hợp tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực, năm 2010, hai nước đã ký kết Thỏa thuận Đối tác Chiến lược về Thích ứng với Biến đổi Khí hậu và Quản lý Nước. Với những thỏa thuận này đã tạo cơ sở cho sự hợp tác trong tương lai giữa Hà Lan và Việt Nam về chuyển đổi nông nghiệp ở vùng ĐBSCL.
Qua đó, hai nước nhất trí các chương trình hợp tác trong thời gian tới sẽ bao gồm quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL Việt Nam nhằm phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, hai nước nhất trí thúc đẩy sự phát triển kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo để phục vụ mục tiêu tăng trưởng bền vững mỗi quốc gia.
End of content
Không có tin nào tiếp theo