Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp thương mại điện tử nội “hụt hơi” trước đối thủ ngoại

Dù còn nhiều thách thức nhưng nhóm doanh nghiệp nội vẫn có cơ hội tăng thị phần trong tương lai nếu có chiến lược phát triển bán hàng đa kênh một cách phù hợp.

Vinamilk đẩy mạnh lộ trình giảm dấu chân carbon, hướng đến Net Zero / Kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết quý II/2023 phục hồi

Vừa qua, thị trườngthương mại điện tửViệt Nam xôn xao trước thông tin đăng tải trên tờ Dealstreet Asia của Singapore cho rằng, người sáng lập kiêm CEO của sàn thương mại điện tử đầu ngành tại Việt Nam là Tiki từ chức. Tuy nhiên, khi trả lời trực tiếp phóng viên của VTV, ông Trần Ngọc Thái Sơn CEO Tiki đã khẳng định đây là thông tin giả.

Ở một góc nhìn khác, sở dĩ thông tin này gây xôn xao như vậy một phần đến từ thực tế là trong khoảng 2 năm trở lại đây, sức cạnh tranh của các chợ trực tuyến Việt Nam như Tiki, Sendo đang chững lại, mất thị phần về doanh nghiệp ngoại.

Nếu nhìn thị phần thương mại điện tử qua những kiện hàng thì trong năm 2022, 100 kiện hàng được giao đến tay người dùng tại Việt Nam đã có đến 60 kiện của Shopee, 20 kiện của Lazada - đều là các thương hiệu ngoại. Còn các sàn thương mại điện tử Việt như Tiki là 6, Sendo là 4.

Đáng chú ý là TikTok Shop một cái tên nước ngoài mới chỉ vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam 1 năm nay đã chiếm được 4% thị phần ngang với Sendo. Điều này cho thấy dấu hiệu chững lại của nhóm doanh nghiệp nội trên đường đua thương mại điện tử.

Doanh nghiệp thương mại điện tử nội “hụt hơi” trước đối thủ ngoại - Ảnh 1.

Đang có dấu hiệu chững lại của nhóm doanh nghiệp nội trên đường đua thương mại điện tử. Ảnh minh họa.

Nghiên cứu của Momentum Works cho thấy, tổng giá trị hàng hóa qua sàn Tiki năm 2022 đã giảm 7% so với năm trước đó. Đáng chú ý là có đến 45% lượng giao dịch này là do Tiki tự phân phối. Giới quan sát đánh giá với thị trường đang phát triển như Việt Nam, cách làm này ngốn nhiều chi phí.

Trong khi mảng kinh doanh theo mô hình chợ trực tuyến, nghĩa là sàn chỉ kết nối người bán và người mua lại tỏ ra yếu thế trước doanh nghiệp ngoại.

Bà Weihan Chen - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu, Momentum Works (Singapore) đánh giá: "Các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam hầu như chỉ thu hút các nhà bán hàng nội địa. Nhưng các sàn đa quốc gia họ không chỉ thu hút nhà bán hàng tại Việt Nam, mà còn rất nhiều nhà bán khác trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc - nơi có chuỗi cung ứng rất phát triển. Điều này tạo ra lợi thế về tối ưu bán hàng. Trong khi nhómdoanh nghiệp Việtbị hạn chế về đa dạng nguồn cung hàng hóa cho khách hàng".

Trong lúc bối cảnh thế giới khó khăn, các sàn ngoại vẫn tiếp tục nhận được hàng trăm triệu USD đầu tư từ tập đoàn mẹ. Trong khi các sàn trong nước đều là công ty khởi nghiệp gọi từng vòng vốn để hoạt động. Lần gần nhất Tiki gọi vốn mới là năm 2021, còn Sendo đã cách đây 4 năm.

 

Giới nghiên cứu ước tính, để lấy được 1% thị phần cần chi ít nhất 6 triệu USD mỗi năm, tạo sức ép lớn cho startup Việt.

Tiến sĩ Phạm Công Hiệp - Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam cho hay: "Tính cạnh tranh gay gắt có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam "đuối hơi" trong cuộc chạy đua này. Thay vì đấu đầu trực tiếp vào mảng thương mại điện tử toàn cầu thì nên nhắm vào các thị trường nhỏ, ngách để phát huy thế mạnh".

Theo giới chuyên gia, dù còn nhiều thách thức, nhưng nhóm doanh nghiệp nội vẫn có cơ hội tăng thị phần trong tương lai nếu có chiến lược phát triển bán hàng đa kênh một cách phù hợp, cũng như tận dụng lợi thế am hiểu thị trường nội địa, nhất là khi miếng bánh thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ còn phình to.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm