Doanh nghiệp - Doanh nhân

Khó khăn về dòng tiền cản trở doanh nghiệp phục hồi

DNVN - Theo Sở KHĐT Đà Nẵng, tình hình đăng ký doanh nghiệp từ đầu năm 2023 đến nay tiếp tục có những tín hiệu tiêu cực. Khó khăn về dòng tiền đang ảnh hưởng không nhỏ tới việc duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đà Nẵng: Kiến nghị chưa điều chỉnh hệ số giá đất sản xuất, kinh doanh / Đà Nẵng: Nâng cao trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri

Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực nhà nước, Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023 (số liệu tính đến ngày 15/6) đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký cho 2.055 DN, chi nhánh và văn phòng đại diện (gọi tắt là DN và đơn vị trực thuộc) với tổng vốn đăng ký gần 8.900 tỷ đồng, giảm 10% về số lượng DN và giảm 32% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2022.

Tình trạng DN buộc phải chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể ngày càng nhiều.

Tình trạng DN buộc phải chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể ngày càng nhiều.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, số DN và đơn vị trực thuộc trên địa bàn Đà Nẵng gia nhập và tái gia nhập thị trường chỉ đạt khoảng 3.100 đơn vị, giảm gần 21% so với cùng kỳ 2022. Trong khi đó có gần 3.7700 DN và đơn vị trực thuộc rút lui khỏi thị trường, tăng 10,22% so với cùng kỳ năm 2022.

Đánh giá chung về sự biến động của DN ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH&ĐT Đà Nẵng) Đoàn Việt Tiến nhận xét, tình hình đăng ký DN nửa đầu năm nay tiếp tục có những tín hiệu tiêu cực tác động không nhỏ đến tâm lý của người dân, DN.

Theo ông, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ngoài dự đoán; kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại; lạm phát tuy hạ nhiệt song vẫn ở mức cao; giá năng lượng, hàng hóa cơ bản tăng mạnh, chuỗi cung ứng bị gián đoạn; xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều quốc gia...

Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt nhiều thách thức; các ngành nghề có vị trí quan trọng liên quan đến các ngành kinh tế khác như dịch vụ, bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc về quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC), xây dựng, đất đai, quy hoạch, đầu tư…

Do vậy, nhiều DN phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Bên cạnh đó, đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày… Nhiều DN phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất, thậm chí rút lui khỏi thị trường.

Doanh nghiệp khô kiệt dòng tiền, không còn sức chống chịu

Theo ông Đoàn Việt Tiến, trong bối cảnh bị khó khăn bủa vây từ nhiều phía, DN đang rất cần tiền để duy trì, trợ lực, thế nhưng dòng vốn của họ lại đang cạn dần. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của các DN đã gần như khô kiệt, không còn sức chống chịu sau thời gian dịch bệnh kéo dài.

“Đặc biệt, DN ở một số ngành phản ánh với Sở KH&ĐT về các khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu vốn, thiếu đơn hàng, vướng quy định về PCCC… nên không đáp đủ ứng đủ điều kiện kinh doanh, buộc phải ngừng hoạt động”, ông Đoàn Việt Tiến cho biết.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã hai lần giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và DN tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, các khoản vay cũ của người dân, DN tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng vẫn đang neo ở mức khá cao (bình quân 13%/năm) khiến họ phải tiếp tục thắt lưng buộc bụng, hạn chế chi tiêu.

Bên cạnh đó, Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH&ĐT Đà Nẵng) cho rằng các quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ NHNN đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ gia đình còn chưa cụ thể khiến cho các tổ chức kinh tế gặp khó khăn trong việc tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm.

“Đơn cử, tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 31/2022/NĐ-CP về nguyên tắc hỗ trợ lãi suất cần phải cụ thể hóa tiêu chí “khả năng phục hồi”. Do chưa cụ thể hóa được những tiêu chí quan trọng như thế này trong Nghị định 31/2022/NĐ-CP nên quá trình phục hồi nền kinh tế vẫn đang diễn ra chậm”, ông Đoàn Việt Tiến nhận xét.

Kịp thời triển khai thực hiện chủ trương về giảm lãi suất cho vay

Trước tình hình này, tại Công văn 3658/UBND-KT (ngày 14/7), UBND TP Đà Nẵng đã đề nghị NHNN Chi nhánh Đà Nẵng chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung đáp ứng đủ nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế để góp phần kiểm soát lạm phát, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ và TP Đà Nẵng.

Đồng thời triển khai thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng – DN để kịp thời hỗ trợ DN, các tổ chức sản xuất kinh doanh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng; đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, DN.

UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị NHNN Chi nhánh Đà Nẵng tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chương trình hỗ trợ lãi suất, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo chủ trương của Chính phủ, NHNN để hỗ trợ các tổ chức, DN, người dân tháo gỡ, giảm bớt khó khăn liên quan đến vay vốn.

Kịp thời triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, DN và người dân, góp phần kiểm soát lạm phát. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP thực hiện các chủ trương, chính sách điều hành của Chính phủ, NHNN về tín dụng, lãi suất.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm