Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với VINASME
DNVN - Chiều 07/01/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và các đại diện doanh nhân, doanh nghiệp của hiệp hội tại trụ sở Văn phòng Chính phủ.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Ấm lòng trong “năm Covid” / Doanh nghiệp chưa thấy được nhiều lợi ích khi trở thành doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định vai trò của doanh nghiệp (DN), doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị DN. Trách nhiệm xã hội của DN, đạo đức, văn hóa kinh doanh của DN dần được nâng lên.
Hiện nay, cả nước có khoảng 800.000 DN đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Số lượng DN trung bình trên 1.000 dân và 1.000 lao động liên tục có sự gia tăng trong những năm gần đây, năm 2019, bình quân cả nước có 7,9 DN đang hoạt động/1.000 dân so với 5,4 DN năm 2016.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng với những thành tích, kết quả đạt được của VINASME và cộng đồng DNNVV thời gian qua.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà cộng đồng DNNVV cần sớm có giải pháp khắc phục. Đó là, phần lớn DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới, thiếu đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với VINASME và các đại diện doanh nhân, doanh nghiệp của hiệp hội tại trụ sở Văn phòng Chính phủ. (Ảnh: VGP)
"Các thành viên của Hiệp hội phát triển còn liên kết rời rạc với nhau và với các thành phần kinh tế khác. Khả năng tiếp cận nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn. Các DN chưa tham gia được vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Một số DN vẫn chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, một số DN vẫn còn hiện tượng gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, nợ tín dụng quá hạn và nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.
Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị VINASME cần đẩy mạnh phát triển tổ chức, đảm bảo 63/63 tỉnh, thành phố có tổ chức của Hiệp hội, qua đó, thực hiện tốt vai trò đại diện cho cộng đồng DN, làm cầu nối giữa DN với các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; VINASME cần nghiên cứu, chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành các chính sách phù hợp để thúc đẩy DN Việt Nam phát triển vượt bậc trong thời gian tới; cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc tham gia các chương trình, dự án của các bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện để hỗ trợ tốt hơn cho DN hội viên.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận những kết quả đạt được của VINASME trong thời gian qua.
Với các thành viên của VINASME, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu cần đi đầu trong việc tăng cường ứng dụng, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc thiết bị công nghệ cao thay thế lao động thủ công ở những công đoạn máy móc có thể thay thế để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Tại buổi tiếp kiến, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch VINASME cho biết, những kết quả nước ta đạt được trong thời gian qua không thể không kể đến những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng. Bất chấp khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp đã chủ động thay đổi phương thức kinh doanh, tìm kiếm các đối tác, nguồn hàng và thị trường tiêu thụ mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 2,9% trong năm nay.
Tuy vậy, theo đánh giá của người đứng đầu VINASME, cộng đồng DNNVV vẫn đối diện với nhiều thách thức, từ kết nối giao thương, nguồn lực tài chính đến khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước… Do đó, Chủ tịch Nguyễn Văn Thân đã đưa ra 6 kiến nghị với Chính phủ nhằm hỗ trợ DNNVV: cân nhắc giảm một số tiêu chí đấu thầu, chia nhỏ các dự án lớn để các DNNVV trong nước có thể tham gia nhiều gói thầu; chú trọng phát triển kinh tế ban đêm; giao Hiệp hội DNNVV Việt Nam được thực hiện việc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những khó khăn vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp (báo cáo cập nhật nhanh) một lần/tháng; tăng cường nguồn lực tài chính và con người cho các quỹ BLTD, đồng thời cải tổ cơ chế hoạt động và giảm bớt các thủ tục bảo lãnh vay; xem xét, ban hành những cơ chế, chính sách vượt trội để thu hút các nhà đầu tư FDI; có cơ chế để liên kết, tập hợp các tổ chức này, đảm bảo việc phối hợp triển khai nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp hội viên và tham vấn chính sách cho Chính phủ một cách hiệu quả nhất.
Sự kiện cũng ghi nhận những chia sẻ từ lãnh đạo các bộ: Tài chính, Công Thương, Khoa học & Công nghệ. Đại diện các bộ ghi nhận những kiến nghị từ Chủ tịch Nguyễn Văn Thân cũng như đại diện một số doanh nghiệp thành viên, và cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng DNNVV trong thời gian tới.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo