Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp chưa thấy được nhiều lợi ích khi trở thành doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ

DNVN - Lực lượng doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (KH&CN) được xác định có vai trò dẫn dắt, tạo ra xu hướng phát triển kinh tế mới trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay số lượng doanh nghiệp lĩnh vực này ở nhiều địa phương và cả nước nói chung, còn rất khiêm tốn và cần được tạo cơ hội để phát triển.

Hướng dẫn điều kiện chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ / Thừa Thiên Huế mới chỉ có 3 doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ

Số lượng chưa tương xứng

Theo thống kê của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), tính đến tháng 11/2020, cả nước có 538 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Con số này còn khá khiêm tốn so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại nước ta.

Đơn cử như tỉnh Lâm Đồng, tính đến hết năm 2020, tỉnh này có khoảng 10.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, nhưng chỉ có 5 doanh nghiệp KH&CN. Đó là: CTCP Dược Lâm Đồng, CTCP Đầu tư Sâm Ngọc Linh Việt Nam, Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật H.Q, Công ty TNHH MTV Vắc xin Pasteur Đà Lạt, CTCP PAN - SALADBOWL. Điều đáng nói là trong 2 năm qua, Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng không tiếp nhận hồ sơ nào về đăng ký cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

Dây chuyền sản xuất dược liệu của Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar), một trong những doanh nghiệp KH&CN hiếm hoi của tỉnh này.

Dây chuyền sản xuất dược liệu của Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar), một trong những doanh nghiệp KH&CN hiếm hoi của tỉnh này.

Tương tự tại tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện có hơn 7.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có hơn 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng cũng chỉ mới có 3 doanh nghiệp KH&CN được thành lập và có hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo. Đó là: Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn kỹ thuật CSC, Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ & Sản xuất Minh Nhật Việt và Công ty TNHH Nghiên cứu, Ứng dụng KHCN và Môi trường An Sinh.

Hay tại tỉnh Đồng Nai, một trong những địa phương có số lượng doanh nghiệp lớn của nước ta, với khoảng 37.000 doanh nghiệp. Thế nhưng tỉnh này cũng chỉ có 4 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp KH&CN, đó là: CTCP Phát triển công nghệ sinh học Dona - Techno; CTCP Công nghệ nhiệt mặt trời; Công ty TNHH Hồ Giáp Việt và Công ty TNHH MTV Trương Thanh Khoan.

Nguyên nhân do đâu?

Theo ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ thông qua việc tự nghiên cứu, dành những nguồn lực xứng đáng cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp.

Trong số các doanh nghiệp đang hoạt động thì nhiều doanh nghiệp đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của doanh nghiệp KH&CN, song số doanh nghiệp xin cấp giấy chứng nhận vẫn còn thấp. Điều này làm cho số lượng doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh còn khá khiêm tốn so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Hệ thống xử lý nước thải “cứng đầu” với công nghệ AAO + MBBR Công ty TNHH Nghiên cứu ứng dụng KHCN và Môi trường An Sinh (Thừa Thiên Huế) lắp đặt cho khách hàng.

Hệ thống xử lý nước thải “cứng đầu” bằng công nghệ AAO + MBBR, Công ty TNHH Nghiên cứu ứng dụng KHCN và Môi trường An Sinh (doanh nghiệp KH&CN hiếm hoi của tỉnh Thừa Thiên Huế) lắp đặt cho khách hàng.

Còn theo bà Phạm Thị Nhâm, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng, đa số các doanh nghiệp tại địa phương là doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó rất thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, đặc biệt là trong lĩnh vực KH&CN. Do đó nên chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm nhiều đến việc đăng ký thành lập doanh nghiệp KH&CN.

Cũng theo bà Nhâm, trong 6 chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp KH&CN, một số chính sách chưa được cụ thể hóa trong quá trình thực hiện như chính sách được ưu tiên sử dụng các trang thiết bị phục vụ trong phòng thí nghiệm trọng điểm; hưởng ưu đãi về giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp; ưu đãi vay vốn tín dụng đầu tư. Chính sách ưu đãi miễn giảm thuế của Nhà nước đối với doanh nghiệp KHCN còn ngặt nghèo, doanh thu từ sản phẩm KH&CN phải chiếm hơn 30% tổng doanh thu trong khi sản phẩm nghiên cứu cần phải có thời gian để tiếp cận thị trường, doanh thu thấp.

“Chưa cụ thể hóa trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp KH&CN. Và khó khăn khi chứng minh là chủ sở hữu hoặc có quyền sử dụng hợp pháp các kết quả nghiên cứu KH&CN do doanh nghiệp tự bỏ tiền ra nghiên cứu hoặc doanh nghiệp có sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước… làm cho các doanh nghiệp chưa thật sự “mặn mà” trong việc đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN”, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng, nêu khó khăn.

Tại “Hội thảo về phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo” do Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) tổ chức, vừa diễn ra mới đây, các chuyên gia lĩnh vực KH&CN, cho rằng, nguyên nhân doanh nghiệp KH&CN ở các địa phương còn ít bởi họ chưa quan tâm đến các chính sách của hoạt động KH&CN, cũng như đăng ký thành lập doanh nghiệp KH&CN.

“Tại các hội nghị, hội thảo khoa học gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, để công nhận doanh nghiệp KH&CN vô cùng khó khăn. Đặc biệt, khi đã vào vườn ươm hay đăng ký độc quyền sáng chế, doanh nghiệp phải khai báo chi tiết về công nghệ, mô tả sáng kiến của mình nên rất dễ bị mất thông tin, bí quyết quy trình công nghệ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa thấy được nhiều lợi ích khi được công nhận là doanh nghiệp KH&CN, kể cả việc miễn giảm thuế”, một chuyên gia chia sẻ.

Giải pháp nào để phát triển doanh nghiệp KH&CN?

Theo TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế, doanh nghiệp KH&CN là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ KH&CN để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Do đó, doanh nghiệp KH&CN không chỉ là cầu nối ứng dụng KH&CN chuyển giao vào sản xuất mà còn đóng vai trò như một lực lượng sản xuất chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp cho việc xây dựng và phát triển nền kinh tế - xã hội và GDP của đất nước.

“Thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ”

TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ”

Trong bối cảnh cuộc Cánh mạng công nghiệp 4.0 diễn ra sâu rộng thì doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, cũng phải có những bước đi, lộ trình phát triển phù hợp, nhằm đi trước, đón đầu, ứng dụng mạnh mẽ các kết quả KH&CN để nhanh chóng tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, Doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN sẽ là đơn vị đầu tàu trong công tác này.

“Ưu tiên hàng đầu hiện nay là khơi thông các nguồn lực để đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp nhằm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Để tạo môi trường cho doanh nghiệp KH&CN lớn mạnh, tạo vai trò dẫn dắt, nối cầu đưa KH&CN đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như ngành KH&CN đang có nhiều chương trình kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình doanh nghiệp KH&CN; tạo diễn đàn để các doanh nghiệp trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cùng nhau hợp tác phát triển; đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp KH&CN”, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo bà Phạm Thị Nhâm, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng, để phát triển cả về số lượng và chất lượng doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN cần tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh một số cơ chế liên quan như tài chính, thuế, KH&CN để Nghị định 13 được thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch, thuận lợi, tạo động lực cho doanh nghiệp đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

Bà Phạm Thị Nhâm, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng.

Bà Phạm Thị Nhâm, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng, phát biểu tại một cuộc họp.

Bên cạnh đó, cần đồng bộ hóa hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN và đổi mới sáng tạo, gồm: Luật KH&CN; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành… để bảo đảm thực thi được các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển tổ chức trung gian; cơ chế giao quyền sở hữu/quyền sử dụng kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước; cơ chế phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

“Xây dựng, ban hành cơ chế phù hợp tạo sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiếp nhận các kết quả KH&CN mới, cũng là giải pháp quan trọng để hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN”, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng Phạm Thị Nhâm, nhấn mạnh.

Ông Trần Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nghiên cứu ứng dụng KHCN và Môi trường An Sinh (doanh nghiệp KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế): Ra đời khá sớm nhưng đầu năm 2018, Công ty mới được công nhận doanh nghiệp KH&CN. Các mặt hàng chính của Công ty An Sinh là vữa chống thấm bê tông; khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch; xử lý nước thải trong nuôi trồng thủy hải sản; máy vớt bèo tây...

Đặc biệt, trong các sản phẩm trên có hệ thống lọc nước sạch là sản phẩm đã đăng ký, được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích từ năm 2013 đã chuyển giao ứng dụng khá hiệu quả không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà ở Bình Thuận, Hà Tĩnh. Tuy vậy, do nguồn nhân lực mỏng, thiếu vốn nên hoạt động sản xuất của công ty vẫn dừng ở mức nhỏ lẻ.

Hiện khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là cơ sở hạ tầng và nguồn vốn để hoạt động sản xuất. Công ty An Sinh cần sự hỗ trợ từ các ban ngành chức năng để có điều kiện xây dựng mặt bằng nhà xưởng để sản xuất cũng như nghiên cứu các giải pháp công nghệ nhằm chuyển giao cho đối tác có nhu cầu.

Bà Đinh Thị Bích Lân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ và Sản xuất Minh Nhật Việt (doanh nghiệp KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế): Được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN đã tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN vẫn chưa thật sự bắt đúng mạch, hỗ trợ đúng những gì mà doanh nghiệp cần, như vốn, đầu ra cho sản phẩm, kênh thông tin cho người tiêu dùng, chứng nhận chất lượng sản phẩm…

Do đó, ngoài các doanh nghiệp có năng lực, tự nghiên cứu, tự tìm thị trường và đối tác, thì rất nhiều các doanh nghiệp có ứng dụng KH&CN vẫn gặp khó khăn khi họ phải tự tìm kiếm lối đi riêng...

Ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Hồ Giáp Việt (doanh nghiệp KH&CN tại Đồng Nai): Công ty mới được cấp chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, các mặt hàng chính của công ty là máy gieo hạt và bón phân, máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời, sản phẩm đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích và độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

Dù rất được người dân ở nhiều tỉnh, thành tin tưởng, đặt hàng, song do nguồn vốn có hạn nên hoạt động sản xuất của công ty vẫn dừng lại ở mức nhỏ lẻ, chưa thể đầu tư dây chuyền sản xuất hàng loạt, lợi nhuận thu được thấp. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là thiếu vốn để mở rộng sản xuất. Chúng tôi cần sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước để có thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm