Chuyển đổi số

Truyền hình Internet: Cuộc chiến khốc liệt giữa IPTV truyền thống và OTT

DNVN - Trong 5 năm gần đây, thị trường truyền hình đang chứng kiến một “cuộc cách mạng” trong công nghệ truyền hình Internet (IPTV- Internet Protocol Television), đó là cuộc đua của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và truyền hình trong việc tung ra dịch vụ truyền hình phương thức mới - truyền hình IPTV giao thức OTT (Over The Top).

Cảnh báo game "bẩn" phát hành xuyên biên giới thu tiền ở Việt Nam chuyển ra nước ngoài / Bộ TT&TT không nhượng bộ: Chặn đứng game "bẩn" xuyên biên giới và cả dòng tiền

Bùng nổ dịch vụ OTT truyền hình

Theo số liệu khảo sát xu hướng xem của người dân Việt Nam năm 2019 do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cung cấp, Việt Nam có 64 triệu người sử dụng Internet - xếp thứ 12 trên thế giới và thứ 6 trong khu vực. Bình quân mỗi người sử dụng Internet Việt Nam sử dụng Internet 6h43/ngày, trong đó 2h30 là dùng mạng xã hội, 2h31 là xem truyền hình trực tuyến và video theo yêu cầu, 1h11 phút là nghe nhạc trực tuyến.

Theo số liệu của Statisca, doanh thu cho nhóm VoD (Video on Demand) năm 2018 là 75 triệu USD, được dự đoán tăng lên 119 triệu USD vào năm 2023, tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm. Ở nhóm SVoD (Subsription Video on Demand) – nhóm nhu cầu lớn nhất, được dự đoán tăng trưởng lên 113% vào năm 2023. Qua những con số này cho thấy Việt Nam là một thị trường truyền hình Internet đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

VNPT là đơn vị tiên phong cung cấp truyền hình IPTV giao thức OTT với ứng dụng MyTV Net từ đầu năm 2012, tiếp theo đó FPT Telecom cũng cung cấp dịch vụ FPT Play HD từ 3/2013. Một ông lớn khác là Viettel Telelcom sau khi ra mắt truyền hình IPTV vào năm 2014 với tên gọi Next TV, cũng đã phát triển thành dịch vụ OTT mang tên Viettel TV vào 10/2018.

Giao diện Viettel TV trên SmartTV.

Với dịch vụ truyền hình IPTV truyền thống thì nhà cung cấp dịch vụ truyền hình truyền dẫn tín hiệu trên đường truyền cáp quang FTTH, người dùng sẽ được gắn một bộ chuyển đổi tín hiệu (set top box - STB) vào tivi là xem được truyền hình và dùng một số dịch vụ gia tăng khác. Do đó, để cung cấp IPTV truyền thống đòi hỏi nhà cung cấp dịch vụ truyền hình phải có hạ tầng mạng viễn thông (giống như Viettel Telecom, VNPT và FPT Telecom đang cung cấp) hoặc phải hợp tác với doanh nghiệp có hạ tầng mạng viễn thông mới có thể thương mại hóa dịch vụ.

Nhưng với truyền hình IPTV giao thức OTT có thể cho phép nhà cung cấp dịch vụ truyền hình phát triển trên mọi hạ tầng Internet. Tức là chỉ với một bộ thiết bị thông minh như SmartTV, SmartPhone, Tablet, TV Box,.. kết nối trên đường truyền Internet của bất cứ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nào là có thể cung cấp dịch vụ tới khách hàng. Nhà cung cấp dịch vụ truyền hình OTT chỉ cung cấp giải pháp và nội dung mà không phải lo đầu tư hạ tầng truyền dẫn. Nhờ ưu điểm này mà IPTV trên OTT không chỉ giải được bài toán khó về đầu tư hạ tầng truyền dẫn của doanh nghiệp mà còn biến chiếc tivi thường của khách hàng thành SmartTV với mức chi phí vừa phải. Chính vì những ưu điểm đó truyền hình OTT hiện đang phát triển như vũ bão với doanh thu và số lượng thuê bao tăng trưởng 50%/năm. Trong khi đó thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống trong khu vực tăng trưởng chậm với mức khoảng 4-5% và doanh thu khoảng 6-7% trong những năm gần đây.

Các “ông lớn” truyền hình đứng ngồi không yên

Theo số liệu của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, đến 3/2020 cả nước hiện có 297 kênh truyền hình trong nước và 69 kênh nước ngoài được cung cấp bởi 36 doanh nghiệp tham gia thị trường truyền hình trả tiền. Trong số này đã có 21 doanh nghiệp đã được cấp phép cung cấp truyền hình trả tiền với loại hình dịch vụ truyền hình Internet. Trước sự lấn át của truyền hình IPTV và OTT, các ông lớn trong ngành truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình số mặt đất đã có những bước đột phát phát triển riêng dịch vụ OTT nhằm giữ chân khách hàng.

Khách hàng sử dụng dịch vụ của K+ trên đa nền tảng.

Truyền hình VTC sau khi phát triển dịch vụ OTT trên thiết bị riêng mang tên ZTV vào năm 2013 không thành công. Đơn vị này đã hợp tác cùng đối tác nước ngoài cho ra mắt ứng dụng VTC Now vào 4/2018, ứng dụng đã gây tiếng vang lớn khi đạt 1,3 triệu lượt tải chỉ sau vài tháng phát hành. Truyền hình K+ cũng sớm cho ra mắt dịch vụ myK+ NOW vào tháng 9/2016 cho phép khách hàng có thể xem các kênh phim truyện, thể thao hàng đầu thế giới và các bộ phim bom tấn chiếu rạp. Còn truyền hình AVG sau khi “sang tên, đổi chủ” nhiều lần cũng đã xin được giấy phép và đang nghiên cứu phát triển dịch vụ OTT cho riêng mình. Không nằm ngoài cuộc chơi, các đài truyền hình cáp cũng lần lượt tung ra các ứng dụng OTT truyền hình, VTVcab với VTVcab ON, SCTV có SCTV Online, HTVC có HTVC,...

Thị trường OTT là cuộc đấu với các đối thủ ngoại xuyên biên giới

Theo nhận đinh của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) dịch vụ truyền hình Internet đang có bước phát triển mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam. Nếu năm 2018, thị trường chỉ có 1,1 triệu thuê bao, thì năm 2019 đã đạt 2,7 triệu thuê bao. Thị trường Việt Nam đã xuất hiện hàng loạt các đối thủ ngoại. Tháng 7/2019, HBO đã cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến HBO GO tại Việt Nam trên ứng dụng FPT Play. Một đại gia khác là Apple bắt đầu cung cấp dịch vụ truyền hình Internet Apple TV+ ở hơn 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam vào tháng 11/2019.

Giao diện của HBO GO trên FPT Play.

Cũng trong thời gian này, các ông trùm nội dung số hàng đầu thế giới đã cung cấp dịch vụ OTT xuyên biên giới vào Việt Nam như Netflix của Mỹ, iQIYI (Baidu ) và WeTV (Tencent) của Trung Quốc, Iflix xủa Malaysia. Các dịch vụ này đã “âm thầm” thâm nhập thị trường Việt Nam qua app trên Google Play hoặc Apple Store. Các bộ phim phát trên các ứng dụng xuyên biên giới đều có phụ đề tiếng Việt và người dùng có thể đăng ký tài khoản, trả tiền thuê bao hàng tháng bằng tiền đồng Việt Nam. Tuy nhiên các doanh nghiệp ngoại này chưa thực hiện trách nhiệm về thuế, cũng như trách nhiệm tuân thủ các quy định quản lý nội dung khác.

Hiện nay Bộ TT&TT hiện đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 theo hướng hội nhập quốc tế và phù hợp với yêu cầu thực tiễn về quản lý nội dung dịch vụ OTT Truyền hình nhằm tăng khả năng năng cạnh tranh công bằng cũng như lành mạnh hóa thị trường.

Bài và ảnh: Trung Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm