Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp khởi sự tăng tốc sau 5 tháng thi hành Luật mới

(DNVN) - Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), sau 5 tháng triển khai Luật Doanh nghiệp 2014 (bắt đầu 1/7/2015), tình hình đăng ký doanh nghiệp của cả nước đã có nhiều dấu hiệu khả quan, cả hai tiêu chí về số doanh nghiệp đăng ký thành lập và số vốn đăng ký đều tăng.

Luật Doanh nghiệp 2014 đã đi vào thực tiễn được gần 5 tháng qua. Tại Nghị quyết số 59 của Chính phủ về triển khai thực hiện Luật DN, Luật ĐT 2014, Chính phủ đã chỉ ra một số những khó khăn trong triển khai là sự bỡ ngỡ của cộng đồng trước các quy định mới tại Luật. 

Chia sẻ về công tác chuẩn bị để việc thành lập DN được thực hiện suôn sẻ, không bị gián đoạn tại thời điểm bắt đầu áp dụng quy định mới, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, Luật Doanh nghiệp 2014 với nhiều cải cách đáng kể, trao quyền tự chủ, quyền tự quyết định nhiều hơn cho doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới kể từ khi Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực liên tục tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế của đất nước.   

 Tính từ 01/7/2015 đến ngày 21/11/2015, đã có tổng số 41,4 nghìn DN đăng ký thành lập, với tổng số vốn đăng ký là 311,8 nghìn tỷ đồng, tăng 36,2% về số doanh nghiệp và 94,5% về số vốn so với cùng kỳ 2014.

Ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp lý hướng dẫn Luật trình Chính phủ ban hành. Bên cạnh đó, Cục tích cực chuẩn bị các nội dung hướng dẫn pháp lý nhằm kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn cơ quan đăng ký kinh doanh địa phương trong việc triển khai Luật, tránh làm gián đoạn, xáo trộn công tác nghiệp vụ, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của người dân, doanh nghiệp. 

Cụ thể, Cục đã chủ trì phối hợp với Bộ Công An, Bộ Tài chính ban hành các hướng dẫn liên quan (khắc dấu, liên thông cấp mã số DN). Bộ KHĐT cũng ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời cho tất cả 63 tỉnh, thành phố (CV 4211/BKHĐT-ĐKKD). Bên cạnh đó, Cục cũng tăng cường hỗ trợ giải đáp vướng mắc của DN, cơ quan ĐKKD thông qua điện thoại, email, văn bản, cử cán bộ xuống địa phương hướng dẫn trực tiếp…

Song song với việc ban hành các văn bản hướng dẫn, công tác tập huấn, đào tạo nghiệp vụ cũng được tổ chức thực hiện cho gần 700 cán bộ ĐKKD để nắm vững những thay đổi về khung pháp lý và áp dụng trong các bước nghiệp vụ.

Về mặt hạ tầng kỹ thuật, Cục đã nâng cấp Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp lên phiên bản 2.0, cho phép cập nhật tất cả các quy trình pháp lý theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Đặc biệt, kể từ 01/7/2015, những thay đổi cơ bản theo quy định tại Luật đã được triển khai áp dụng trên phạm vi toàn quốc như cấp Giấy CNĐKDN cho DN FDI, công bố mẫu dấu DN, ĐKDN qua mạng…Đối với DN FDI, Cục đã chủ động xây dựng phần mềm kết nối ĐKDN và ĐKĐT, chuyển đổi dữ liệu của hơn 17.000 DN FDI vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để việc thực hiện cấp Giấy CN ĐKDN cho DN FDI không bị khó khăn, gián đoạn.

Cũng để chuẩn bị thực hiện quy định của Luật Đầu tư, Cục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ do Lãnh đạo Bộ giao là đầu mối phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện rà soát, tổng hợp Danh mục điều kiện đầu tư, kinh doanh của 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại Luật Đầu tư 2014.

 

Ngày 01/7/2015, Cục đã thực hiện đăng tải Danh mục điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo 16 lĩnh vực quản lý nhà nước. Lần đầu tiên, một danh mục tương đối hoàn chỉnh về hàng nghìn điều kiện đầu tư, kinh doanh được tổng hợp, công khai cho cộng đồng với những hướng dẫn cụ thể, minh bạch, đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp được chủ động tìm hiểu, nghiên cứu về điều kiện đầu tư kinh doanh một cách chính thống, khách quan.

Cũng theo bà Minh, trong công tác đăng ký kinh doanh, những kết quả đạt được được cụ thể hóa tại số liệu về thành lập doanh nghiệp sau 5 tháng triển khai thi hành Luật. Tính từ 01/7/2015 đến ngày 21/11/2015, đã có tổng số 41,4 nghìn DN đăng ký thành lập, với tổng số vốn đăng ký là 311,8 nghìn tỷ đồng, tăng 36,2% về số doanh nghiệp và 94,5% về số vốn so với cùng kỳ 2014. Đặc biệt trong tháng 8/2015, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng trưởng 84% trong khi số vốn đăng ký tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Về đăng ký mẫu dấu doanh nghiệp, số lượng mẫu dấu công khai trên Cổng Thông tin quốc gia về ĐKDN cho đến (21/11/2015) là gần 52 nghìn mẫu dấu. Đây là kết quả bước đầu hết sức tích cực khi người dân, doanh nghiệp đã thể hiện sự tự chủ trong các quyết định về hình thức, nội dung, số lượng con dấu.

Trong 52 nghìn con dấu được công khai trên Cổng, hầu hết các mẫu dấu giữ nguyên hình dạng, kích thước, nội dung như cũ. Một vài DN sử dụng các mẫu dấu với hình dạng đặc biệt hơn như hình vuông,…nhưng vẫn đảm bảo các nội dung trên con dấu theo đúng quy định của Luật. Có thể thấy quy định mới đã được doanh nghiệp, người dân nắm bắt kịp thời và đang dần thích nghi với thay đổi này. Doanh nghiệp cũng tự nghiên cứu, lựa chọn mẫu con dấu để phù hợp, thuận lợi cho công việc kinh doanh, giảm thiểu sự e ngại của đối tác với hoạt động của mình.

Về đăng ký doanh nghiệp FDI, trong 5 tháng qua (tính đến 21/11/2015) đã có 447 doanh nghiệp FDI đăng ký doanh nghiệp trên Hệ thống với tổng số vốn đăng ký là 9322 tỷ đồng, đạt trung bình 20,8 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp.

 

Trong thời gian qua, Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tiếp tục được hoàn thiện nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 cho doanh nghiệp. Hiện nay, Cổng đã có trên 26 triệu lượt truy cập và hàng ngày cung cấp nhiều dịch vụ, tiện ích cho cộng đồng như: số liệu đăng ký doanh nghiệp, tra cứu thông tin DN, DN FDI, công khai mẫu dấu, bố cáo thành lập doanh nghiệp, tra cứu tên DN, tra cứu điều kiện đầu tư, kinh doanh trực tuyến và các dịch vụ thông tin đăng ký doanh nghiệp…

Chia sẻ những khó khăn, thách thức vẫn còn tồn tại mà cơ quan đăng ký kinh doanh phải đối mặt khi thực hiện Luật Doanh nghiệp 2014, lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết vẫn còn tồn tại một số văn bản pháp luật quy định về điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền hoặc chưa được sửa đổi, bổ sung; chưa ban hành Danh mục điều kiện, tỷ lệ vốn đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các quy định tại Luật; một số cán bộ các cơ quan nhà nước chưa hiểu đúng tinh thần của Luật, không hướng dẫn đầy đủ cho DN, trách nhiệm phục vụ người dân và doanh nghiệp chưa cao, còn gây một số phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.

Ngoài ra, trong thời gian qua, nhiều Phòng ĐKKD đã phải chịu áp lực lớn do khối lượng công việc tăng 40% so với trước 01/7/2015; thời gian làm việc kéo dài 10-15 tiếng/ngày. Tổng số hồ sơ đăng ký thay đổi từ 01/7 – 20/11/2015 là 134.570 hồ sơ, tăng 151% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Có thể nói, Luật Doanh nghiệp được thiết kế theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, lấy phần khó về phía nhà nước nên khối lượng công việc của Phòng ĐKKD tăng lên đáng kể. Nhiều công việc trước đây do doanh nghiệp phải làm bây giờ cơ quan nhà nước làm thay cho doanh nghiệp", bà Minh chia sẻ.

 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo