Chuyển đổi số

Ngân hàng phát triển các mô hình ngân hàng số

DNVN - Theo Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng được xây dựng, tiếp cận theo hướng đặt người dân, khách hàng ở vị trí trung tâm. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch mặc dù được phân chia theo nhóm NHNN và các tổ chức tín dụng (TCTD) nhưng đều hướng tới việc phục vụ tốt hơn cho người dân, cho khách hàng.

Vietcombank ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank / Chuyên gia đề xuất nghiên cứu việc cấp phép ngân hàng số và quản lý tiền điện tử

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được và đồng hành với công cuộc chuyển đổi số quốc gia, ngày 11/5/2021, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 810/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, theo các nghị quyết, quyết định của Bộ Chính trị, Chính phủ về chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được giao nhiệm vụ về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng hướng tới việc cung cấp dịch vụ ngân hàng số, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng để thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia; ban hành cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số được tiếp cận tín dụng một cách thuận lợi; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.

Theo ông Nguyễn Kim Anh, kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng được xây dựng, tiếp cận theo hướng đặt người dân, khách hàng ở vị trí trung tâm. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch mặc dù được phân chia theo nhóm NHNN và các tổ chức tín dụng (TCTD) nhưng đều hướng tới việc phục vụ tốt hơn cho người dân, cho khách hàng.

Cụ thể, đối với NHNN, mục tiêu tổng quát đặt ra là: “Đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của NHNN theo hướng hiện đại, ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu công nghệ 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ.”. Mục tiêu này gắn với nhiệm vụ về xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số để cung cấp dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ cho việc ra quyết định và quản lý xã hội hiệu quả hơn.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh.

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh.

Còn đối với TCTD, hướng tới mục tiêu “Phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ”. Với mục tiêu này, hoạt động chuyển đổi số tại TCTD gắn với nhiệm vụ về gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và cung ứng sản phẩm theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa nghiệp vụ, mà không đi sâu vào những vấn đề kỹ thuật chuyên môn cụ thể như nâng cấp hệ thống CNTT, dữ liệu… nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho các TCTD trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, Chính phủ và NHNN đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể liên quan đến việc cung ứng dịch vụ hoạt động nghiệp vụ tại TCTD như: Ít nhất 50% các nghiệp vụ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số vào năm 2025 và đến năm 2030 là 70%; chỉ tiêu về số lượng giao dịch của khách hàng trên các kênh số đạt ít nhất 70% năm 2025 và 80% năm 2030; chỉ tiêu về tỷ lệ quyết định giải ngân, cho vay của NHTM, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động, đến năm 2025 đạt tối thiểu 50% và đến năm 2030, đạt tối thiểu 70%.

Để thực hiện các chỉ tiêu trên, NHNN đã có quá trình theo dõi, nắm bắt thực trạng chuyển đối số tại các TCTD và tiến hành khảo sát trong toàn ngành. Kết quả cho thấy hoạt động chuyển đổi số đã và đang được các TCTD chủ động triển khai với kết quả 95% TCTD đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng đều ứng dụng giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động và cung ứng dịch vụ, trong đó có 9/19 nghiệp vụ đã được một số ngân hàng số hóa hoàn toàn (như gửi tiết kiệm; tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ, ví điện tử, chuyển tiền, quản lý nhân sự, kế toán - tài chính...). Nhiều đơn vị đã ứng dụng công nghệ AI, ML, Big Data để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân... giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục và rút thời gian giải ngân, cho vay.

Cùng với đó, số lượng, giá trị giao dịch ngân hàng qua kênh số tăng trưởng mạnh, trong đó mức tăng trưởng thanh toán di động năm 2020 so với 2019 là 114% về số lượng và 118% về giá trị; thanh toán QR code tăng 72,9% về số lượng giao dịch .

Hệ thống thanh toán bù trừ tự động các giao dịch bán lẻ (ACH) xử lý 5-7 triệu giao dịch thanh toán liên ngân hàng mỗi ngày; năm 2020 tốc độ tăng trưởng số lượng và giá trị giao dịch lần lượt là 78% và 128 % so với năm 2019…

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh khẳng định chuyển đổi số đối với ngành ngân hàng không còn là sự lựa chọn nữa mà là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi chiến lược nhằm giúp ngành cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0.

Trong quá trình chuyển đổi số, ngành ngân hàng đã và đang gặp phải một số thách thức chính. Đầu tiên là thách thức về sự đồng bộ và phù hợp của các quy định pháp lý hiện hành liên quan về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng, quy trình nghiệp vụ... với thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng. Thứ hai, thách thức về sự đồng bộ và chuẩn hóa các cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng. Thứ ba, thách thức từ thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi người tiêu dùng, việc đảm bảo an ninh an toàn và huy động, bố trí nguồn lực phục vụ chuyển đổi số.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng là một cấu phần trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện thành công kế hoạch này, lãnh đạo NHNN kiến nghị một số vấn đề cần phải khẩn trương hoàn thiện.

Cụ thể, về mặt khung khổ pháp lý, cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005 để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, giúp đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số, phương thức điện tử. Sớm ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử và xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng trên môi trường mạng.

Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm