Nguyên nhân của những rào cản trong chuyển đổi số của doanh nghiệp
DNVN - Theo ông Alexander Evchenko- CEO 1C Việt Nam, việc thiếu những giải pháp cho phép tùy chỉnh linh hoạt là nguyên nhân của những rào cản trong quá trình chuyển đổi số (CĐS) của doanh nghiệp (DN) sản xuất.
Cần Thơ: Ký kết chương trình hợp tác phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử Mekong expo / Chuyển đổi số báo chí không chỉ về công nghệ mà còn chuyển đổi tư duy
Thiếu giải pháp cho tuỳ chỉnh linh hoạt
Tại sự kiện “Hệ sinh thái chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất - Xu hướng và chiến lược thực thi trong môi trường công nghệ 4.0” do Công ty 1C Việt Nam tổ chức ngày 11/11 tại Hà Nội, ông Lưu Nhật Quang - Quản lý sản phẩm của 1C Việt Nam cho biết, các DN đã chuyển đổi và tìm được cách phát triển dù gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch COVID-19 kéo dài, kinh tế suy thoái, nhân công thiếu hụt, đứt gãy chuỗi cung ứng...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn không ít DN sản xuất còn gặp khá nhiều khó khăn trong hành trình lựa chọn con đường CĐS phù hợp với mô hình DN của mình. Trong đó, việc cân nhắc có nên đưa toàn bộ hoạt động lên môi trường số, hay chỉ ưu tiên một vài công đoạn là một trong những điều khiến các DN "đau đầu".
Nói rõ hơn về khó khăn này, ông Alexander Evchenko - CEO 1C Việt Nam nhấn mạnh, việc thiếu những giải pháp cho phép tùy chỉnh linh hoạt là nguyên nhân của những rào cản trong quá trình CĐS của DN.
Ông Alexander Evchenko - CEO 1C Việt Nam.
Các giải pháp này thường không thể hoặc rất khó để mở rộng và tùy chỉnh theo nhu cầu của công ty. Điều này có nghĩa là phần mềm không thể đồng hành cùng DN trong suốt vòng đời kinh doanh, đặc biệt là khi DN muốn phát triển và mở rộng, do đó có thể tốn thời gian và không hiệu quả về chi phí.
Khi nói đến việc lập trình riêng một phần mềm dành riêng cho DN, các DN có thể gặp phải nhiều vấn đề kỹ thuật và chi phí, có thể làm chậm quá trình và dẫn đến thất bại trong việc khởi chạy, triển khai và kết hợp phần mềm vào cấu trúc kinh doanh đã tồn tại.
Các phần mềm truyền thống với thiết kế mã nguồn mở có thể tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ dữ liệu và tạo ra các lỗ hổng bảo mật. Đây là mối quan tâm lớn của các DN bởi lẽ dữ liệu có giá trị lớn trong kỷ nguyên số. Một số giải pháp hiện có trên thị trường được thiết kế với chức năng cố định, đòi hỏi DN phải thay đổi quy trình làm việc hiện có để phù hợp với quy trình vận hành của phần mềm.
Trong khi đó, các công nghệ kiểu cũ thường là nguyên nhân của những tình thế tiến thoái lưỡng nan trong CĐS của DN. Nghĩa là sau khi DN triển khai, hệ thống quản lý sẽ sớm trở nên lỗi thời và DN gặp khó khăn khi điều chỉnh hệ thống sao cho phù hợp.
"Ứng dụng công nghệ vào quy trình vận hành là bước đi đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của 1 DN sản xuất. Điều đó làm thay đổi toàn bộ hình thức quản lý truyền thống và đóng vai trò quan trọng cho việc phát triển của DN, giúp thu hẹp khoảng cách giữa các phòng ban, gia tăng sự minh bạch, hiệu quả trong công tác quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu năng suất làm việc của nhân viên", CEO 1C Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Vương Quân Ngọc- Giám đốc tư vấn chuyển đổi số của FPT Digital.
Ở một góc nhìn khác, ông Vương Quân Ngọc - Giám đốc tư vấn chuyển đổi số của FPT Digital chia sẻ, DN thường mắc "bẫy" trong hoạt động CĐS. Đó là việc DN mua sắm, lắp đặt các hệ thống công nghệ thông tin nhưng lại chưa đủ lực và đặc biệt là “làm chưa tới” để ứng dụng và chuyển đổi hoàn toàn cả tổ chức.
Ông Phạm Anh Tuấn - Giảng viện Viện Quản trị và Công nghệ FSB, chuyên gia chuyển đổi số Rạng Đông, Viettel, cho rằng, trong lộ trình CĐS, DN không nên đặt câu hỏi dùng công nghệ nào. Thay vào đó tiến trình CĐS phải xuất phát từ mục tiêu kinh doanh của DN.
CĐS không có nghĩa là biến DN ngay lập tức trở nên “100% digital”, mọi bộ phận phải số hóa đồng đều. Thực chất CĐS là thay đổi để DN vận hành hiệu quả trên không gian kỹ thuật số, và các bộ phận khác nhau trong DN, tùy vào chức năng, nhiệm vụ và hoạt động, mức độ số hóa sẽ khác nhau.
8 xu hướng CĐS năm 2023
Đánh giá về giai đoạn chuyển đổi số từ 2019 - 2022, ông Lưu Nhật Quang - Quản lý sản phẩm của 1C Việt Nam cho biết, một trong những giá trị quan trọng nhất khi chúng ta nói đến sự thành công trong năm 2019 - 2022 là mở rộng kỹ thuật số. Điều này được hiểu là các DN cần lựa chọn các nền tảng, giải pháp và khả năng mở rộng không giới hạn. Khi muốn mở rộng kỹ thuật số, DN cần các tính năng mới, công cụ phân tích để mang lại kết quả kinh doanh. Việc mở rộng kỹ thuật số, các chủ DN sẽ luôn có công cụ tin tưởng về khả năng mở rộng không giới hạn thay vì phải bó buộc trong 1 ứng dụng duy nhất.
Thêm vào đó là yếu tố tự động hóa và áp dụng các công nghệ mới (analysis + AI) để kinh doanh hiệu quả hơn. Những yếu tố này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh các DN đối mặt với vô vàn khó khăn và thách thức mới từ sau đại dịch COVID-19.
Ông Lưu Nhật Quang - Quản lý sản phẩm của 1C Việt Nam.
Với nhiều năm kinh nghiệm phát triển và cung cấp giải pháp phần mềm cũng như các dịch vụ hỗ trợ cho DN, 1C Việt Nam cho rằng, các DN sản xuất cần lưu tâm tới 8 xu hướng CĐS trong năm 2023.
Đó là chuyển đổi tập trung để tối ưu chi phí, chiến lược cải thiện chuỗi cung ứng, tự động hóa quy trình, nền tảng low code, hệ sinh thái giải pháp, tư vấn độc lập, nền công nghiệp 4.0 và máy tính học, AI Driven CX.
"Năm 2023 chắc chắn vẫn còn không ít thách thức nhưng cơ hội đổi mới, đột phá về công nghệ cũng vô cùng nhiều. Với 8 xu hướng CĐS năm 2023 này, điều quan trọng là các DN cần lựa chọn phương án, chiến lược như thế nào để CĐS thành công. Chiến lược lựa chọn nhà cung cấp với 1 hệ sinh thái CĐS giúp DN có một mô hình chuyển đổi cần thiết cho sự thành công và bảo mật bền vững. Một hệ sinh thái bao gồm các giải pháp, ứng dụng và hệ thống nội bộ, các đối tác, công nghệ liên quan mang lại nhiều lợi ích cho DN trong hành trình CĐS", ông Lưu Nhật Quang chia sẻ.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo