Hỗ trợ doanh nghiệp

'Cửa mở' cho doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong tâm dịch Covid-19

Dịch Covid-19 đem lại nhiều khó khăn nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nông nghiệp số hoá sản phẩm, biến nguy thành cơ.

Apple thưởng đậm cho một hacker vì tìm ra lỗi trên iPhone / Asus hỗ trợ tuyến đầu chống dịch COVID-19 tại Việt Nam

Trong khó khăn chung của đại dịch Covid-19, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế có cơ hội lớn (Ảnh minh hoạ: Internet)
Trong khó khăn chung của đại dịch Covid-19, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế có cơ hội lớn (Ảnh minh hoạ: Internet)

Trong giai đoạn kinh tế suy giảm do tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp vẫn tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu trong quý I/2020. Điều này cho thấy "sức khỏe" và sức chống chịu của mỗi doanh nghiệp hoàn toàn khác nhau, việc tận dụng hay bị lấy đi cơ hội trong thời Covid-19 hoàn toàn phụ thuộc vào hướng đi của doanh nghiệp

Lấy công nghệ "chọi" dịch bệnh

Tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp vượt qua đại dịch vừa được Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức, các chuyên gia nhận định trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang chịu “tổn thương” lớn nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, công nhân mất việc do tạm dừng hoạt động, trong tâm dịch vẫn có những doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp là “điểm sáng”.

 

Giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh cho biết từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 bùng phát nhưng trong quý I/2020, Tập đoàn vẫn ghi nhận tăng trưởng trên 30-50%. Để có được kết quả đó là nhờ việc áp dụng quản trị, công nghệ vào sản xuất ngay từ đầu nên tác động của dịch bệnh đã giảm đáng kể.

Tập đoàn Phúc Sinh đã tiến hành số hóa kênh phân phối và điều này giúp hệ thống kinh doanh của doanh nghiệp được vận hành nhanh, thích ứng với yêu cầu làm việc trực tuyến, không cần đến trụ sở.

Tương tự, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Hùng Nhơn, chuyên về mảng chế biến nông nghiệp (thịt lợn), cho biết nhân sự của công ty khoảng 1.400 người vẫn nhận đủ lương, thưởng, đi làm theo đúng quy chế về biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Hiện, công ty vẫn làm việc 100% năng suất và sản lượng tại trang trại 100 héc ta. Mỗi ngày bán ra 100 tấn hàng, tiêu thụ 1 triệu quả trứng mỗi tháng. Để bảo đảm cuộc sống cho người lao động trong mùa dịch, công ty có chế độ thưởng theo KPI (hiệu quả công việc) cho công nhân bằng tiền, song song với hoạt động tái cấu trúc một số bộ phận.

Dẫu vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, số lượng các doanh nghiệp ứng dụng số hoá trong sản xuất và tiêu thụ hiện nay chưa cao, chỉ chiếm khoảng 20% tổng số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn còn những diễn biến khó lường, khó đoán khi nào sẽ hết.

 

Thống kê của Bộ NN&PTNN cho thấy, kết thúc quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 9,06 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan này, xuất khẩu những tháng sắp tới sẽ sụt giảm và khó khăn.

Cơ hội số hoá sản phẩm nông nghiệp

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng để giữ được sức tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng tới, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh số hoá nông nghiệp. Bởi hiện nay, hầu hết các quốc gia nhập khẩu nông nghiệp của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Trong đó, Trung Quốc là thị trường "khổng lồ" của nông sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, với nhiều nhóm nông sản như thanh long, dưa hấu có tỷ trọng xuất khẩu lên đến 80%; Mỹ chiếm 23,2% tiếp đến là Nhật Bản và Hàn Quốc...

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện thị trường Trung Quốc hồi phục nhanh sau khi khống chế dịch vào tháng 3/2020 cùng với các chính sách khuyến khích hồi phục đồng bộ quyết liệt. Thị trường Trung Quốc sẽ là khu vực quyết định, chi phối đầu ra sản phẩm nông sản Việt Nam trong năm 2020, lúc này các doanh nghiệp nông nghiệp cần chuẩn bị "quay trở lại".

Vì vậy, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đưa ra các đề nghị VIDA phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về kiểm soát sản xuất, tồn kho hàng hóa... để điều tiết nguồn cung trên thị trường, tránh mất cân bằng. Tiếp đến là kiểm soát truy xuất nguồn gốc, nhân rộng mô hình thương mại điện tử để thay đổi thói quen tiêu dùng.

 

Trong khi đó, tại thị trường Mỹ và EU, tình hình dịch Covid-19 vẫn phức tạp và được dự báo sẽ phục hồi chậm hơn. Tuy nhiên, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết và sắp có hiệu lực, nên đây là thời điểm để các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước cơ cấu lại, phải chuẩn bị nguồn hàng và triển khai các bước số hóa quá trình sản xuất và phân phối để khi dịch bệnh được kiểm soát, hàng hoá sẵn sàng xuất đi bất cứ lúc nào có đơn đặt hàng của đối tác.

“Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tận dụng thị trường nội địa. Bởi hiện nay, việc nhập khẩu hàng hoá vô cùng khó khăn, người dân sẽ quay lại với sản phẩm trong nước, nên chỉ cần tận dụng tốt “miếng bánh” này, doanh nghiệp vẫn sống khoẻ”, giám đốc một doanh nghiệp cho hay.

Ông Phan Thái Trung, Giám đốc Công ty Người làm nông cho biết, doanh nghiệp này đã tiến hành cách thức giao thực phẩm tại các cabinet đặt tại các khu chung cư, hàng hóa được bảo quản mát.

Cư dân chung cư có thể dùng mã QR để mở hộp thư, lấy các món hàng mình đặt và trả tiền mặt hay chuyển khoản. Các mô hình cabinet này rất dễ nhân rộng trong mùa dịch.

Ts. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Rynan (Trà Vinh), cũng là doanh nghiệp ứng dụng ý tưởng sáng tạo về công nghệ đóng gói bằng khí cải tiến, giúp bảo quản thịt heo được 7-12 ngày (sản phẩm thịt mát Dehli của Masan) cũng khẳng định chỉ cần đẩy mạnh số hóa và chuyển giao khoa học, nông nghiệp Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phát triển, tăng trưởng và vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm