Hỗ trợ doanh nghiệp

"Đưa trực tiếp sản phẩm của DN tới tay người tiêu dùng - cách làm thương hiệu bền vững nhất"

DNVN - Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo Xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử Amazon diễn ra sáng 03/3/2020 tại Hà Nội.

Amazon thay thế nhân viên bằng robot bán hàng / Amazon 25 năm trước: Từ cửa hàng sách nhỏ thành gã khổng lồ công nghệ

Hội thảo Xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử Amazon do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Tập đoàn Amazon Global Selling tổ chức nhằm tập trung phổ biến thông tin và hướng dẫn doanh nghiệp nghiệp quy trình và các bước xúc tiến xuất khẩu thông qua Amazon thành công.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, chỉ sau 3 năm từ năm 2015 tới năm 2018, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã tăng từ 4 tỷ USD lên tới 7,8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 30%/năm, và dự đoán năm 2020 sẽ đạt mức 13 tỷ USD. Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam, thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đã trở thành một kênh quan trọng cho việc xuất khẩu và hiện có 32% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy cơ hội lớn từ TMĐT để phát triển xuất khẩu hàng hoá, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp này đang dần chuyển sang lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới với tầm nhìn đa dạng hóa các phương thức xuất khẩu.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại hội thảo.
Theo ông Vũ Bá Phú, hoạt động xúc tiến thương mại thông qua môi trường TMĐT đang đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Amazon là một trong những kênh TMĐT uy tín trên phạm vi toàn cầu. Xuất khẩu hàng hoá thành công thông qua Amazon, các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm đúng với nhu cầu thị trường, hướng đến mở rộng quy mô kinh doanh, nâng cao nhận thức về phát triển sản phẩm và xây dựng hình ảnh cho sản phẩm và doanh nghiệp.
"Với sứ mệnh và tầm nhìn chung trong công tác hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu với thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp, Cục XTTM và Amazon Global Selling đã có những nỗ lực và phối hợp cho các doanh nghiệp trong thời gian qua. Chúng tôi tin rằng Amazon sẽ là cầu nối giúp các doanh nghiệp Việt tiếp cận với TMĐT quốc tế, xuất khẩu và bán hàng trên Amazon dễ dàng hơn, đặc biệt với sự hỗ trợ của đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp", Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh.
Hội thảo hôm nay tập trung vào việc hướng dẫn doanh nghiệp các thông tin cơ bản khi tham gia kinh doanh thông qua Amazon. Sau hội thảo, Cục XTTM và Amazon Global Selling sẽ triển khai 06 khoá đào tạo và tư vấn trực tuyến. Các khoá huấn luyện sẽ tập trung vào hướng dẫn đăng ký tài khoản, hướng dẫn các quy định và chứng từ về chất lượng sản phẩm, đăng ký thương hiệu tại Mỹ, đăng tải và tối ưu hoá sản phẩm, đóng gói vận chuyển, quảng cáo…:
Hội thảo hôm nay cung cấp những thông tin cơ bản về thương mại điện tử, để DN có thể tham gia bán hàng trên Amazon. Sau buổi hội thảo, Cục XTTM và Amazon Global Selling sẽ tổ chức 6 buổi đào tạo trực tuyến và ở những khóa đào tạo đó, DN được cung cấp những kỹ năng chi tiết về tạo lập, quản lý tài khoản; đưa thông tin lên tài khoản như thế nào; đăng ký thương hiệu tại Mỹ; đóng gói vận chuyển; quảng cáo... Thời gian của các khoá học trực tuyến bắt đầu từ ngày 06/03 – 21/04/2020.
Hai bên sẽ đẩy nhanh tiến độ các khóa đào tạo và sẽ tổ chức nhiều phiên hội thảo như thế này tại nhiều địa phương khác nhau về việc ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện hỗ trợ cho các bạn trẻ khởi nghiệp, cho các DN bán hành thành công trên Amazon, hướng tới tương lai phát triển bền vững, XK bền vững thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, qua các nền tảng kỹ thuật số.
"Khi XK được trên Amazon hoặc các nền tảng kỹ thuật số, các bạn có được lợi thế như bán được giá cao hơn, có thể xúc tiến trực tiếp thương hiệu của mình, nhãn hiệu sản phẩm của mình với thị trường, đưa sản phẩm trực tiếp tới tay người tiêu dùng. Rất nhiều DN Việt Nam trong nhiều năm qua đã bán hàng qua Mỹ, châu Âu... Tuy nhiên, chủ yếu là DN sản xuất gia công cho nhà nhập khẩu của nước sở tại. Việc đưa trực tiếp sản phẩm của mình tới tay người tiêu dùng là cách làm thương hiệu bền vững nhất trong giai đoạn hiện nay", ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thông qua thương mại điện tử, ngày 04/12/2019, Bộ Công Thương đã ký Thỏa thuận hợp tác với với Amazon. Cục Xúc tiến thương mại, cơ quan thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến thương mại được Bộ Công Thương giao là đơn vị chủ trì triển khai các hoạt động tư vấn, tổ chức sự kiện, đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị hàng hóa, sản phẩm để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong thời đại công nghiệp 4.0.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm