Chuyển đổi số

Thời điểm thích hợp để ngành Lâm nghiệp đổi mới sáng tạo

DNVN - Hiện là thời điểm thích hợp để phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo", tạo động lực cho ngành lâm nghiệp nói riêng và cả hệ thống kinh tế - xã hội nói chung.

Lâm nghiệp tự tin từ thành công 2019 / Tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản ở Đắk Lắk ước đạt hơn 25.300 tỷ đồng

Lâm nghiệp Việt đã hòa nhịp với chuyển đổi số

Ngày 16/5, Đại học Lâm nghiệp phối hợp tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo lâm nghiệp giai đoạn 2022 – 2030”.

Theo ông Trần Quang Bảo- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), vai trò của KHCN, đặc biệt trong việc thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là hết sức quan trọng.

Ngành lâm nghiệp đang tăng cường năng lực quản trị rừng cho các chủ rừng thông qua việc thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá tài nguyên rừng; ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ thông tin trong quản lý ngành lâm nghiệp.

Tiến tới đến năm 2030, 100% chủ rừng là tổ chức có đủ năng lực theo dõi, giám sát, quản lý tài nguyên rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng dựa trên KHCN.


Hội thảo “Định hướng phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo lâm nghiệp giai đoạn 2022 – 2030”.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Ngành lâm nghiệp đang nhận sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương. Hiện hệ thống văn bản chính sách, quy phạm pháp luật cho ngành lâm nghiệp khá toàn diện. Ngành lâm nghiệp đang triển khai nhiều đề án quan trọng như chế biến lâm sản, trồng 1 tỷ cây xanh, trồng rừng ven biển, đồng thời chủ trương duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42%.

"Đây là thời điểm thích hợp để phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho ngành lâm nghiệp nói riêng, và cả hệ thống kinh tế - xã hội nói chung. KHCN không những giải quyết được vấn đề quỹ đất mà còn giúp ngành lâm nghiệp tranh thủ được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.

Nhờ vốn kinh nghiệm quý báu từ các quốc gia như Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức..., Việt Nam đã hòa nhịp với cuộc cách mạng chuyển đổi số, đa dạng hóa nguồn thu từ rừng như bán tín chỉ carbon, phí chi trả dịch vụ môi trường rừng”, ông Doanh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, nhu cầu về đồ gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ ngày càng cao. Điều này thể hiện qua giá trị xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2021 đạt 15,87 tỷ USD, xuất siêu trên 13 tỷ USD. Con số này được dự báo tiếp đà tăng trong năm nay.

Việt Nam đang tiến dần đến việc chủ động nguyên liệu chế biến, nâng cao hơn nữa chất lượng gỗ từ rừng trồng. Tuy nhiên, khác với những lĩnh vực khác của nông nghiệp, lâm nghiệp cần thời gian dài để kiểm nghiệm kết quả. Ví dụ như cây keo, một loài cây lâm nghiệp mọc nhanh, cũng cần từ 5 - 7 năm mới cho thu hoạch, lâu gấp chục lần so với việc trồng lúa, hoa màu, và cũng gấp đôi so với trồng cây ăn quả.

Không thể một lúc có thể thay cây bản địa bằng rừng gỗ lớn, dù hiệu quả kinh tế vượt trội. Rất nhiều vấn đề liên quan như giống, thâm canh vùng nguyên liệu, công tác chế biến, tổ chức sản xuất. Vì thế, tất cả đều cần tổ chức một cách bài bản, căn cơ, kể cả phương thức kết nối với doanh nghiệp.

Nâng cao chất lượng, tập trung vào khâu giống

Tại Hội thảo, GS.TS Trần Văn Chứ- Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, nhà trường đã xây dựng định hướng phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2022 - 2030 trên 6 lĩnh vực, gồm: Lâm nghiệp và phát triển bền vững; công nghiệp chế biến; môi trường và biến đổi khí hậu; nông nghiệp và công nghệ sinh học; kinh tế, chính sách; công nghệ cao, chuyển đổi số.


Thời điểm thích hợp để phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo ngành lâm nghiệp.

Muốn thúc đẩy hợp tác phát triển sản phẩm KHCN, chuyền giao công nghệ trên lĩnh vực lâm nghiệp, theo GS.TS Trần Văn Chứ, ngành lâm nghiệp cần tăng cường quảng bá, chuyển giao và thương mại hóa các sản phẩm KHCN.

Cùng với đó là hợp tác với bộ ngành, địa phương, tổ chức, công ty cùng xây dựng, triển khai các nhiệm vụ KHCN và ứng dụng kết quả nghiên cứu. Xây dựng các mô hình trình diễn giới thiệu chuyển giao các tiến bộ KHCN. Trong đó, tập trung vào các vấn đề chủ lực gắn với đào tạo nông dân, cán bộ lâm nghiệp.

“Cần xây dựng các nhiệm vụ KHCN có sự tham gia nghiên cứu của chuyên gia quốc tế từ các tổ chức KHCN tiên tiến trên thế giới để nâng cao chất lượng các đề tài, dự án, giải quyết các vấn đề lớn của ngành lâm nghiệp.

Mục tiêu của Đại học Lâm nghiệp là tăng số lượng đề tài, dự án, công trình, dịch vụ KHCN thêm ít nhất 10%/năm, đóng góp tích cực cho công tác đào tạo và bổ sung nguồn thu cho tiến trình tự chủ của nhà trường. Đến năm 2025, trường phấn đấu đạt tỷ lệ ứng dụng các nhiệm vụ KHCN vào thực tiễn trên 90%”, GS.TS Trần Văn Chứ nói.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đồng tình quan điểm ứng dụng KHCN sâu rộng cần đi đôi với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó, quy trình tổ chức sản xuất cần lắng nghe theo tín hiệu thị trường.

Định hướng cho KHCN, Thứ trưởng tin rằng ứng dụng KHCN trước mắt nên tập trung vào khâu giống. Ông lý giải, đây là yếu tố quyết định đến năng suất và chất lượng của cây trồng. Đặc biệt trong lĩnh vực lâm nghiệp, với đối tượng là cây dài ngày, khả năng tác động vào điều kiện hoàn cảnh bằng các biện pháp kỹ thuật như bón phân, tưới nước hạn chế, giống càng có vai trò quan trọng.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm