Chuyển đổi số

Kinh tế nền tảng đóng góp bao nhiêu vào GDP của Việt Nam?

DNVN - Câu hỏi kinh tế nền tảng đang đóng góp bao nhiêu % cho GDP của Việt Nam đã được các chuyên gia mổ xẻ với các ý kiến khác nhau và tất cả đều cho rằng đây là một câu hỏi “rất khó trả lời”. Kinh tế nền tảng chỉ đóng góp không đến 10% GDP hay là đóng góp tới hàng chục tỷ USD là con số mà một số chuyên gia đưa ra.

Doanh nghiệp Nhật tăng đầu tư vào sản xuất tại Việt Nam, cạnh tranh tìm kiếm nhân tài / Người dùng cần cảnh giác với các thủ đoạn hack Facebook để lừa tiền

Kinh tế nền tảng đang có đóng góp lớn vào nền kinh tế của Việt Nam.

Kinh tế nền tảng đang có đóng góp lớn vào nền kinh tế của Việt Nam.

Tại buổi Tọa đàm “Tình hình kinh tế nền tảng tại Việt Nam hiện nay: Thực trạng và thảo luận” do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức tại Hà Nội mới đây, câu hỏi kinh tế nền tảng đang đóng góp bao nhiêu % cho GDP của Việt Nam đã được các chuyên gia mổ xẻ với các ý kiến khác nhau và tất cả đều cho rằng đây là một câu hỏi “rất khó trả lời”.

Theo các ý kiến đưa ra tại Tọa đàm, năm 2019 GDP của Việt Nam ước tính sẽ đạt khoảng 300 tỷ USD, tuy nhiên hiện chưa có con số thống kê xem kinh tế nền tảng đóng góp bao nhiêu trong số 300 tỷ USD này, vì với nền kinh tế nền tảng thì việc thống kê vô cùng khó, vì trong nền tảng này tất cả cùng tham gia, vừa là người tiêu dùng vừa là người cung ứng dịch vụ.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia về tài chính ngân hàng cho rằng, tỷ lệ đóng góp của nền kinh tế kỹ thuật số vào GDP không nhiều, hiện tại chính phủ vẫn tính GDP bằng cách tính tổng thu nhập của các loại hàng hóa dịch vụ thông tất cả công nghệ truyền thống. Có thể có các công ty sử dụng máy tính trong sản xuất kinh doanh của họ, hoặc dùng kinh tế nền tảng để bán hàng online, nhưng doanh thu của bán hàng online còn nhỏ lắm. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu ước tính tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GDP không quá 10%, tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh “đây là con số lấy từ trên trời”.

Không đồng tình với ý kiến của ông Hiếu, ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc DTT Group cho rằng, ngành CNTT đã đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam, ví dụ như ở trong giai đoạn mà nước ta chỉ có xuất khẩu thiết bị điện tử thì doanh thu cũng rất lớn lên tới hàng tỷ USD mỗi năm. Hiện tại chúng ta lại quên mất là Facebook đang đạt doanh thu rất lớn, tổng doanh thu toàn cầu của Facebook đã đạt tới 50 tỷ USD. Ở Việt Nam với khoảng 50 triệu người dùng Facebook thì cũng tạo ra doanh thu cho Facebook khoảng 1 tỷ USD/năm. Chưa kể là các giá trị tạo trên nền tảng Facebook ở Việt Nam có thêm khoảng 5 tỷ USD nữa. Các khoản thu này được tạo ra từ các hoạt động mua bán hàng hóa, quảng cáo online trên Facebook. Các nền tảng chia sẻ khác như Grab, các nền tảng du lịch trực tuyến cũng có doanh thu ở Việt Nam khá lớn.

Ông Nguyễn Thế Trung cho rằng, nếu cộng lại doanh thu trên các nền tảng đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay, tối thiểu mỗi năm cũng tạo ra khoảng 30 tỷ USD. Có thể nói đây là một con số khá lạc quan.

 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, chưa bao giờ các nhà kinh tế lại trở lại với lý thuyết cơ bản nhiều như bây giờ, với một nền kinh tế bản chất là ai tạo ra giá trị trong nền kinh tế đó, ai thu tiền đó sẽ tạo ra GDP cho nước đó, do đó dù các nền tảng là hệ thống hoạt động đa quốc gia, nhưng ở Việt Nam vẫn phải nhận được giá trị kinh tế nào đó. Việc tính toán số tiền đóng góp vào GDP của kinh tế nền tảng rất khó, nhưng chắc chắn đóng góp của kinh tế số sẽ rất lớn vì nhiều người đang dựa vào vào các nền tảng để kiếm tiền.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, kinh tế nền tảng đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, ngoài các nền tảng vận chuyển như Grab, Uber thì rất nhiều các nền tảng trong lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính, du lịch cũng đang phát triển mạnh mẽ do nhu cầu của người dùng. Do đó đòi hỏi chính sách phải theo kịp sự phát triển của kinh tế nền tảng, trên thế giới nhiều nước cũng đang lúng túng trong xây dựng chính sách với một nền kinh tế rất mới này. Do đó, các nhà làm chính sách cần nhìn rõ hơn về một nền kinh tế đã hiện hữu ở trong chúng ta rồi, các nhà làm chính sách cần nhìn nhận rõ các doanh nghiệp và người dân ứng xử với nền kinh tế mới này như thế nào.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm