Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt chưa tự tin khi hội nhập

(DNVN) - Trong số các doanh nghiệp (DN) được Tổng cục Thống kê khảo sát về mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn tỏ ra khá tự ti về năng lực cạnh tranh của mình.

Mới đây, để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các hiệp định này, Tổng cục Thống kê đã tiến hành điều tra chuyên đề nhằm thu thập thông tin đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo - ngành có nhiều DN qui mô lớn, chịu tác động và ảnh hưởng nhiều từ hội nhập quốc tế.

Theo đó, cơ quan thống kê đã chọn mẫu 3.500 doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo bao gồm: 200 DN nhà nước, 100 DN có vốn đầu tư nước ngoài và 2.200 DN ngoài nhà nước để tiến hành điều tra.

Kết quả điều tra cho thấy, có tới 83.9% DN được hỏi ủng hộ Việt Nam tham gia, ký kết các hiệp định thương mại quốc tế (trong đó 53.3% DN rất ủng hộ; 30.6% DN ủng hộ nhưng vẫn lo lắng); chỉ có 0.6% DN hoàn toàn phản đối Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, chỉ có 31.8% DN tự tin cho rằng DN hiện đang mạnh và rất mạnh về chất lượng sản phẩm/dịch vụ (27.5% DN đánh giá tương đối mạnh, 4.3% đánh giá rất mạnh). 

Doanh nghiệp Việt chưa tự tin khi hội nhập.

Về khả năng quản lý của DN, cũng chỉ có 26.4% DN đánh giá mạnh và rất mạnh (22.8% đánh giá mạnh, 3.6% đánh giá rất mạnh). Về giá thành sản phẩm/dịch vụ và nguồn cung ổn định, chỉ có khoảng 25% DN cho rằng DN tương đối  mạnh và rất mạnh.  Về vốn đầu tư, tình hình có vẻ kém khả quan nhất vì chỉ có 17.5% DN cho rằng tương đối mạnh và rất mạnh về vốn.

Trong khi đó, về mong muốn của cộng đồng DN khi tham gia hội nhập quốc tế, có 84.6% DN mong muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính; có 69.4% DN mong muốn được hỗ trợ, cung cấp và hướng dẫn chi tiết thông tin về các hiệp định thương mại quốc tế; có 55.3% DN mong muốn có thông tin về thị trường nước ngoài từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước; có 48.9% DN mong muốn có thông tin về thị trường trong nước.

Theo báo cáo của cơ quan thống kê, các DN Việt Nam dự kiến chiến lược nắm bắt cơ hội từ hội nhập tập trung vào ba lĩnh vực chính: Nâng cao chất lượng sản phẩm; mở rộng SXKD và tìm kiếm thị trường mới.

Máy móc thiết bị, công nghệ là một trong những yếu tố cốt lõi, nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập, trong khi hầu hết các DN Việt Nam hiện đang có công nghệ thấp, nhưng cũng chỉ có 43.9% số DN dự kiến có chiến lược đầu tư, nâng cấp công nghệ trong thời gian tới.

Theo Tổng cục Thống kê, tham gia các hiệp định thương mại quốc tế sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu và thay đổi cơ cấu thị trường xuất, nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn; tạo điều kiện để Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tạo động lực cho khu vực DN Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ và phát triển khả năng sản xuất của nền kinh tế; giúp Việt Nam thu hút được dòng FDI với giá trị lớn hơn và công nghệ cao hơn; tạo cơ hội để các DN Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khi tham gia các hiệp định thương mại quốc tế thì việc hạn chế trong năng lực cạnh tranh quốc gia có thể là nhân tố cản trở Việt Nam khai thác những cơ hội mà hội nhập quốc tế mang lại; sức ép cạnh tranh đối với các DN Việt Nam sẽ tăng lên và nguy cơ thất bại của các DN trên chính thị trường nội địa; Việt Nam sẽ bị giảm nguồn thu ngân sách từ thuế nhập khẩu.

Chính vì vậy, để khu vực doanh nghiệp Việt Nam thành công trong xu thế hội nhập, thực hiện các Hiệp định thương mại quốc tế, ngoài nỗ lực của chính cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước trong việc khai thác tốt nhất những cơ hội và hạn chế tối đa bất lợi từ những thách thức cũng là yếu tố quan trọng, cần được khẩn trương nghiên cứu và thực hiện trong thời gian tới.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo