Vận tải hành khách: DN nào không chuyển đổi số, không ứng dụng công nghệ sẽ mất thị phần chỉ trong thời gian ngắn
Chủ tịch TTC: Covid-19 là cơ hội để DN cảnh tỉnh chính mình, DN không nhận thức đầu tư công nghệ là chết / Doanh nhân Ngô Công Trường: Đây là thời điểm doanh nghiệp bắt buộc phải số hóa, dù lớn hay nhỏ
Covid-19 gây nên những tổn thất nặng nề đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách. Đặc biệt trong thời gian cách ly xã hội, tất cả các hoạt động của các nhà xe và các doanh nghiệp đều bị dừng hoạt động gây ra thiệt hại nặng nề. Đến thời điểm hiện tại, rất nhiều các DN vận tải vẫn đang phải tiếp tục bù lỗ để duy trì hoạt động của mình.
Tại hội thảo trực tuyến “Cơ hội – thách thức sau dịch với doanh nghiệp vận tải hành khách” một câu hỏi mà được rất nhiều đơn vị vận tải hành khách quan tâm đó là làm sao để có thể bán được vé, tăng doanh thu trong thời điểm này.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vận chuyển Du lịch Thiên Thảo Nguyên cho rằng: Với các doanh nghiệp vận tải để có được nguồn doanh thu ổn định sau dịch bệnh thì không có gì là tự nhiên cả. Vì thường các DN sẽ phải có kế hoạch từ 2-3 năm, phải có hệ thống quản trị bằng phần mềm, nắm về data khách hàng, làm truyền thông marketing và làm thương hiệu trên các kênh online là những việc mà các DN cần phải làm.
Ông cũng chia sẻ: "Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, thì các DN vận tải cần cải tổ lại cho gọn bộ máy vận hành của mình và nâng cao được kiến thức cũng như kỹ năng. Với DN của mình đang quản lý và điều hành hơn 400 xe vận tải hành khách nhưng đến thời điểm hiện tại DN của ông vẫn có nguồn doanh thu ổn định".
Để có được điều này Tổng giám đốc Công ty Vận chuyển Du lịch Thiên Thảo Nguyên và INTER BUS LINES cho biết: Công tyđã phải xây dựng sẵn hệ thống công nghệ từ năm 2016. Toàn bộ dữ liệu khách hàng được lưu trữ 100%. Bên cạnh đó công ty còn kết nối với các Group lớn liên quan đến du lịch và ngay khi Chính phủ cho phép mở cửa bình thường trở lại thì đồng loạt có thông báo đến toàn bộ khách hàng. Và ngay trong ngày khởi động đầu tiên sau cách ly (28/4) thì đã có 300 khách và những ngày hôm sau nữa tăng lên rất nhiều.
"Để có kết quả kinh doanh tốt các DN cần phải nhạy bén. Vì đa số khách hàng đều đã có nhu cầu du lịch từ tháng 2 , tháng 3 rồi. Vì vậy muốn tiếp cận với khách hàng thì cần đến những công cụ hỗ trợ như phần mềm hoặc truyền thông Marketing", ông Tùng nhấn mạnh
Các diễn giả tham gia hội thảo trực tuyến “Cơ hội – thách thức sau dịch với doanh nghiệp vận tải hành khách”.
Thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát cũng là thời gian để các chủ DN nhìn nhận và đánh giá lại điểm mạnh, điểm yếu của DN mình. Ông Trần Đăng Duy – Giám đốc Đồng hành Limousine miền Trung đã đưa ra những lời khuyên cho các DN vận tải lữ hành bằng chính kinh nghiệm mà ông đã áp dụng cho DN của mình trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Theo đó, thứ nhất là phải hoàn thiện và tinh gọn lại bộ máy của mình. Lựa chọn những người lao động tâm huyết và đủ năng lực để cùng công ty vượt qua khó khăn.
Thứ hai, cần xây dựng và định hướng cho nhân viên những giá trị cốt lõi hàng ngày trong đó khách hàng là trung tâm.
Thứ ba, cần phải triển khai làm truyền thông và Marketing để thu hút khách hàng tiềm năng.
Chia sẻ về hành vi người tiêu dùng ông Duy nhận định: "Người tiêu dùng sẽ chuyển dần sang sử dụng các thiết bị online sẽ trở thành một xu thế tất yếu và sẽ phát triển nhanh chóng trong thời gian tới. Thời điểm này khách hàng cũng đã bắt đầu thay đổi thói quen đặt vé, người dùng đã bắt đầu chuyển sang đặt vé, mua vé và thanh toán online thay cho hình thức mua vé truyền thống như trước đây".
Trên cương vị là Giám đốc kinh doanh chiến lược VNPAY, đơn vị đã hợp tác và kết nối thanh toán điện tử cho rất nhiều các đơn vị doanh nghiệp vận tải có sử dụng hình thức thanh toán online, ông Ôn Như Bình cho biết: Không phải chỉ sau Covid-19 mà trong 3 năm gần đây phương thức thanh toán online ở các dịch vụ vận tải đã tăng nhanh chóng. Đây là xu hướng của tương lai, trên thế giới hình thức này đã phát triển lâu rồi và hiện tại Việt Nam đang đi sau các nước mà thôi.
"Giải pháp sử dụng các dịch vụ online không chỉ giúp các nhà xe tiết kiệm được chi phí quản lý, tránh được thất thoát tiền. Sử dụng hình thức thanh toán online thì các thông tin sẽ được đồng bộ từ nhân viên lái xe, phòng vé, người quản lý, kế toán, chủ doanh nghiệp và cả khách hàng. Tất cả đều lưu trữ trên nền tảng công nghệ, có chung nguồn dữ liệu nên mọi thứ rất dễ đối soát và kiểm tra. Không những thế, việc sử dụng thanh toán online còn giúp các nhà xe hoàn toàn có được nhiều thông tin hơn từ phía khách hàng như: Tần suất sử dụng, số lần đăng ký, lộ trình di chuyển…từ đó có thể dễ dàng đưa ra các chương trình Marketing và chăm sóc khách hàng", ông Bình nhấn mạnh.
Ông Bình cũng cho biết thêm: Trong thời gian lockdown (giãn cách xã hội) chính là giai đoạn khó khăn với các nhà xe và các doanh nghiệp vận tải hành khách. Nếu được tận dụng một cách triệt để thì đây chính là thời gian quý báu để các DN đánh giá nhìn nhận lại vế đề về kinh doanh, tăng trưởng để tối ưu hoạt động trong thời gian tới.
Theo ông Phan Bá Mạnh – Tổng giám đốc công ty Công nghệ Vận tải An Vui là một doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ cho các DN vận tải hành khách,căn cứ vào số liệu đơn vị này thống kê được thì Covid-19 đã làm các DN vận tải giảm 90-95% doanh thu trong giai đoạn cách ly xã hội. Sau dịch Covid-19, khi mọi thứ bắt đầu bình thường trở lại thì theo nhận định những nhà xe lớn chạy các tuyến đường dài sẽ có khả năng hồi phục chậm hơn so với các nhà xe chạy tuyến huyện, tỉnh".
Theo ông Mạnh, đây cũng là thời điểm kích thích các DN vận tải. Hiện tại các DN vận tải lớn đang ở trong tình trạng cung vượt cầu. Nếu các DN không có cách làm tiên phong thì sẽ có nguy cơ gần như mất thị phần vào các DN đầu tư mới. Một nghịch lý ở các DN vận tải đó là các DN đầu tư sau sẽ có phương tiện mới hơn các DN đầu tư trước, vì vậy các DN đầu tư trước nếu không thận trọng và có những chiến lược cụ thể thì sẽ rất dễ mất khách vào các DN đầu tư sau.
"Với các phương tiện truyền thông phát triển mạnh như hiện nay thì DN đầu tư sau nếu biết cách Marketing thì bài toán thương hiệu không còn là khoảng cách qua xa thậm chí những nhà đầu tư sau hoàn toàn có thể vượt những nhà đầu tư trước. Chính vì vậy trong giai đoạn dịch bệnh này các DN hay coi đây là thời điểm để hoàn thiện chính mình", ông nhấn mạnh.
Đánh giá về những cơ hội và tương lai phát triển của ngành vận tải đường dài ông Huy cho rằng: "Ởnước ta để ngành vận tài đường dài phát triển được thì sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng. Hiện nay, mạng lưới giao thông đường bộ đang được phát triển mạnh, để đi từ Bắc vào Nam bây giờ sẽ mất khoảng 20 tiếng đồng hồ. Tâm lý khách hàng trừ những người có việc gấp sẽ chọn đường hàng không, nhiều người muốn trải nghiệm sẽ chọn đi bằng đường bộ, họ sẽ chọn những phương tiện phù hợp để có thể ghé qua các địa điểm để thăm quan và nghỉ ngơi dọc đường đi nên sẽ là lợi thế cho các chặng xe dài. Bên cạnh đó đây cũng là lợi thế cho những chặng xe lẻ phát triển".
Về vấn đề phát triển của phương tiện vận chuyển đường dài, ông Trần Đăng Huy - Giám đốc Đồng hành Limousine miền Trung cũng nhận định: Trong vòng 5-10 năm nữa khi hệ thống giao thông đường bộ Bắc Nam hoàn thiện, các tỉnh ven biển miền Trung cũng hoàn thiện và phát triển về cơ sở hạ tầng, các thương hiệu xe đường dài sẽ phát triển và xe chặng lẻ cũng sẽ nở rộ. Ví dụ, khi tổ chức du lịch vùng miền đến các tỉnh. Điểm chuyển tiếp sẽ là xe chặng ngắn giống như mạng lưới vệ tinh phục vụ giao thông đường dài.
Về vấn đề này, ông Ôn Như Bình cũng có những đánh giá tương tự. Ông cho rằng nhu cầu đi xe đường dài thời gian tới sẽ rất lớn. Hành vi người tiêu dùng cũng thay đổi, họ sẽ ngày càng đòi được chăm sóc tốt hơn và sẵn sàng chi trả cho những dịch vụ cao cấp. Các DN cũng cần phải tập trung vào các hoạt động truyền thông, Marketing, chăm sóc khách hàng…
"Với các DN vận tải hành khách nhỏ chưa quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ, sử dụng phần mềm, không ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận hành thì số khách hàng sẽ ngày càng nhỏ đi. Vì việc ứng dụng công nghệ đang là xu thế tất yếu của thế giới. Tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ ra sao lại phụ thuộc rất nhiều vào tư duy của các chủ nhà xe. Các đơn vị vận tải nếu không thay đổi, không chịu chuyển đổi, ứng dụng công nghệ trong thời gian ngắn thì sẽ rất dễ bị mất thị phần. Vì những DN vận tải mới xuất hiện, tiếp cận tốt với công nghệ, có sẵn đơn vị phát triển ứng dụng thậm chí sẵn sàng đầu tư lỗ để cạnh tranh thì lúc đó sẽ không còn lợi thế cạnh tranh như trước đây nữa", ông Bình cho biết thêm.
Tổng giám đốc An Vui lại cho rằng: Cự ly vàng của ngành vận tải là 130-300km. Ở cự ly này thì hàng không không thể cạnh tranh được với vận tải đường bộ. Theo ông Mạnh xu thế liên kết, bán chéo dịch vụ sản phẩm, phát triển hệ thống đối tác sẽ là nổi bật trong tương lai.
Bên cạnh đó, các DN vận tải hành khách chắc chắn phải ứng dụng công nghệ. Những DN thành công hiện tại không thể thiếu các yếu tố này được. Trong tương lai nó sẽ là yếu tố sống còn của DN, trở thành giá trị lõi về cạnh tranh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo