Doanh nghiệp - Doanh nhân

Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo: Làm gì và nghiên cứu gì cũng phải nghĩ đến người dân

DNVN - Nhắc đến ông Hoàng Đức Thảo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco) người ta thường nhớ tên ông với những danh hiệu cao quý hiếm người có được. Ông vừa là Kỷ lục gia, là Anh hùng lao động, là Nhà khoa học, là doanh nhân thành đạt. Nhưng ít người biết được 40 năm trước, ông rời trường học với nghề thợ sắt.

CEO Hoàng Đức Thảo và hiện tượng Busadco / Hoàn thành suất sắc dự án kè Hồ Gươm: Busadco và Tổng giám đốc Hoàng Đức Thảo được tặng Bằng khen của Chủ tịch TP.Hà Nội


Ông vừa là Kỷ lục gia, là Anh hùng lao động, là Nhà khoa học, là doanh nhân thành đạt.

Ông Hoàng Đức Thảo gắn với nhiều danh hiệu cao quý, ông vừa là Kỷ lục gia, là Anh hùng lao động, là Nhà khoa học, là doanh nhân thành đạt.

Gắn kết KHCN với kinh doanh

Nếu gặp ở ngoài đời thường ít ai có thể ngờ được người đàn ông có vẻ ngoài bình dị đã có trong tay số công trình nghiên cứu khoa học nhiều hơn gấp nhiều lần số tuổi đời của mình.

Là tác giả của 102 bằng độc quyền Sáng chế, bằng Độc quyền Giải pháp Hữu ích; 223 bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp; 4 Kỷ lục quốc gia; 17 giải thưởng quốc tế về sáng tạo KHCN từ chính quá trình nghiên cứu, thực hành và thực chứng kết quả trong thực tiễn để phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, xã hội.

Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo (giữa) Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) và Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam (VietKings) đã trao tặng kỷ lục cá nhân về khoa học công nghệ

Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo (giữa) được Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) và Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam (VietKings) trao tặng kỷ lục cá nhân về khoa học công nghệ.


Ngày 9/1/2021, Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) và Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam (VietKings) đã trao tặng kỷ lục cá nhân về khoa học công nghệ cho Anh hùng Lao động - Nhà khoa học Hoàng Đức Thảo. Trong cuộc đời sự nghiệp của mình, ông cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vào năm 2011; Huân chương lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; 7 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Mà hơn hết, tất cả những thành tích đáng trân trọng của ông đều từ các công trình KHCN mà ông dành tâm huyết suốt cuộc đời nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn.

Ông còn là một doanh nhân thành đạt khi Công ty Busadco do ông làm “thuyền trưởng” dẫn dắt từ năm 2003 tới nay cũng được Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) và Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam (VietKings) trao tặng kỷ lục về Khoa học công nghệ cho tập thể.

Sau 17 năm thành lập, dưới sự dẫn dắt của ông Hoàng Đức Thảo, từ chỗ chỉ có 34 lao động không có chuyên môn, với số vốn chưa đến 10 tỷ đồng, đến nay Busadco đã có hơn 800 cán bộ, kỹ sư và người lao động giàu kinh nghiệm, tâm huyết với nghề. Vào tháng 8/2015, Busadco được xác lập Kỷ lục Việt Nam, là doanh nghiệp KHCN đầu tiên trong ngành xây dựng và bảo vệ môi trường. Đồng thời cũng là 1 trong 3 doanh nghiệp KHCN đầu tiên của cả nước được công nhận.

Điều đáng được ghi nhận hơn cả là các công trình KHCN của ông Hoàng Đức Thảo và Busadco đều được bắt tay nghiên cứu từ những khó khăn, đã giải quyết được những bức xúc trong thực tiễn và có tính ứng dụng rất cao. Tính đến đến tháng 10/2020, Busadco đã ký kết 1.830 hợp đồng với các đối tác về ứng dụng sản phẩm KHCN vào các công trình, góp phần thiết lập tiêu chuẩn quốc gia từ công nghệ, giải pháp kỹ thuật và sản phẩm Busadco. Các công trình KHCN của Busadco phủ sóng khắp tại gần 50 tỉnh, thành trên cả nước. Hằng năm, doanh thu từ KHCN của Busadco chiếm 80-85% tổng doanh thu của doanh nghiệp.

Không thể kể hết các công trình KHCN mà Busadco đã triển khai trong 17 năm qua. Trong đó, có nhiều công trình mang tính đột phá, là cuộc cách mạng về KHCN, như cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” đã mang lại cho Busadco giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN năm 2016. Gần đây nhất là công trình “Kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm bằng công nghệ bê tông cốt phi kim, thành mỏng, khối rỗng, liên kết module” của Nhà khoa học Hoàng Đức Thảo được bầu chọn là một trong 10 sự kiện KHCN nổi bật năm 2020.

Hạng mục kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm là hạng mục quan trọng nhất thuộc dự án xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, thuộc loại công trình nhóm A cấp quốc gia đặc biệt, ngoài việc phải tuân thủ theo các Luật Đầu tư và Luật Xây dựng, còn phải thực hiện nghiêm ngặt theo Luật Di sản văn hóa. Với những tiêu chí và yêu cầu nghiêm ngặt của chủ đầu tư, công trình được coi là một bài toán rất khó với các đơn vị thi công, do điều kiện thi công chật hẹp và quá ngặt nghèo. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm thực tiễn Busadco đã áp dụng KHCN mới nhất vào xây dựng và hoàn thành công trình vào tháng 8/2020, sớm 1 tháng so với kế hoạch.

KHCN phải ứng dụng vào giải quyết những “nỗi đau” của cuộc sống

Chia sẻ về công trình khoa học đầu tiên của cuộc đời mình, ông Hoàng Đức Thảo cho biết: “Tôi sinh năm 1960 trong một gia đình nghèo ở xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương (Thái Bình). Không có điều kiện học lên đại học, năm 1979 - khi ấy mới 19 tuổi, tốt nghiệp Trường Công nhân kỹ thuật (Bắc Thái), tôi vào làm thợ sắt của Nhà máy Xi măng Hà Tiên (Kiên Giang)”.

“Thời ấy Nhà máy Xi măng Hà Tiên thường phải nhập máy cắt sắt của Trung Quốc. Nhưng khổ nỗi cứ hai chục ngày lưỡi cắt lại đứt mà nhà sản xuất nhất định không bán cho lưỡi dự phòng. Mỗi lần như vậy toàn bộ công trình phải dừng lại cả tuần chờ nhập lưỡi cưa về, vừa mất thời gian vừa nhỡ hết công việc. Cánh thợ sắt chúng tôi tức lắm, nghĩ phải có cách gì đó để giải quyết bức xúc này”, ông Thảo nhớ lại.

Chỉ vài tháng sau, giải pháp “gông đỡ để giảm lực đẩy trở lại làm đứt lưỡi cắt sắt” – sáng kiến đầu đời của anh thợ sắt Hoàng Đức Thảo được thử nghiệm thành công, giúp dây chuyền sản xuất của nhà máy được thông suốt. Cũng ngay trong năm đó, các chuyên gia Liên Xô (thuộc đơn vị thiết kế xây dựng nhà máy) lại vô cùng tâm đắc khi sáng kiến “thay thế cóc-kê ngăn cách giữa hai lớp thép bằng râu thép đầu cọc” của ông được đưa vào sử dụng và trở thành giải pháp rất hữu ích trong quá trình xây dựng nhà máy. Với hai sáng kiến này, anh công nhân trẻ Hoàng Đức Thảo được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua tỉnh Kiên Giang, nhận Bằng khen của Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn và Bộ Xây dựng, được cử đi tham dự Festival thanh niên tiên tiến toàn quốc khi mới vừa tròn tuổi đôi mươi (năm 1980).

Rồi cứ thế, cùng với niềm say mê nghiên cứu khoa học, trải qua nhiều vị trí công việc, năm 2003 ông nhận nhiệm vụ Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (tiền thân của Busadco ngày nay). Ngay khi ở cương vị mới, cảm nhận nỗi khổ của người công nhân dầm mình trong dòng nước cống đen kịt, hôi thối, độc hại thôi thúc ông nghiên cứu đề tài: “Cụm tời máy nạo vét hệ thống thoát nước”.

“Lần thử nghiệm đầu tiên, nhìn những công nhân đứng trên miệng cống điều khiển nhẹ nhàng, dây tời lướt tới đâu, rác rưởi và bùn đọng bong sạch tới đó, tôi hét thật to như vỡ tung cả lồng ngực vì sung sướng! Từ đây, thay vì chui vào cống, trực tiếp đối mặt với các chất thải độc hại, bùn rác và nguy cơ nhiễm bệnh cao, người công nhân đã được giải phóng, hiệu suất làm việc tăng gấp 20 lần”, ông nhớ lại.

Công trình này đã giúp ông đoạt Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2004, chỉ sau 1 năm ông về Busadco. Từ công trình khoa học đầu tay của ông, những bức xúc về các vấn nạn môi trường chưa được giải quyết, sự vất vả của người lao động trong doanh nghiệp đã thôi thúc, tạo động lực và tiếp thêm sức mạnh cho đam mê cho những công trình khoa học tiếp theo của ông.

Sau thành công ứng dụng cụm máy tời nạo vét cống ngầm hệ thống thoát nước đô thị là các công trình: Hào kỹ thuật, chế tạo bê-tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn, cụm hố ga ngăn mùi và hố thu nước mưa kiểu mới, bể phốt kiểu mới, hệ thống xúc rửa hồ và kênh rạch “chết”, hố ga đúc sẵn liên kết mối nối cống, bể phốt nông thôn dành cho người nghèo... Tất cả những công trình đó đều bắt nguồn từ những “nỗi đau” của cuộc sống. Chính từ đối mặt giải quyết những bất cập trong hạ tầng kỹ thuật đô thị và bảo vệ môi trường, trưởng thành từ công nhân, thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của người lao động mà trong ông luôn nung nấu phải cải tiến kỹ thuật và sáng tạo các thiết bị thay thế sức lao động. Chính vì thế mỗi công trình nghiên cứu của ông, của Busadco do ông dẫn dắt khi hoàn thành đều đi vào cuộc sống, có tính ứng dụng thực tiễn rất cao, giải quyết được những bài toán khó, có ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống nhân dân.

Trước những thành công rực rỡ trên con đường đam mê nghiên cứu khoa học, ông Thảo tâm sự, thành công của ông chính là sự đam mê và lòng kiên nhẫn. Từ những vấn đề nảy sinh trong thực tế mà cộng đồng quan tâm, mình phải làm một cái gì đó có lợi cho cuộc sống. Khát vọng ấy, nên ông cùng cộng sự dành nhiều thời gian nghiên cứu đề tài khoa học chống ngập úng và ô nhiễm môi trường.

“Tôi là người có tinh thần dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, đặc biệt có sự đột phá thành công trong nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao nhất, ngành xây dựng, ngành thoát nước và môi trường Việt Nam. Góp phần quan trọng vào sự phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cả nước”, ông nói.

Thách thức lớn nhất là phải đưa được sản phẩm KHCN vào đời sống

Chia sẻ về những thách thức lớn nhất của nhà khoa học, ông nói rằng: “Khó khăn lớn nhất là đưa được các sản phẩm KHCN vào đời sống”. Các sản phẩm của Busadco trở thành giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và cạnh tranh được với sản phẩm của các quốc gia khác khi Việt Nam hội nhập. Bên cạnh đó, yếu tố con người luôn là một bài toán khó đối với doanh nghiệp, làm sao để giữ chân được người tài, thu hút được nhiều người có tâm huyết với Busadco, với nghiên cứu khoa học nước nhà.

Với các cộng sự, những nhà nghiên cứu trẻ trong công ty, ông vẫn thường chia sẻ: Làm gì, nghiên cứu gì cũng phải nghĩ đến người dân, những người trực tiếp hưởng lợi từ những sản phẩm của mình. Chỉ khi đặt con người vào vị trí trung tâm thì chúng ta mới có thể sáng tạo ra những sản phẩm thật sự hữu ích.Với các nhà khoa học trẻ mong muốn lớn nhất là những công trình nghiên cứu khoa học của họ được cuộc sống đón nhận, được ứng dụng trong thực tiễn. Các nhà khoa học trẻ hãy mạnh dạn, tự tin vào chính mình và phải biết thổi bùng niềm đam mê. Bởi chỉ khi ấy mới thành công trên con đường nghiên cứu khoa học vốn rất gian nan.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm