Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp viễn thông vật vã cạnh tranh với OTT

Sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông đang bị đe dọa bởi các dịch vụ gọi thoại trên nền Internet (OTT), đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho cơ quan quản lý.

Khi tham gia vào thị trường viễn thông Việt Nam, các dịch vụ OTT, ví dụ Viber, sẽ phải tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam

 

Đối thủ khó chịu của nhà mạng

 

OTT đã xuất hiện tại Việt Nam nhiều năm trước đây, đầu tiên phát triển ở các thiết bị cố định, ví dụ như Skype, sau đó “bành trướng” sang các thiết bị di động.

 
“OTT đang gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng cho doanh nghiệp viễn thông” – bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) bình luận tại Ngày hội Internet Việt Nam với chủ đề “Kỷ nguyên Online” vừa diễn ra cách đây ít ngày. 
 
Theo bà Mơ, thời điểm hiện tại, sự phát triển của dịch vụ di động băng rộng 3G, 4G, đặc biệt là sự phát triển của smartphone đã khiến OTT phát triển nhanh chóng, đa dạng, thu hút rất nhiều người sử dụng.
 
Thông tin từ các doanh nghiệp viễn thông cho biết, doanh thu trong năm 2013 ở dịch vụ thoại bị giảm 3 - 4% và doanh thu từ dịch vụ SMS giảm từ 10 - 12%, một trong những nguyên nhân bắt nguồn từ sự phát triển của các dịch vụ OTT.
 
Trên thực tế, OTT không chỉ là vấn đề của viễn thông Việt Nam mà là câu chuyện chung của viễn thông toàn cầu trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão. Trong khi các doanh nghiệp viễn thông truyền thống vật vã với bài toán đầu tư hạ tầng, kết nối và dùng chung, tới mức nhiều doanh nghiệp viễn thông nhỏ không thể trụ nổi, ngoài ra còn phải thực hiện các nghĩa vụ công ích…, thì các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT chỉ cần… internet và smartphone. 
 
Tại khu vực đô thị, nơi hạ tầng internet tốt, các dịch vụ OTT như Viber, Zalo… đang là đối thủ đáng gờm của nhà mạng, nơi  nó không chỉ cung cấp dịch vụ tin, thoại mà còn tạo nên những cộng đồng xã hội ảo.
 
“OTT đang cạnh tranh bất bình đẳng, gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông", bà Mơ nói. "Bên cạnh việc được sử dụng các dịch vụ miễn phí, sự phát triển của OTT cũng nảy sinh ra một số vấn đề gây khó chịu cho người dùng như sự xuất hiện của tin nhắn rác hay nguy cơ bị mất thông tin cá nhân. Dịch vụ OTT cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như sự phát triển của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trong xây dựng hạ tầng viễn thông”.
 
Thiết lập “vòng kim cô”
 
Để quản lý lĩnh vực này, mới đây Cục Viễn thông đã đưa ra Dự thảo Thông tư quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng OTT nhằm giúp doanh nghiệp viễn thông tái đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo sự phát triển và tiến hành bảo vệ người dùng.
 
Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, dịch vụ OTT thoại và nhắn tin được xếp vào dịch vụ viễn thông cơ bản. “Điều này phù hợp với quy định của Luật Viễn thông và các cam kết của viễn thông quốc tế” – bà Mơ nói. Theo đó, dịch vụ OTT thoại và nhắn tin sẽ được quản lý theo hai phương án. 
 
Đối với dịch vụ OTT có thu cước phải có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông mới được hoạt động, riêng đối với dịch vụ OTT của doanh nghiệp nước ngoài bắt buộc phải có hợp tác với doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam có giấy phép cung cấp dịch vụ OTT.
 
Điều này phù hợp với cam kết quốc tế và các quy định về đầu tư nước ngoài quy định tại Luật Viễn thông.
 
Còn đối với dịch vụ OTT cung cấp miễn phí thì không cần giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông nhưng phải hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông để đảm bảo chất lượng, tuân thủ một số quyền và nghĩa vụ khác. Như vậy tới đây, để đủ điều kiện hoạt động, các đơn vị cung cấp ứng dụng Viber, Zalo… sẽ phải hợp tác với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam.
 
“Việc quản lý này tạo sự bình đẳng một cách tối đa cho doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đảm bảo quyền lợi giữa các bên và đúng theo cam kết WTO” - bà Lê Thị Ngọc Mơ khẳng định.
 
 
Theo Pháp luật Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo