Trà Vinh: Phấn đấu đưa 70% sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử
Lâm Đồng công nhận thêm 23 sản phẩm OCOP hạng 3, 4 sao / Bến Tre xuất khẩu lô bưởi da xanh đầu tiên sang Hoa Kỳ
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Trà Vinh, qua 4 năm triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 184 sản phẩm OCOP, trong đó, có 9 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 38 sản phẩm đạt 4 sao; 3 sao là 137 sản phẩm của 118 chủ thể, gồm: 72 hộ kinh doanh, 20 Công ty, 5 doanh nghiệp (DN), 19 Hợp tác xã (HTX) và 2 tổ hợp tác.
Ông Lê Văn Đông- Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh hiệu quả chương trình OCOP của tỉnh.
Ông Lê Văn Đông- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, Chương trình OCOP của tỉnh qua thời gian triển khai thực hiện, đến nay đã phát huy được tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tạo nhiều hàng hóa sản phẩm chất lượng cao mang thương hiệu mỗi huyện, mỗi xã giúp người nông dân giải quyết công ăn việc làm, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, tạo thêm công việc làm cho người dân địa phương.
Trong nhiều sản phẩm OCOP của địa phương thì mật hoa dừa của Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) là một sản phẩm OCOP độc đáo của ngành, hàng dừa của tỉnh Trà Vinh. Đây là sản phẩm được thu mật tươi 100% bằng thủ công từ mật hoa dừa với kỹ thuật là masaga hoa và thu mật truyền thống của người Khmer.
“Mật hoa dừa là một sản phẩm giàu khoáng chất, thuần tự nhiên có chỉ số đường huyết thấp, rất phù hợp với trẻ nhỏ, cung cấp năng lượng ổn định cho người mắc bệnh tiểu đường, cũng như người ăn kiêng, ăn chay, người chơi thể thao, góp phần bảo vệ sức khỏe. Hiện nay, công ty này khai thác 7 loại sản phẩm khác nhau làm từ mật hoa dừa như nước uống mật hoa dừa, đường mật hoa dừa… tất cả những sản phẩm này đều được công nhận đạt OCOP 4 sao; trong đó có 3 sản phẩm đang được UBND tỉnh Trà Vinh đề xuất công nhận 5 sao. Sản phẩm này hiện đã có mặt ở thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ…”, ông Đông thông tin thêm.
Sản phẩm OCOP 4 sao Mật hoa dừa tỉnh Trà Vinh.
Để đạt được kết quả trên, tỉnh Trà Vinh đã ban hành Chỉ thị số 20 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP.
Theo đó, tỉnh triển khai các chính sách khuyến khích, phát triển hợp tác, liên kết sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ đào tạo, kết nối nâng cao năng lực sản xuất; hỗ trợ kết nối sản phẩm OCOP, hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm
Đến nay, có 104 sản phẩm OCOP đưa lên trang thông tin điện tử kết nối sản phẩm OCOP tại địa phương tại địa chỉ ketnoiocop.vn; hỗ trợ cung cấp thông tin sản phẩm OCOP đưa lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý và các chuỗi siêu thị lớn như Coop Mart; WinMart; Go Trà Vinh…
Trong hoạt động xúc tiến thương mại, Sở NN&PTNT tỉnh đã đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia 16 Hội chợ ở các tỉnh thành cả nước; tổ chức diễn đàn liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP….
Tuy nhiên, Chương trình phát triển sản phẩm OCOP vẫn còn những hạn chế về năng lực tài chính, quy mô sản xuất nhỏ, thiết bị công nghệ chậm đổi mới; chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; chưa có nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại…
Trong kế hoạch phát triển từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP, phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn; vận động các chủ thể đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện bao bì, nhãn mác; tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông, số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Mục tiêu phát triển đến năm 2025, tỉnh sẽ có thêm 165 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên; mỗi năm có thêm từ 45 đến 50 sản phẩm OCOP, hơn 70% sản phẩm OCOP được tham gia các sàn giao dịch điện tử.
End of content
Không có tin nào tiếp theo