Doanh nghiệp - Doanh nhân

Đà Nẵng: Hơn 540 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký

DNVN - Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2023, có hơn 540 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký với số vốn giảm gần 2.200 tỷ đồng.

"Bàn" giải pháp phát triển bền vững vận tải biển ASEAN / Tăng cường xử lý vi phạm về kiểm soát tiền chất công nghiệp

DN tạm dừng, rút lui khỏi thị trường tăng cao

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2023 (tính đến ngày 15/6), toàn TP có 2.055 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện (gọi chung là DN) thành lập mới với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt gần 8.900 tỷ đồng, giảm hơn 10% về số DN và giảm hơn 32% về số vốn so với cùng kỳ 2022.

Phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn (Đà Nẵng) vốn rất sầm uất, nhưng nay thì nhiều doanh nghiệp thông báo trả mặt bằng.

Phố chuyên kinh doanh thời trang Lê Duẩn (Đà Nẵng) vốn rất sầm uất nhưng nay thì nhiều doanh nghiệp thông báo trả mặt bằng.

Cũng trong 6 tháng qua, số liệu của Cục Thống kê Đà Nẵng cho thấy có 324 DN, đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể, xin rời khỏi thị trường, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số ngành vẫn còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 nên số DN, văn phòng đại diện đăng ký tạm ngừng hoạt động không ngừng tăng lên (gần 2.840 DN, tăng 15%); trong khi đó số DN và đơn vị trực thuộc quay trở lại hoạt động giảm 35,4% so với cùng kỳ 2022 (tương đương với 1.046 DN và đơn vị trực thuộc).

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm nay, Sở KH&ĐT Đà Nẵng đã tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đối với 541 DN và đơn vị trực thuộc với số vốn giảm gần 2.200 tỷ đồng.

Cũng theo Cục Thống kê Đà Nẵng, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn cho thấy có đến 41% số DN được phỏng vấn nhận định tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2023 khó khăn hơn so với quý trước; 27% DN cho rằng tình hình vẫn giữ nguyên, không thay đổi và 32% DN đánh giá tình hình tốt hơn quý trước.

Về triển vọng của quý III/2023, có 38% DN lạc quan nhận định tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn; 28% DN đánh giá tình hình quý III sẽ không thay đổi so với quý II và 34% cho rằng tình hình vẫn sẽ tiếp tục tệ hơn trong quý III.

Cần hỗ trợ hiệu quả cho các DN thiếu vốn

“Nhu cầu tiêu dùng giảm sút, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ gián đoạn, đứt gãy dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập, khẩu và tăng trưởng kinh tế. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến DN tạm ngừng và rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2023 cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường”, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ nhận định tại cuộc họp báo công bố số liệu tình hình kinh tế - xã hội TP 6 tháng đầu năm 2023.

Số cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa, ngừng hoạt động cũng ngày càng tăng.

Số cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa, ngừng hoạt động cũng ngày càng tăng.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều Liên - Trưởng phòng Thống kê tổng hợp (Cục Thống kê Đà Nẵng), trong các yếu tố ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh hiện nay của DN, vấn đề về vốn và thị trường đầu ra là 2 yếu tố quan trọng nhất.

Các DN đối mặt rất lớn trước tình trạng nhu cầu tiêu dùng giảm cả trong nước và quốc tế, đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như da giày, dệt may, sản phẩm gỗ... Bên cạnh đó, cùng với những bất cập về thể chế, thủ tục liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng thì vấn đề về vốn, lãi suất cao, khó tiếp cận các gói tín dụng đã khiến sức chống chịu của DN bị bào mòn, khó khăn càng chồng chất.

Cục Thống kê Đà Nẵng nhận định, với tình hình kinh tế thế giới và cả nước hiện nay, kinh tế quý III và 6 tháng cuối năm 2023 của TP còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2023 là 7%, Cục Thống kê Đà Nẵng kiến nghị chính quyền TP cần tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, cần có giải pháp phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số trong các ngành chế biến, chế tạo nhằm tạo sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu.

Đặc biệt là hỗ trợ có hiệu quả cho các DN thiếu vốn, chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ, chế biến thủy sản, sản phẩm nhựa, điện tử và linh kiện điện tử...

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm