Lạng Sơn đặt mục tiêu năm 2030 có 50% người dân dùng tài khoản thanh toán điện tử
Nông dân là nhóm cần được quan tâm nhất khi tiến hành chuyển đổi số nông nghiệp / Triển khai "Tuần lễ Nông sản Việt": Hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên môi trường số
Tại lễ ra quân phát triển kinh tế số tỉnh Lạng Sơn năm 2021 sáng 20/7, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Lĩnh vực có ưu thế của địa phương là dịch vụ, chiếm 50% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, thương mại dịch vụ phát triển chưa bền vững vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có chất lượng nguồn nhân lực, môi trường pháp lý, hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa phát triển, chính sách của các nước.
Theo Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua Viettel Post đã hỗ trợ 395 hộ gia đình tại xã Chi Lăng mở cửa hàng số trên sàn Vỏ Sò, đạt 31,6% tổng số hộ gia đình của xã này. Với Vietnam Post, doanh nghiệp này đã giúp cho 667 hộ gia đình ở thị trấn Chi Lăng có cửa hàng số trên sàn Postmart, đạt 43% tổng số hộ gia đình trên địa bàn. Số lượng hộ gia đình được Viettel Post và Vietnam Post hướng dẫn mở tài khoản thanh toán điện tử lần lượt là 187 và 114 hộ.
Định hướng đến năm 2030 tại Lạng Sơn, tỷ lệ hộ gia đình, người dân có cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử đạt 50%.
Chỉ trong 15 ngày thử nghiệm, từ ngày 18/6 - 2/7/2021, đã có 1.000 cửa hàng số trên các sàn thương mại điện tử, tăng gấp gần 5 lần tổng số gian hàng của các hộ nông dân Lạng Sơn đã mở trên 2 sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ Sò từ gần 3 năm trước đó.
Đại diện Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn cho biết, sau 2 tuần triển khai thử nghiệm, các hộ dân tại xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng cơ bản đã được nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, phương thức, quy trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa theo cách làm truyền thống, tiên phong ứng dụng công nghệ số trong tiêu thụ sản phẩm nông sản, chuyển đổi việc mua bán trên nền tảng công nghệ số (VD: sàn thương mại điện tử như postmart.vn, voso.vn...).
Triển khai phát triển cửa hàng số cho hộ gia đình trên không gian mạng, phát triển người mua thông qua cửa hàng số, định vị địa chỉ số, xác định nguồn gốc sản phẩm, dùng công nghệ số để kết nối người bán và người mua, phát triển tài khoản thanh toán điện tử, người dân nhận biết được lợi ích của việc đưa sản phẩm lên cửa hàng số, nâng cao ý thức về chất lượng sản phẩm, thông qua cửa hàng số người dân có thể mua và bán sản phẩm của mình trên không gian mạng như Na Lạng Sơn, các loại Hồng, Thạch đen, Hoa Hồi Xứ Lạng, Quýt Bắc Sơn,... của tỉnh.
Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhận định, kinh tế số đã giúp tăng trưởng bền vững, tăng trưởng bao trùm, vì sử dụng công nghệ, tri thức hơn là tài nguyên, chi phí tham gia kinh tế số thấp hơn nên tạo ra nhiều cơ hội cho người dân hơn, giúp giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo