Chuyển đổi số

Chuyển đổi số nông nghiệp: Phải khơi thông "điểm nghẽn" trong đồng bộ dữ liệu

DNVN – Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, dữ liệu của ngành nông nghiệp hiện nằm rải rác, mỗi đơn vị một kiểu, mỗi chỗ chọn một cách thống kê khác nhau. Để chuyển đổi số cần đồng bộ tất cả dữ liệu, chắc chắn sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian.

Chuyển đổi số nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm nông nghiệp, du lịch ở Hà Tĩnh / Hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản trong lĩnh vực nông nghiệp

Cần minh bạch về dữ liệu và thông tin trong ngành nông nghiệp

Tại Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) Lê Minh Hoan nhận định, sự mù mờ về thông tin như hiện nay sẽ làm ngắt quãng cung - cầu. Người sản xuất mù mờ về thị trường, trong khi thị trường mù mờ về sản xuất. Một nền nông nghiệp mù mờ sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu.

Chính vì vậy, trong kế hoạch chuyển đổi số của Bộ NN-PTNT, Bộ cũng đặt ra mục tiêu 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng.

Trong đó sẽ cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu về cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ chuỗi khối để cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai phục vụ nông dân năng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số.

Tuy nhiên, để thực hiện được những điều trên quả không đơn giản. Ở thời điểm hiện tại, ngành nông nghiệp không chỉ gặp khó khăn trong việc xây dựng, cập nhật dữ liệu mà ngay cả việc đồng bộ dữ liệu cũng chính là một điểm “nghẽn” làm chậm lại quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Điểm "nghẽn" trong chuyển đổi số nông nghiệp chính là đồng bộ hóa dữ liệu.

Điểm "nghẽn" trong chuyển đổi số nông nghiệp chính là đồng bộ hóa dữ liệu.

Đồng bộ dữ liệu – Điểm "nghẽn" của chuyển đổi số nông nghiệp

Tại Lễ công bố Báo cáo tổng quan Nông nghiệp số Việt Nam năm 2021, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, chuyển đổi số trong nông nghiệp là một chủ trương lớn, trong đó xây dựng cơ sở dữ liệu là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất. Tuy nhiên, dữ liệu của ngành nông nghiệp hiện nằm rải rác, mỗi đơn vị một kiểu, mỗi chỗ chọn một cách thống kê khác nhau. Để đồng bộ tất cả chắc chắn sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, ông Cường cũng cho biết thêm, hiện nay các Cục, Tổng Cục, Vụ, Viện nghiên cứu và nhiều đơn vị của Bộ NN-PTNT vẫn thống kê số liệu, nhưng mục đích là để đánh giá trong nội bộ ngành dọc, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian ngắn, trước mắt là chính.

"Số liệu liên quan tới đơn vị nào thì đơn vị ấy chủ động thống nhất, và kết nối theo ngành dọc. Nếu muốn dữ liệu tính chất pháp lý thì cần tra cứu từ Tổng cục Thống kê", Cục trưởng Nguyễn Như Cường bày tỏ.

Trong quá trình chuyển đổi số, bản đồ số nông nghiệp có vị trí quan trọng bởi qua đó người dân, doanh nghiệp có thể biết được vị trí, chất đất, khi hậu, thời tiết phù hợp với giống cây trồng nào, sản lượng ra sao… Đây chính là cơ sở dữ liệu quan trọng giúp người dân và doanh nghiệp triển khai, quy hoạch cây trồng vật nuôi phù hợp.

Trong Báo cáo tổng quan Nông nghiệp số Việt Nam năm 2021, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cũng cho rằng , có những vấn đề chung cần giải quyết để hỗ trợ chuyển đổi số nông nghiệp một cách toàn diện như: chuỗi giá trị, công nghệ, vốn, nguồn nhân lực…

Cùng với đó, đại diện VIDA cũng cho biết, vấn đề chuỗi giá trị, liên quan đặc biệt tới người nông dân và là đặc trưng của ngành nông nghiệp. Vấn đề công nghệ, vốn và nhân lực đòi hỏi hỗ trợ từ mọi thành phần trong hệ sinh thái chuyển đổi số.

Từ đó, VIDA kiến nghị một số biện pháp Bộ NN-PTNT có thể làm ngay để có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, bao gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu chung đồng nhất. Phát triển cơ sở hạ tầng với sự tham gia của nhiều bên. Xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư vốn cho doanh nghiệp chuyển đổi số từ ngân sách nhà nước và quỹ đầu tư. Phát triển hệ thống đổi mới, sáng tạo, tập trung vào công nghệ mới.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm