Hỗ trợ doanh nghiệp

"Để hàng Việt ưu việt, doanh nghiệp phải bắt đầu bằng cam kết"

DNVN - Đây là chia sẻ của Tiến sỹ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) với báo chí bên lề Hội thảo khoa học "Liên kết - Hành động vì hàng Việt" do VINASME tổ chức mới đây.

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Đề xuất thay đổi khái niệm về doanh nghiệp nhà nước / Đa số doanh nghiệp thuỷ sản sụt giảm lợi nhuận trong quý III/2019


Tại hội thảo, đánh giá kết quả tích cực của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", ông Tô Hoài Nam - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME cho biết, sau 10 năm thực hiện và triển khai Cuộc vận động, nhận thức của người dân nước tay đã thay đổi rõ rệt. Cụ thể, 88% người dân Việt Nam quan tâm đến Cuộc vận động, 67% xác định mua hàng Việt, 52% khuyên người thân mua hàng Việt, 36% chuyển từ hàng ngoại sang hàng Việt.

Cuộc vận động cũng ghi nhận nhiều mô hình điển hình tốt như nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp; Liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa các địa phương, doanh nghiệp; Hình thành câu lạc bộ, nhóm "ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Liên kết giữa doanh nghiệp (DN) với nông dân; Phát triển hệ thống phân phối; Quảng bá hàng Việt gắn với du lịch, văn hóa, lễ hội, hội thảo khoa học...

Bên lề sự kiện, chia sẻ với báo giới, ông Tô Hoài Nam cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với tốc độ thâm nhập và mở rộng thị trường của các hãng phân phối nước ngoài tại Việt Nam ngày càng gia tăng, để không bị thua ngay trên sân nhà, để hàng Việt ngày càng ưu việt và chinh phục được người tiêu dùng thì phải quan tâm đến yếu tố chất lượng và giá cả.


Ông Tô Hoài Nam - Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME phát biểu với báo chí bên lề Hội thảo khoa học "Liên kết - Hành động vì hàng Việt".

"Nếu coi đấy là sản phẩm cuối thì phía trước rất quan trọng, đó là công nghệ, văn hóa hàng hóa của sản phẩm, là sự tôn trọng người tiêu dùng. Tất cả những điều đó phải được thể hiện bằng cam kết rất mạnh mẽ về nhận thức của DN cam kết về chất lượng, giá thành, dịch vụ... Nếu được chọn 1 điểm quan trọng nhất, muốn hàng Việt phát triển và chinh phục được người tiêu dùng phải bắt đầu từ đâu, tôi cho rằng DN phải bắt đầu bằng tính cam kết", ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.

Theo ông Tô Hoài Nam, với cam kết về chất lượng thì buộc yêu cầu DN không thể chạy theo lợi ích trước mắt. Cam kết về chất lượng thì buộc DN phải thay đổi về công nghệ. Cam kết với người tiêu dùng về môi trường thì DN phải biết tôn trọng xã hội. Nếu DN làm 1 sản phẩm mà không quan tâm đến môi trường thì rất dễ bị người tiêu dùng tẩy chay.

Nếu được chọn 1 thì tôi sẽ chọn điểm đó. Nhưng để DN cam kết được thì DN phải có chính sách. Nếu coi chính sách là gốc và thực thi là ngọn thì phải bắt đầu từ chính sách. Và chính sách phải thuộc về cơ quan Nhà nước, phải tạo cho DN môi trường thuận lợi. Khi DN đổi mới sáng tạo, tìm vốn thì NN cố gắng có nguồn vốn, quỹ cho DN, DN phải được tiếp cận với đất đai dễ dàng hơn.

"Nói tóm lại, để làm được điều đó, về phía Nhà nước phải bắt đầu từ chính sách, về phía DN phải bắt đầu bằng sự cam kết. Từ đó mới tạo thị trường tốt, mà thị trường chỉ có giá cả và chất lượng", ông Nam nhìn nhận.

Đánh giá về sự gắn kết, hợp tác giữa các nhà cung cấp, phân phối hiện nay, ông Tô Hoài Nam cho rằng, chưa có nhiều bằng chứng cho thấy đây là quy trình tốt.

"Chúng ta cần đi tìm câu trả lời cho 3 câu hỏi: Người bán hàng quyết định, người mua hàng quyết định hay nhà sản xuất quyết định sự phát triển của hàng Việt? Đây là câu hỏi khó trả lời mặc dù trong nghiên cứu tôi nêu ra tại hội thảo tôi đã nói tới 3 yếu tố này. Nhưng trong mỗi bối cảnh lại khác nhau. Ví dụ ở vùng sâu, vùng xa thì người bán hàng quyết định, còn sự lựa chọn của người tiêu dùng rất ít, muốn mua thì phải về Hà Nội mua. Nhưng ở Hà Nội thì người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, nên người bán hàng không quyết định được, mà phải là người sản xuất với cam kết rất cao về chất lượng và giá cả", ông Nam giải thích.

Với giải thích này, ông Nam cho rằng, nếu chính sách áp dụng ở Hà Nội cũng giống như ở miền núi thì rõ ràng không tìm ra được nhiều kết quả tốt đẹp.

Đề cập tới khó khăn của các DN bán lẻ có quy mô nhỏ và vừa, ông Tô Hoài Nam đánh giá, khó khăn của các DN này là "muôn hình muôn vẻ". Có thể DN đó có 1 sản phẩm tốt trong làng nghề, họ cần nhiều người biết đến nên cần tuyên truyền để xây dựng thương hiệu. Nhưng DN nhỏ đó hoạt động tại một khu đô thị thì họ cần mặt bằng tốt giá rẻ. Trong khi đó, nếu DN ở vùng đồng bằng thuận lợi về đường sông thì họ cần những điều kiện khác. Tương tự, DN ở khu vực trung tâm, khu dân cư bình thường cần những điều kiện khác nhau. Đó là chưa kể có DN gặp khó khăn về công tác thanh, kiểm tra; có DN gặp trở ngại về tài chính, chi phí tuân thủ... Chung quy lại, mỗi DN đều có những khó khăn riêng tùy thuộc vào vùng miền.

Với tư cách là thành viên của TW MTTQ Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo TW Cuộc vận động, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Đẩy mạnh liên kết - hành động vì hàng Việt" vào chiều 15/11/2019. Hội thảo được tổ chức nhằm tìm kiếm được những ý tưởng, mô hình mới, cách làm hay nhằm phát huy cao nhất được tiềm năng, sự sáng tạo và nguyện vọng được cống hiến của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Tại hội thảo, các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp đã tập trung thảo luận, hiến kế, đưa ra các đề xuất, giải pháp, kiến nghị với Đảng, Nhà nước tập trung rà soát, ban hành, bổ sung các cơ chế, bãi bỏ các thủ tục hành chính còn chồng chéo, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa nội địa nhằm tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông phân phối hàng hóa và tiêu dùng. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp; tăng cường xây dựng các hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, nông thôn; sản xuất hóa, dịch vụ có chất lượng cao và xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa thương hiệu Việt đến tay người tiêu dùng, góp phần thực hiện thắng lợi Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".



Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm