Chuyển đổi số

Chủ tịch TTC: Covid-19 là cơ hội để DN cảnh tỉnh chính mình, DN không nhận thức đầu tư công nghệ là chết

DNVN -Ông Đặng Văn Thành cho rằng, Covid-19 là cơ hội để các DN định biên trở lại, cân đối lại việc kiểm soát chi phí, kiểm soát thị trường. Ở giai đoạn này các DN không nhận thức đầu tư công nghệ là chết. Covid-19 chính là cơ hội để DN cảnh tỉnh chính mình.

Thị trường đồng phục sôi động khi học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ phòng dịch Covid-19 / Kiến nghị đưa DN chế biến đồ uống vào danh sách hưởng hỗ trợ do Covid-19

Tính đến thời điểm này các doanh nghiệp (DN) của nước ta đã thiệt hại khá nặng nề vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong thời gian qua. Mặc dù dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát nhưng để khôi phục lại được hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nền kinh tế như trước sẽ là một câu chuyện dài.

Với những thiệt hại nặng nề mà Covid-19 đã gây ra cho nền kinh tế nước ta nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung thì khó có thể khẳng định được chính xác thời gian để mọi hoạt động có thể trở lại bình thường.

Bên cạnh một số ý kiến lạc quan về sự hồi phục nền kinh tế thì đa số các chuyên gia đều đưa ra nhận định nền kinh tế ở Việt Nam sẽ rất khó có thể phục hồi được trong vòng 3-6 tháng tới.

Tại chương trình tọa đàm trực tuyến với nội dung “Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp thời khủng hoảng” các chuyên gia cũng đã đưa ra những nhận định của mình về sự khôi phục của nền kinh tế nước ta trong thời gian tới, cũng như việc các doanh nghiệp nên xây dựng kế hoạch kinh doanh trong ngắn hạn và dài hạn thế nào cho phù hợp với tình hình mới và phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế nói chung.

Các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm trực tuyến với nội dung “Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp thời khủng hoảng”

Các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm trực tuyến với nội dung “Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp thời khủng hoảng”.

Để đánh giá về tình hình khôi phục nền kinh tế Việt Nam trong 3-6 tháng, ông Huỳnh Bửu Sơn – Chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định: "Mặc dù chúng ta rất lạc quan nhưng trong thời gian từ 3 – 6 tháng tới với tình hình chung như hiện tại thì chúng ta cũng khó có thể làm được gì. Thời gian vừa qua chúng ta giống như người bị bệnh vừa mới khỏe lại sẽ không làm được gì nhiều mà việc cứu nguy cho các DN cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Việc chúng ta cần làm bây giờ là làm cách nào để tỷ lệ thất nghiệp giảm đi".

Cũng theo ông Sơn, thời điểm này DN nên tập trung vào việc hồi sức để làm sao có thể khỏe mạnh trở lại và tập trung bổ sung hoàn thiện các khiếm khuyết trong thời gian tới. Ông cũng nhận định trong 3-6 tháng tới nền kinh tế ở các nước Châu Âu và các nước Bắc Mỹ khó để có thể tái khởi động trở lại.

Ông Lâm Minh Chánh – Nhà sáng lập trường QTKD BizUni, đồng sáng lập Group Quản trị và khởi nghiệp cho biết: Hiện tại Châu Âu và Bắc Mỹ vẫn có người tử vong. Nếu các nước này chưa phục hồi bình thường thì Việt Nam cũng chưa thể bình thường trở lại được. Gần đây chúng ta hay sử dụng khái niệm “bình thường mới” tôi thấy rất hay vì trong giai đoạn này chúng ta phải chấp nhận cái gọi là “bình thường mới” này cũng như phải sống chúng với nó.

Ông Chánh cũng đưa ra lời khuyên: "Nếu DN đang hoạt động trong ngành cung cấp các sản phẩm thiết yếu thì đây là cơ hội để tiếp tục phát triển. Nếu không may mắn mà DN đang hoạt động ở lĩnh vực gặp khó khăn thì đây là lúc cần phải sáng tạo và đổi mới để tìm ra được con đường cho sự phát triển DN phù hợp với tình hình thực tế của xã hội và nền kinh tế".

Đồng quan điểm với các chuyên gia trong buổi tọa đàm, Nhà sáng lập trường QTKD BizUni cũng cho rằng, để nói rằng Việt Nam có thể phục hồi kinh tế trong 3-6 tháng tới là một nhận định khá lạc quan nhưng sẽ rất khó để thực hiện. Theo ông, để kết nối lại vực dậy nền kinh tế rất tốn thời gian, để tìm ra vacxin chúng ta cần 1-1,5 năm, nên sẽ rất khó để nhận định bao giờ kinh tế có thể hồi phục.

Tuy nhiên cũng có những ý kiến tỏ ra lạc quan, ông Kao Siêu Lực – Tổng giám đốc ABCBakery lại cho rằng: Việt Nam chúng ta may mắn khi khống chế tốt được dịch bệnh và không có phát sinh về số người tử vong. Vì vậy ông cũng đồng tình với ý kiến Việt Nam có thể bắt đầu hồi phục lại sức khỏe từ từ trong 3-6 tháng tới.

Còn theo ông Ngô Công Trường – Chủ tịch Công ty CP Tư vấn và giáo dục Jonh&Partners thì lại cho rằng chúng ta nên nhìn xa hơn. Vì hiện tại nước Mỹ thông báo dự kiến việc cách ly xã hội có thể đến năm 2022. Trường Đại học Harvard cũng đưa ra nhận định để mọi thứ bình thường trở lại cũng phải sau năm 2022.

Ông Trường cũng nhấn mạnh: Đây cũng là thời điểm khiến một số hành vi cá nhân và hành vi của doanh nghiệp thay đổi vĩnh viễn. Chúng ta cần phải chấp nhận sự thay đổi này. Nếu như ngày xưa con người là tài sản quý giá nhất của DN thì bây giờ con người phù hợp mới là tài sản quý giá nhất. Vì vậy ông rất lạc quan về việc trong thời gian 3-6 tháng tới mọi thứ tại Việt Nam có thể khôi phục trở lại.

Bên cạnh đó ông Chủ tịch Công ty CP Tư vấn và giáo dục Jonh&Partners cũng đưa ra lời khuyên: Thế giới đóng cửa vì dịch bệnh thì đó chính là cơ hội cho mình. Trong 3-6 tháng tới, các DN hãy phân tích xem những ngành nào mà bên nước ngoài trong vòng 12 tháng tới chưa thể phục hồi thì mình phải chuẩn bị thật tốt. Mình chuẩn bị từ bây giờ để có thể tăng tốc bứt phá và chiếm lĩnh thị trường thế giới, đó chính là cơ hội lớn của Việt Nam.

Về việc hoạch định kế hoạch kinh doanh của các DN trong dài hạn và giải pháp cần thiết khi xảy ra bất trắc bất ngờ để các DN có thể điều chỉnh cho phù hợp theo ông Trường: Trước nay các công ty hay lập chiến lược 5 năm và tầm nhìn 10 năm. Trong thời gian qua, khi tiếp cận với nhiều công ty đa quốc gia và các tập đoàn lớn, thì tại các đơn vị này đều có quy định nội bộ là làm chiến lược không quá 3 năm và tầm nhìn 5 năm. Mỗi năm họ sẽ đánh giá lại 4 lần theo hàng quý, và luôn đưa ra những chính sách linh hoạt, liên tục phù hợp với tình hình thực tế.

Cũng theo ông Trường, ở góc độ nhân sự họ vẫn cần những thành công và thắng lợi trong ngắn hạn, vì vậy các DN cần linh hoạt hơn. Xu hướng hiện nay ở các tập đoàn lớn đó là chia nhỏ DN ra nhiều mảng để làm. Phần nào không làm được thì báo cáo lại sẽ được bỏ luôn và chỉ tập trung vào những phần có thể phát triển được.

Ông Lâm Minh Chánh – Nhà sáng lập trường QTKD BizUni cũng cho rằng: Câu nói “Không lập kế hoạch là chuẩn bị kế hoạch cho sự thất bại” đến bây giờ vẫn đúng. Nhiều DN cần phải lập kế hoạch rất kỹ, chi tiết. Đặc biệt trong giai đoạn nhiều diễn biến phức tạp và bất ngờ như hiện nay thì các kế hoạch của DN luôn thay đổi thậm chí có những kế hoạch thay đổi theo tháng.

Với vấn đề thay máu nhân sự trong mùa dịch Covid-19, Chủ tịch tập đoàn TTC – ông Đặng Văn Thành cho rằng đây là một vấn đề vô cùng nhức nhối, là “vấn nạn” của DN. Ở Việt Nam mặc dù quỹ lương lớn nhưng thu nhập cá nhân còn khiêm tốn trong khi các nước phát triển thì ngược lại. Ông Thành cũng nhận định đây là cơ hội để các DN định biên trở lại, cân đối lại việc kiểm soát chi phí, kiểm soát thị trường. Ở giai đoạn này các DN không nhận thức đầu tư công nghệ là chết. Việc này không chỉ giúp các DN kiểm soát được chi phí mà còn cần thiết cho sự hội nhập và phát triển DN. Covid-19 chính là cơ hội để DN cảnh tỉnh chính mình.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm