Doanh nghiệp 24h

Mì có chất cấm Ethylene oxide: Không tự kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm xuất khẩu sẽ ảnh hưởng tới uy tín quốc gia

DNVN - Từ Wuerzburg, CHLB Đức, Tiến sĩ ngành Y sinh Lê Đức Dũng trả lời phỏng vấn riêng Doanh nghiệp Việt Nam xoay quanh sự cố 2 lô mỳ Acecook và lô mỳ Thiên Hương mới bị cơ quan quản lý thực phẩm EU cảnh báo và thu hồi do có chất bảo vệ thực vật Ethylene oxide, đây là chất bị EU cấm do có nguy cơ gây ung thư, gây hại cho sức khỏe của người dùng.

Đại diện Công ty Acecook nói gì vụ Ireland thu hồi lô mì Hảo Hảo Việt Nam vì chứa chất độc hại? / Vụ mì Acecook và Thiên Hương bị EU cảnh báo có chất độc hại: Chuẩn châu Âu có khác với chuẩn Việt Nam hay không?

Ông có thể cho biết, Liên minh Châu Âu (EU) và một số nước phát triển có quy định thế nào về sử dụng chất Ethylene oxide trong các sản phẩm liên quan đến sức khỏe của con người?

Tiến sỹ Lê Đức Dũng: Ethylene oxide được sử dụng nhiều trong công nghiệp và được sử dụng rộng rãi trong hai lĩnh vực liên quan đến sức khoẻ là tiệt trùng các sản phẩm y tế và dùng làm thuốc trừ sâu/bảo quản nông phẩm, vì ethylene oxide có khả năng tiêu diệt vi sinh vật (virus, vi khuẩn, nấm). Tuy nhiên các nghiên cứu trên động vật và người chỉ ra rằng Ethylene oxide (và sản phẩm phân huỷ của nó 2- chloroethanol) có thể gây biến đổi vật chất di truyền DNA do đó nó có thể tạo đột biến gây ra nhiều loại ung thư, dị tật thai nhi và rối loạn khả năng sinh sản của phụ nữ. Do đó nhiều nước đã cấm sử dụng Ethylene oxide như là thuốc bảo vệ thực vật. Ví dụ, Đức cấm sử dụng Ethylene oxide trong nông nghiệp từ năm 1981, đến năm 1991 thì toàn EU cũng đã cấm sử dụng Ethylene oxide trong nông nghiệp.

Tuy nhiên tại EU Ethylene oxide vẫn được phép sử dụng trong các ngành công nghiệp hoá học, cũng như trong tiệt trùng các sản phẩm và dụng cụ y tế, còn các quy trình có tiếp xúc với thực phẩm thì cấm sử dụng. Tại EU thì thực phẩm có tồn dư Ethylene oxide cũng bị cấm lưu hành. Tại Mỹ, Canada và nhiều nước khác thì Ethylene oxide vẫn được phép sử dụng. Trong thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm có tồn dư Ethylene oxide vẫn được phép lưu hành, tuy nhiên với một nồng độ giới hạn theo quy định của từng quốc gia.

Một sản phẩm thực phẩm khi đưa vào diện cảnh báo với người tiêu dùng thì EU thực hiện theo quy trình như thế nào? Cụ thể, với ba lô sản phẩm mì của Việt Nam nói trên khi bị EU cảnh báo có chất gây hại thì mức độ nghiêm trọng của nó ra sao? EU có chế tài thế nào với các đơn vị cung cấp sản phẩm không đạt độ an toàn?

Tiến sỹ Lê Đức Dũng: EU có một quy định về an toàn thực phẩm và các quốc gia thành viên đều dựa trên quy định đó, do vậy tiêu chuẩn trong toàn khối là giống nhau. Nếu một sản phẩm không đạt chuẩn trong một quốc gia thành viên thì nghĩa là nó cũng không được chấp nhận trong toàn khối. An toàn thực phẩm tại EU được quy định rất khắt khe và khá phức tạp. Các bước kiểm soát chất lượng và an toàn thường theo ba mức độ như sau: Thứ nhất đó là qua bộ phận kiểm tra chất lượng của nhà sản xuất. Thứ hai là thông qua một đơn vị kiểm an toàn chất lượng độc lập do nhà sản xuất thuê. Thứ ba là qua kiểm tra của cơ quan quản lý an toàn chất lượng của nhà nước. Các sản phẩm nhập khẩu từ ngoài EU thì các nhà sản xuất và nhập khẩu phải cung cấp đủ hồ sơ chất lượng trước khi được nhập vào, sau đó các cơ quan quản lý của các nước thành viên EU vẫn tiếp tục lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm soát chất lượng. Nếu phát hiện sản phẩm có lỗi hoặc chứa chất cấm vi phạm quy định của EU thì sẽ được thông báo rộng rãi đến các nước thành viên và các nhà bán lẻ, sản phẩm sẽ bị thu hồi trên toàn khối. Nếu nhà sản xuất nghi ngờ hoặc phát hiện sản phẩm của mình có lỗi bắt buộc phải thông báo cho cơ quan quản lý và ra thông báo thu hồi sản phẩm.

Với các lô sản phẩm mỳ gói của Việt Nam có chứa Ethylene oxide thì chắc chắn sẽ bị thu hồi và không được bán tiếp trên toàn EU. Mức độ chế tài thì tôi không rõ vì cũng chưa có thông tin, tuy nhiên các sản phẩm của nhà sản xuất này cũng như các mặt hàng khác của Việt Nam sẽ bị chú ý nhiều hơn. Vì rõ sàng các nhà sản xuất đã không tự kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm của mình trước khi xuất khẩu vào EU.

Nếu các doanh nghiệp không tự kiểm soát chặt chẽ sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến uy tín của quốc gia cũng như các sản phẩm đến từ quốc gia đó. Danh sách các chất cấm cũng như các quy định chất lượng sản phẩm của EU thường rất rõ ràng và công khai, do vậy các doanh nghiệp nên thực hiện nghiêm túc các quy định đó.

Thực ra việc thu hồi sản phẩm đã bán ra không phải là chuyện hiếm ở EU đối với các mặt hàng sản xuất trong EU cũng như các mặt hàng nhập khẩu. Gần đây các lô hàng hạt vừng/mè từ Ấn Độ cũng thường chứa Ethylene oxide khi xuất sang EU và bị trả lại.

Tiến sỹ ngành Y sinh Lê Đức Dũng.

Tiến sỹ ngành Y sinh Lê Đức Dũng.

Theo công bố với báo chí của Acecook, các sản phẩm bị EU thu hồi được sản xuất riêng cho thị trường châu Âu, không phải sản xuất cho thị trường Việt Nam. Vậy theo ông, 1 sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam liệu có an toàn hơn sản phẩm đưa vào thị trường EU hay không? Và người tiêu dùng Việt Nam có nên an tâm với lời giải thích từ phía Acecook hay không?

Tiến sỹ Lê Đức Dũng: Thực sự tôi cũng không hiểu rõ lắm ý giải thích này của Acecook. Tôi cho rằng giải thích như vậy là không đúng và thiếu logic cả về khoa học, quy định và kinh tế. Nếu theo tiêu chuẩn EU thì có nghĩa là sản phẩm tuyệt đối không được chứa Ethylene oxide, tức là Acecook đã vi phạm và không theo các quy định rất chặt chẽ của EU. Trong khi Ethylene oxide không bị cấm ở Việt Nam thì Acecook sản xuất sản phẩm không chứa Ethylene oxide. Tôi nghĩ Acecook nên thẳng thắn và kiểm tra lại các lô hàng xuất khẩu, nội địa để thông báo rõ ràng những lô hàng cụ thể nào có chứa Ethylene oxide, và lô hàng nào không chứa.

Mỗi thị trường đều có quy định riêng về an toàn chất lượng của mình, về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU thì có lẽ là một trong những tiêu chuẩn khắt khe nhất, bên cạnh Nhật và Mỹ. Tôi có đọc bản đề nghị về Ethylene oxide của hội đồng khoa học EU năm 2012, thì mọi ý kiến và đề nghị của hội đồng khoa học đều dựa trên các chứng cứ khoa học trong rất nhiều nghiên cứu trên động vật và người được tiến hành trong thời gian dài hàng chục năm.

Hiện nay, Bộ Công Thương Việt Nam đang xác minh đối với 3 sản phẩm mì vừa được EU cảnh báo. Theo ông, cơ quan quản lý của Việt Nam cần phải lưu ý xác minh những thông số nào? Và cần phải làm gì để xử lý nếu như các sản phẩm có bán ở Việt Nam cũng có chất độc hại như EU cảnh báo?

 

Tiến sỹ Lê Đức Dũng: Theo tôi các doanh nghiệp nên tự kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm của mình, thực hiện đúng các quy định chất lượng cho từng thị trường, bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng cần tìm các đơn vị kiểm soát chất lượng độc lập uy tín, đủ tiêu chuẩn. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên thường xuyên kiểm soát chất lượng sản phẩm từ Việt Nam khi xuất khẩu để giữ uy tín quốc gia, bảo vệ uy tín các doanh nghiệp trên lãnh thổ của mình và có các chế tài nghiêm khắc cho các doanh nghiệp vi phạm các quy định.

Đối với các sản phẩm mỳ gói vừa bị phát hiện chứa Ethylene oxide tại EU thì cơ quan quản lý nhà nước có thể sử dụng số liệu từ EU, số liệu lưu trữ của nhà sản xuất và có thể tự kiểm tra đánh giá độc lập để so sánh. Các cơ quan quản lý có thể đánh giá các lô hàng đã xuất tại EU cũng như các sản phẩm, lô hàng khác bán trong nước cũng như xác minh chất lượng các nguyên liệu đầu vào của nhà máy.

Tôi được biết, Việt Nam hiện chưa có quy định về hàm lượng Ethylene oxide trong thực phẩm. Vậy Việt Nam có thể áp dụng các quy định nào để kết luận một sản phẩm có đảm bảo độ an toàn với sức khỏe người dùng hay không?

Tiến sỹ Lê Đức Dũng: Như đã nói ở trên thì quy định về hàm lượng Ethylene oxide trong thực phẩm ở các quốc gia là rất khác nhau. Ở EU thì tuyệt đối không, nhưng các nước khác thì vẫn được phép với một giới hạn nhất định. Nếu theo luật pháp Việt Nam thì các sản phẩm được phép chứa Ethylene oxide.

Tuy nhiên theo tôi, chúng ta nên thay đổi các quy định cấm hoặc có giới hạn nhất định về tồn dư của Ethylene oxide trong thực phẩm để bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Theo tiêu chuẩn EU, Mỹ hay tự đặt ra một tiêu chuẩn cho riêng mình thì đều nên dựa trên các chứng cứ khoa học về sức khoẻ cũng như xem xét các lợi ích kinh tế, xã hội đối với việc sử dụng Ethylene oxide trong nông nghiệp và bảo quản thực phẩm.

 

Các nghiên cứu khoa học thì đã được thực hiện rất nhiều và đã xuất bản công khai trên các tạp chí khoa học, mọi quốc gia đều có thể tham khảo. Nhiệm vụ của các hội đồng/tiểu ban khoa học về sức khoẻ, môi trường, kinh tế, xã hội, chính sách cần tư vấn và đề nghị lên cơ quan có chức năng để có những quy định hợp lý nhất với tình hình quốc gia đó trong việc sử dụng Ethylene oxide cũng như các hoá chất khác.

Theo quan điểm của ông, người tiêu dùng Việt Nam có nên tiếp tục sử dụng các sản phẩm đã được EU cảnh báo mất an toàn thực phẩm hay không?

Tiến sỹ Lê Đức Dũng: Rất khó để đưa ra một lời khuyên chung cho tất cả mọi người. Vì vấn đề Ethylene oxide trong thực phẩm còn khác nhau theo từng nước, nên mọi người cần suy nghĩ và tự đưa ra quyết định cho riêng mình dựa trên sự hiểu biết và hoàn cảnh của mình.

Nếu bạn muốn áp dụng một tiêu chuẩn cao như của EU cho sức khoẻ của bạn và gia đình thì bạn có thể không dùng, còn nếu bạn tin tưởng vào các quy định khác bạn vẫn có thể tiếp tục dùng. Do vậy nhà sản xuất cũng cần minh bạch thông tin liệu các lô hàng nội địa có chứa Ethylene oxide hay không, nếu có thì hàm lượng bao nhiêu để khách hàng tham khảo.

Xin cảm ơn ông!

 

Đỗ Quyên (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm