Chuyển đổi số

Doanh nhân Ngô Công Trường: Đây là thời điểm doanh nghiệp bắt buộc phải số hóa, dù lớn hay nhỏ

DNVN - Theo ông Ngô Công Trường, trước kia chúng ta chỉ nói về chuyển đổi số, nói về 4.0 nhưng chưa có làm. Thời điểm này thì người người làm, nhà nhà làm chuyển đổi số để trở nên mạnh mẽ hơn. Đây là thời điểm bắt buộc tất cả các DN đều phải số hóa dù lớn hay nhỏ.

Huawei liên minh với 18 nhà sản xuất ô tô để xây dựng hệ sinh thái ô tô 5G / Tất cả mạng 5G đều có nguy cơ bị tấn công do lỗ hổng bảo mật trong giao thức Diameter Signalling

Ông Ngô Công Trường hiện là Chủ tịch Công ty Tư vấn & giáo dục John&Partners. Ông đã có cơ hội làm việc với những tập đoàn lớn và cả những tập đoàn đa quốc gia. Vì vậy ông hiểu rất rõ về tình hình hoạt động cũng như những giải pháp mà các tập đoàn này đưa ra để khôi phục lại hoạt động kinh doanh, và vượt qua khó khăn khi chịu sự tác động rất lớn của dịch bệnh Covid-19.

Với những kinh nghiệm mình có được khi làm việc với các tập đoàn lớn, ông Trường cho rằng các doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam có thể tồn tại lâu nhất là sống được 3 tháng nếu doanh thu bằng 0 liên tục. Sau 3 tháng mà tình trạng đó vẫn tiếp tục thì lúc này chắc chắn DN đó đang gặp khó khăn thực sự.

Ông Trường cho biết, không riêng gì ở Việt Nam mà cả các công ty đa quốc gia trên thế giới, nhiều DN không có phần quản trị rủi ro và không quản trị được sự thay đổi khi khó khăn. Thời gian qua các công ty đa quốc gia cũng ngồi lại, đưa ra các tình huống để làm sao mình có thể linh hoạt, tinh gọn và thay đổi nhanh nhất. Một xu hướng hiện nay đang rất phổ biến là các công ty đa quốc gia ở cả Việt Nam và nước ngoài họ đều chia nhỏ các đơn vị kinh doanh, từng đơn vị chiến đấu như một chiếc F1 thì sẽ phát triển nhanh hơn so với một con voi khổng lồ.

Cũng theo Chủ tịch Công ty Tư vấn & giáo dục John&Partners ở thời điểm này, một số đơn vị nhận thấy đây là một cơ hội hiếm có. Đặc biệt ngành thiết yếu thì đây là thời điểm để các DN này có thể tăng tốc và bứt phá. Dịch Covid-19 bùng phát cũng là thời điểm để các DN thiết lập lại mô hình kinh doanh của mình và phát triển thêm một số mô hình kinh doanh mới.

Ông nhận định, đây là thời gian tuyệt vời để các tập đoàn có thể ngồi lại và tập gym. Vì trước nay chúng ta chạy theo khách hàng, chạy theo kinh doanh không có thời gian ngồi để rà soát lại và tối ưu hóa hệ thống, tái cấu trúc và làm cho chuẩn hóa mọi thứ. Sau đợt này DN sẽ có hệ thống tốt, quy trình tốt, năng lực nhân sự thì được nâng cao kỹ năng thì sau khi dịch bệnh hết các DN sẽ có thể thay đổi để phát triển mạnh mẽ hơn.

Ví dụ, điển hình là tập đoàn Amazon vô cùng hưởng lợi với dịch Covid-19, lãnh đạo của tập đoàn này từng chia sẻ: “Khi dịch bệnh xảy ra tất cả các phương án và kế hoạch kinh doanh đều bị phá vỡ”. Hiện tại doanh thu của Tập đoàn này có sự tăng trưởng đột biến. Hiện nay, một số tập đoàn đa quốc gia và một số công ty lớn cũng đang tận dụng cơ hội này để tiến hành chuyển đổi số.

"Trước kia chúng ta chỉ nói về chuyển đổi số, nói về 4.0 nhưng chưa có làm. Thời điểm này thì người người làm, nhà nhà làm để trở nên mạnh mẽ hơn. Tất cả các DN đều phải số hóa dù lớn hay nhỏ", ông Trường nhấn mạnh.

Ông Ngô Công Trường được biết đến là Chủ tịch Công ty Tư vấn & giáo dục John&Partners

Ông Ngô Công Trường - Chủ tịch Công ty Tư vấn & giáo dục John&Partners.

Để đánh giá về tình hình khôi phục nền kinh tế Việt Nam trong 3-6 tháng, ông Ngô Công Trường – Chủ tịch Công ty CP Tư vấn và giáo dục Jonh&Partners lại cho rằng chúng ta nên nhìn xa hơn. Vì hiện tại nước Mỹ thông báo dự kiến việc cách ly xã hội có thể đến năm 2022. Trường Đại học Harvard cũng đưa ra nhận định để mọi thứ bình thường trở lại cũng phải sau năm 2022.

Ông Trường cũng cho rằng, đây cũng là thời điểm khiến một số hành vi cá nhân và hành vi của doanh nghiệp thay đổi vĩnh viễn. Chúng ta cần phải chấp nhận sự thay đổi này. Nếu như ngày xưa con người là tài sản quý giá nhất của DN thì bây giờ con người phù hợp mới là tài sản quý giá nhất. Vì vậy ông rất lạc quan về việc trong thời gian 3-6 tháng tới mọi thứ tại Việt Nam có thể khôi phục trở lại.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Công ty CP Tư vấn và giáo dục Jonh&Partners cũng đưa ra lời khuyên với các DN Việt: "Thế giới đóng cửa vì dịch bệnh thì đó chính là cơ hội cho mình. Trong 3-6 tháng tới, các DN hãy phân tích xem những ngành nào mà bên nước ngoài trong vòng 12 tháng tới chưa thể phục hồi thì mình phải chuẩn bị thật tốt. Mình chuẩn bị từ bây giờ để có thể tăng tốc bứt phá và chiếm lĩnh thị trường thế giới, đó chính là cơ hội lớn của Việt Nam".

Đối với việc hoạch định kế hoạch kinh doanh của các DN trong dài hạn và giải pháp cần thiết khi xảy ra bất trắc bất ngờ để các DN có thể điều chỉnh cho phù hợp, theo ông Trường, trước nay các công ty hay lập chiến lược 5 năm và tầm nhìn 10 năm. Trong thời gian qua, khi tiếp cận với nhiều công ty đa quốc gia và các tập đoàn lớn, thì tại các đơn vị này đều có quy định nội bộ là làm chiến lược không quá 3 năm và tầm nhìn 5 năm. Mỗi năm họ sẽ đánh giá lại 4 lần theo hàng quý, và luôn đưa ra những chính sách linh hoạt, liên tục phù hợp với tình hình thực tế.

Cũng theo ông Trường, ở góc độ nhân sự họ vẫn cần những thành công và thắng lợi trong ngắn hạn, vì vậy các DN cần linh hoạt hơn. Xu hướng hiện nay ở các tập đoàn lớn đó là chia nhỏ DN ra nhiều mảng để làm. Phần nào không làm được thì báo cáo lại sẽ được bỏ luôn và chỉ tập trung vào những phần có thể phát triển được.

Chủ tịch Công ty CP Tư vấn và giáo dục Jonh&Partners cũng cho hay,DN vừa và nhỏ trong giai đoạn khó khăn luôn có hai bài toán cần phải giải đó là bài toán về doanh thu và chi phí. Trong thời điểm khó khăn này với các DN vừa và nhỏ việc bán hàng để kiếm từng đồng đều rất quý giá.

DN lúc này nên dùng “lương khô” của mình có nghĩa là đây là thời điểm các DN vừa và nhỏ nên lấy khoản tiền mình đã tiết kiệm được ra để dùng. Hoặc nếu có tài sản thì có thể bán đi, lấy máu của mình để cứu lấy chính mình. Không ai cứu được mình bằng chính mình cả. Một việc quan trọng không kém đó là DN cần cắt giảm hết mọi chi phí không cần thiết xuống mức thấp nhất có thể.

Ông cũng dẫn một câu nói rất nổi tiếng, một lời khuyên của các Startup đến từ Thung lũng Silicon Valley: "Hãy nhìn một kế hoạch kinh doanh hay startup đang làm là một doanh nghiệp. Các bạn khởi nghiệp ở Việt Nam thường coi startup như đứa con tinh thần. Nhưng đã coi là con thì chúng ta rất khó lòng bỏ. Nếu quá thương "đứa con tinh thần" thì có thể cố gắng 6 tháng nữa, không được thì dẹp nó đi. Không thì 3 tháng nữa, mà nếu được thì dẹp ngay."

Chủ tịch Công ty CP Tư vấn và giáo dục Jonh&Partners cũng nhận định: “Đây là giai đoạn các DN có thể bỏ hết để quay về con số 0. Quay trở lại vạch xuất phát để khởi động lại. Các DN vừa và nhỏ đã thử sai rất nhiều. Vì vậy trong giai đoạn này nếu khó khăn quá thì cứ coi như mình đã sai và bắt đầu làm lại từ đầu. Đây là lời khuyên rất phũ phàng nhưng sòng phẳng và thực tế”.

Phát biểu về vấn đề những cơ hội cũng như thách thức mà Việt Nam có được với dòng vốn FDI đang dịch chuyển, ông Trường đưa ra nhận định: "Đây chính là thời điểm vàng để các doanh nghiệp (DN) có thể tận dụng để làm Branding cho DN của mình. Ông cũng cho biết, hiện tại Apple và Samsung đã bắt đầu có tín hiệu chuyển dịch sang Việt Nam. Các tập đoàn lớn này đã chọn Việt Nam là phương án thay thế".

Chính vì vậy ông Trường cho rằng: Qua đợt Covid-19 này sẽ có 2 tình huống xảy ra. Một tình huống là các nước sẽ đoàn kết, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau tạo đà cho kinh tế thế giới bùng nổ. Tình huống thứ 2 đang xảy ra rồi đó là việc các quốc gia đang đề phòng lẫn nhau. Và chính trong giai đoạn này Việt Nam đang vô tình có được niềm tin cao nhất với cộng đồng thế giới.

"Có được điều này là do nước ta có tính linh hoạt và thích nghi cao. Đây là cơ hội cạnh tranh song phẳng cả về công nghệ lẫn trí thức. Ở cả hai mặt này tôi tin Việt Nam đều có thể sánh ngang được với các nước trên thế giới”, ông Trường nhấn mạnh.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm