Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam tổ chức Famtrip “Miền Trung đón bạn”: Kết nối hỗ trợ du lịch phát triển bền vững
Mùa hoa Vàng Anh tháng 3 bên suối Nước Mooc / Hà Nội: Kích cầu "Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội"
Trong chuyến Famtrip sắp tới, hành trình của Hội Du lịch Cộng đồng là các tỉnh miền Trung có chủ đề “ Miền Trung đón bạn” hành trình bắt đầu từ 12/4 đến 15/4/2021, các điểm đến là Quảng Nam, Huế, và Quảng Trị. Với gần 100 giám đốc các công ty du lịch thuộc Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam nhằm kích cầu và tìm hiểu những sản phẩm về du lịch đặc trưng của mỗi địa phương, để cùng chung tay kích cầu sản phẩm du lịch của địa phương.
Chiều trên phá Tam Giang
Điểm đầu tiên của Hành trình Famtrip “Miền Trung đón bạn” của Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam là vùng đất Thừa Thiên Huế, khám phá vùng phá Tam Giang, trải nghiệm du lịch cộng đồng với những hoạt động cùng những người dân nơi đây. Đoàn sẽ ghé về Quảng Điền với Làng Bích họa Ngư Mỹ Thạnh, nơi tái hiện lên cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây qua những bức tranh sinh động được vẽ trên tường, sau đó đoàn sẽ di chuyển lên thuyền tham quan hệ thống đầm phá Tam Giang. Phá Tam Giang của Huế được đánh giá là hệ thống đầm phá lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với vẻ đẹp mộc mạc hoang sơ.
Trong chuyến khảo sát phá Tam Giang, sẽ khám phá hoạt động “Nò Sáo” theo tiếng địa phương đây là một trong những hình thức đánh bắt thủy sản, đoàn sẽ cùng ngư dân tham gia hoạt động “Đổ Nò” đây là trải nghiệm cách đánh bắt cá của ngư dân đầm phá. Cũng trong chuyến hành trình của Famtrip “Miền Trung đón bạn” của Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam tại phá Tam Giang, đoàn khảo sát sẽ có những hoạt động cộng đồng và trải nghiệm với E-Park Tam Giang Lagoon, đây là một điểm dừng chân ngay trên phá Tam Giang, cùng ngắm nhìn hoàng hôn tuyệt đẹp ngay trên đầm phá.
Bình minh trên đảo Cồn Cỏ
Sau khi đoàn rời Huế sẽ di chuyển đến vùng đất Quảng Trị anh hùng, với lễ dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị. Trong số 72 nghĩa trang ở Quảng Trị thì Thành Cổ và dòng sông Thạch Hãn được biết đến là 2 nghĩa trang không bia mộ. Theo thống kê, tổng số bom đạn Mỹ - Ngụy ném xuống Thành Cổ và thị xã Quảng Trị trong chiến dịch tái chiếm 81 ngày đêm năm 1972 bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử. Những mất mát và đau thương là không thể đong đếm, sự tàn khốc của chiến tranh là sự thật không gì thay thế.
Trong chuyến hành trình của đoàn Famtrip sẽ ra thăm Đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị, cách cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh khoảng 15 hải lý. Đảo Cồn Cỏ có diện tích khoảng 4 km2, chu vi 8 km, độ cao từ 5-30 m so với mặt nước biển với hình dạng hơi tròn. Đảo Cồn Cỏ anh hùng, nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, là nơi ghi dấu những năm tháng lịch sử chiến đấu anh hùng của dân tộc để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với vị trí đặc biệt quan trọng, là điểm phân chia Vịnh Bắc Bộ – cửa ngõ phía Nam của Vịnh Bắc Bộ, Cồn Cỏ là tiền đồn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, là nơi gắn liền với những trận chiến đấu ác liệt để bảo vệ biển đảo, thể hiện truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước nói chung và Quảng Trị nói riêng.
Không chỉ nổi tiếng từ những năm tháng còn chiến tranh, du lịch Cồn Cỏ còn được biết đến là một hòn đảo có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp với rừng nguyên sinh, hải sản quý hiếm… Du lịch đảo Cồn Cỏ là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn thoát khỏi cuộc sống ồn ào, khói bụi của thành phố tìm về chốn yên tĩnh thanh bình.
Tại đây, đoàn sẽ làm Lễ chào cờ tại Cột cờ Cồn Cỏ một trong những cột cờ biển đảo lớn nhất Việt Nam! (cao 38,8m, Quốc kỳ rộng 24m2). Đoàn viếng Đài tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh. Sau đó đoàn khám phá rừng nguyên sinh, chinh phục ngọn hải đăng ngắm nhìn toàn cảnh Đảo Cồn Cỏ và biển Đông. Men theo bờ biển, Mõm Chó - là vị trí nhô ra biển với khung cảnh tuyệt đẹp, tiếp tục tham quan hệ thống giao thông hào, hầm quân y, địa đạo, lô cốt…
Đêm Anor- Ta Lang vùng sơn cước
Trong chuyến hành trình của Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam, đoàn khảo sát và tìm hiểu đời sống bản sắc văn hoá người Paco, Vân Kiều tại làng A Nor - A Lưới - Huế mua sắm đặc sản địa phương. Thung lũng nhỏ xanh mướt nằm ngay dưới chân thác A Nôr từ xa xưa đã được dòng họ Kêr Pa Kô lựa chọn làm nơi an cư lạc nghiệp, trước kia mang tên Panon - A Nôr, sau đổi thành A Nôr - Việt Tiến. Ngôi làng mang đậm nét văn hóa của người dân tộc Pa Kô như: Tắm thác, xông răng bằng lá dân gian, gội đầu bằng lá rừng ngay tại thác A Nôr ba tầng trắng xóa.
Dẫu trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thiên nhiên và con người nơi đây vẫn giữ được những nét bình dị, nguyên sơ cùng với những tập tục đặc sắc, làm xiêu lòng du khách ghé thăm. Đoàn tìm hiểu đời sống đời thường của dân tộc Cơ Tu và Tà Ôi nơi đây như: Đan lát, dệt thổ cẩm, hoạt động làm nông. Buổi tối, đoàn sẽ hòa mình vào sinh hoạt cộng đồng của đồng bào dân tộc tại các bản làng, hòa mình vào ánh lửa bập bùng cùng những điệu múa dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, cùng thưởng thức những món đặc sản đặc trưng văn hóa ẩm thực nơi đây bên chững chén rượu cần thơm nồng vùng A Lưới.
Điểm cuối cùng của chuyến Famtrip là làng Ta Lang -Tây Giang là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, giáp với nước bạn Lào, là địa bàn sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo trong các bản làng Cơ Tu, cùng những nét đẹp nguyên bản của các làng nghề truyền thống (làm gốm, đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ, điêu khắc tượng gỗ…); các nghệ thuật nói lý, hát lý, dân ca, dân vũ Cơ Tu; các trò chơi dân gian, ẩm thực truyền thống Cơ Tu.
Nằm bên con suối Chơr Lang hiền hòa, làng Ta Lang thuộc huyện Tây Giang lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa dân tộc Cơ Tu đặc sắc, tiêu biểu như nghề chế tác và trình diễn các loại hình nhạc cụ dân tộc của cố nghệ nhân Alăng Avel - người đã sáng chế nhiều loại hình nhạc cụ độc đáo như aheen (sáo 3 lỗ), abel (đàn cò)… cùng nhiều loại hình văn hóa khác đang được cộng đồng làng giữ gìn, bảo tồn và phát huy đưa vào khai thác phục vụ du lịch.
Tây Giang có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, với những cánh rừng nguyên sinh, quý hiếm nằm trong Sách Đỏ như: Rừng lim xanh, rừng pơ mu, rừng hoa đỗ quyên cổ; có tới 1.587 cây di sản Việt Nam, trong đó 1.146 cây pơmu có độ tuổi từ 200 năm đến hơn 1.000 năm tuổi; 5 cây đa hơn ngàn năm tuổi, 1 cây dổi, 435 cây đỗ quyên cổ nằm trên đỉnh K’lang có độ cao so với mặt biển 2.005m. Đặc biệt, Tây Giang có khí hậu mát mẻ quanh năm, đa dạng về hệ thống sông, suối với nhiều thác ghềnh hoang sơ như: thác R’cung (Bhalêê), thác R’măng (xã Gari)…
Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng góp phần đánh thức, khôi phục, khai thác đúng cách kho báu văn hóa Cơ Tu kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng một cách khoa học và hiệu quả, qua đó giúp tạo việc làm, nguồn thu nhập cho cộng đồng làng xã. Đây được xem là con đường phát triển kinh tế bền vững giúp nâng cao sinh kế của bà con, góp phần phát triển kinh tế địa phương, giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên hữu hạn từ rừng, hạn chế việc làm nương làm rẫy, săn bắt động vật hoang dã, bảo vệ rừng và khu bảo tồn loài sao la ngày càng tốt hơn, đồng thời quảng bá được nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Để quy hoạch làng A nôr- A Lưới –Huế và Ta Lang- Quảng Nam thành làng du lịch cộng đồng, Hội Du lịch Cộng đồng đã khảo sát và cùng đồng hành giúp dân trong quảng thời gian những năm qua.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng việt Nam: "Chuyến Famtrip “Miền Trung đón bạn” chúng tôi mong muốn những anh em du lịch trong toàn quốc có sự kết nối, giao lưu để từ đó xây dựng một sản phẩm hoàn chỉnh. Trong chuyến hành trình Famtrip lần này có gần 100 giám đốc các công ty du lịch, cùng anh chị em làm du lịch và các nhà báo đồng hành, Hội Du lịch Cộng đồng chúng tôi mong muốn phát triển một hệ thống du lịch bền vững, và sẽ cùng nhau đưa ra giải pháp phát triển du lịch vùng miền cụ thể”.
Với chuyến hành trình khám phá và tìm giải pháp kích cầu cho điểm đến, hành trình “ Miền Trung đón bạn” của Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam được tổ chức vào ngày 12 đến 15/4 với các địa phương Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam sẽ hỗ trợ kích cầu du lịch địa phương và tìm giải pháp phát triển du lịch cộng đồng bền vững nhất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo