Mobile Money: Lợi ích lớn, nhưng rủi ro cũng rất cao
Chuyên gia cảnh báo triển khai mobile money phải có biện pháp bảo đảm an toàn tài khoản và phòng chống rửa tiền / Thí điểm Mobile Money: Nhà mạng sốt ruột, Thủ tướng giục Ngân hàng Nhà nước sớm cho thí điểm
Theo Nghị quyết số 84 của Chính phủ vừa được ban hành về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, một trong những giải pháp mà Thủ tướng yêu cầu là cấp phép thí điểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Trước đó, ngày 7/1/2020, Chính phủ đã thúc giục Ngân hàng Nhà nước về việc sớm triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ và thí điểm các mô hình dịch vụ thanh toán mới trong khi chưa có quy định của pháp luật để kịp thời bảo đảm công tác quản lý.
Không cho phép nạp thẻ cào vào tài khoản Mobile Money
Tại buổi họp báo công bố sự kiện “Ngày không tiền mặt 2020” mới đây, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước chia sẻ một số thông tin liên quan đến dự thảo Đề án về thanh toán qua tài khoản viễn thông di động (Mobile Money) đang đợi Thủ tướng phê duyệt.
Ông Dũng cho biết, trong dự thảo, hạn mức sử dụng của mỗi tài khoản Mobile Money là 10 triệu đồng/tháng. Việc nạp tiền sẽ thực hiện thông qua các điểm nạp, rút tiền mặt và tài khoản ngân hàng, nhưng không chấp nhận nạp thẻ cào vì tiềm ẩn những rủi ro.
Ông Phạm Tiến Dũng đánh giá nguy cơ lớn nhất với việc giao dịch trên không gian mạng là sự ẩn danh. Do đó, việc quản lý với Mobile Money cũng như ví điện tử luôn yêu cầu xác định danh tính khách hàng. Theo đó, 2/3 nội dung dự thảo về Mobile Money cũng sẽ tập trung vào việc quản lý rủi ro.
“Đề án triển khai Mobile Money đang trong giai đoạn chờ Thủ tướng phê duyệt nên các quy định nêu trên mới là các nội dung dự kiến”, ông Phạm |Tiến Dũng cho hay.
Mobile Money: Lợi ích lớn nhưng chứa nhiều rủi ro
Trong bài phỏng vấn với Doanh nghiệp Việt Nam về quản lý Mobile Money mới đây, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, Mobile Money là một câu chuyện khá phức tạp vì phải nhìn vấn đề dưới nhiều khía cạnh. Nói chung về điểm lợi thì việc cho phép nhà mạng cung cấp dịch vụ Mobile Money rất có lợi. Hiện tại Việt Nam chỉ có vào khoảng hơn 30% dân số là có tiếp cận với hệ thống dịch vụ ngân hàng. Còn phần lớn tại những vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn rất nhiều người không có tài khoản ngân hàng, không tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng. Nếu Viettel, MobiFone, VinaPhone sử dụng tất cả những thuê bao điện thoại để có thể trở thành những công cụ để thanh toán thì đây là điều lợi ích rất lớn cho quốc gia và cho người dân.
Nhưng ông Nguyễn Trí Hiếu cũng tỏ ra lo ngại tới việc quản lý rủi ro, vấn đề đang lo nhất là các nhà mạng khi nhận tiền của người dân có bảo đảm được an toàn cho số tiền gửi của người dân, có bảo đảm được là các nhà mạng không sử dụng số tiền gửi của người dân cho những hoạt động đầu tư sai mục đích, và nhất là có thể sàng lọc và loại bỏ những hoạt động rửa tiền.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, quy định hiện tại ràng buộc ví điện tử phải thông qua một tài khoản ngân hàng, tức là một người không thể nào đem tiền mặt đến nộp tiền cho Viettel và yêu cầu họ mở cho một ví điện tử để chi tiêu qua điện thoại.
“Giả sử tôi có 100 triệu đồng, muốn bỏ vào ví điện tử để chi tiêu bắt buộc tôi phải có tài khoản ngân hàng rồi chuyển 100 triệu đồngvào tài khoản ngân hàng. Ví điện tử phải kết nối với tài khoản ngân hàng thì tôi mới chuyển tiền từ ngân hàng vào ví điện tử để chi tiêu. Thành ra người sử dụng ví điện tử phải có mối quan hệ với một tài khoản ngân hàng, rồi từ đó mới có thể sử dụng được một ví điện tử, đây là một hạn chế rất lớn của Mobile Money. Tuy nhiên, tại thời điểm này qui định này là hợp lý vì phương pháp này hạn chế hoạt động rửa tiền”, ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Chuyên gia tài chính ngân hàng cũng nêu ra những rủi ro khác. Ví dụ, đó là việc quản lý số tiền trong các ví điện tử của nhà mạng. Đây là số tiền mà người dùng ví điện tử để trong tài khoản ngân hàng, nếu nhà mạng chỉ cho phép sử dụng số tiền đó cho ví điện tử thì không vấn đề gì.
Nhưng nếu nhà mạng sử dụng số tiền đó cho những mục đích không liên quan đến ví điện tử, chẳng hạn như họ dùng để đầu tư vào những thị trường tài chính cho vay, hay đầu tư qua đêm, hoặc là cho vay hay đầu tư trong ngày. Nếu chẳng may họ bị thua lỗ ở trên thị trường tài chính đó thì số tiền trên tài khoản ngân hàng sẽ bị mất đi, trong khi ví điện tử của khách thì vẫn còn số tiền mà danh chính ngôn thuận vẫn được sử dụng. Dẫn đến việc khách hàng có thể có một cái ví điện tử mà không có tiền bảo chứng
Với hàng chục triệu tài khoản ví điện tử nhà mạng sẽ quản lý một số dư rất lớn trong tài khoản, sẽ rủi ro rất lớn nếu Ngân hàng Nhà nước chưa có công cụ để kiểm soát số dư của các ví điện tử.
“Hiện tại tôi được biết Ngân hàng Nhà nước chưa có công cụ hữu hiệu để kết nối được với số tiền trên tài khoản ngân hàng của các nhà mạng, với số dư ví điện tử Mobile Money của người dùng và được cập nhật “live”. Nên có thể tạo một lỗ hổng lớn khi các nhà mạng có thể sử dụng số tiền trong ví điện tử của khách hàng ngoài mục đích”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Tất nhiên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể bắt buộc nhà mạng phải báo cáo hàng ngày số dư trên ví điện tử và số dư này phải tương ứng với số dư trên tài khoản ngân hàng, và CNTT có thể hổ trợ việc kết nối này và báo động cho NHNN nếu có sự chênh lêch bất cứ lúc nào, nhưng hình như kỹ thuật này chưa được áp dụng và nếu có được áp dụng thì liệu NHNN có nguồn lực để theo dõi thường xuyên và có biện pháp chế tài đối với nhà mạng khi bị phát hiện.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc thanh toán qua tài khoản di động (Mobile Money) có nhiều lợi ích là giúp nền kinh tế tiến xa hơn trong việc thanh toán phi tiền mặt, nhưng cũng ẩn chứa nhiểu rủi ro mà những nhà làm chính sách không thể bỏ qua.
Mobile Money phải kết nối với hệ thống ngân hàng để kiểm soát và ngăn chặn rửa tiền
Đối với việc thiết lập các điểm nộp tiền, hay các đại lý để người dùng Mobile Money có thể tới đó để nạp tiền vào tài khoản ngân hàng có kết nối vào ví điện tử, giải pháp này được các chuyên gia cho rằng, đó là một giải pháp tốt, nhưng mà vẫn phải thông qua hệ thống ngân hàng để kiểm soát và ngăn chặn các hoạt động rửa tiền.
Trong tương lai thì có thể mở rộng đến mức cho nộp tiền mặt vào thẳng tài khoản Mobile Money, nhưng với điều kiện phải kiểm soát được dòng tiền nộp vào các nhà mạng thông qua quy trình để chống rửa tiền. Chẳng hạn theo Luật chống rửa tiền, tổ chức tài chính phải nhận diện khách hàng nếu khách hàng thực hiện một giao dịch tiền mặt từ 300 triệu đồng trở lên và phải truy cứu nguồn gốc số tiền đó ở đâu, để đại lý của ngân hàng hay nhà mạng gửi báo cáo thông tin lên Cục Quản lý chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng việc này còn rất khó để thực hiện vì ngay bản thân các ngân hàng còn chưa thực hiện hoạt động chống rửa tiền một cách hoàn hảo, huống chi các đại lý của ngân hàng hay nhà mạng.
Trong kịch bản thúc đẩy kinh tế Việt Nam, Bộ TT&TT đã đưa ra một số kiến nghị trong đó có việc cho thí điểm Mobile Money trong quí 1/2020. Theo đó, nếu cấp phép dịch vụ Mobile Money cho các nhà mạng viễn thông thì vùng phủ dịch vụ thanh toán điện tử sẽ mau chóng đến 100% người dân. Điều này sẽ thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hoá nông nghiệp, nhất là vùng xa, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy các công ty Fintech, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp tăng trưởng kinh tế. Tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo