"Phủ sóng" hóa đơn điện tử: Rất cần chính sách riêng cho DNNVV
DNVN - "Để hóa đơn điện tử (HĐĐT) được triển khai rộng rãi đến với doanh nghiệp, đặc biệt là khối các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đáp ứng tiến độ Nghị định 119/NĐ-CP của Chính phủ đã đề ra, rất cần xây dựng chính sách riêng cho khu vực DNNVV và các hộ kinh doanh”.
Doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi hóa đơn điện tử / Doanh nghiệp cần biết: Lộ trình bắt buộc thực hiện hóa đơn điện tử
Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội (Hanoisme) đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Doanh nghiệp Việt Nam xung quanh câu chuyện cần thiết tháo gỡ vướng mắc của DN, đặc biệt là cộng đồng DNNVV, trong triển khai HĐĐT.
HĐĐT giảm 80% chi phí so với hóa đơn thường
Phó Chủ tịch Hanoisme khẳng định: HĐĐT ra đời nhằm nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính và thủ tục quản lý thuế, phục vụ DN được tốt hơn, đặc biệt là thủ tục quản lý, sử dụng hóa đơn, hướng tới hoạt động quản lý hóa đơn thống nhất, dễ thực hiện hơn. Trong xu hướng giao dịch mua bán, thanh toán bằng hình thức điện tử ngày càng phát triển, đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển HĐĐT, góp phần mang lại những lợi ích cho DN.
Để tối ưu hóa lợi nhuận, các DN đang cắt giảm chi phí sản xuất, hoạt động vận hành để nâng cao năng lực cạnh tranh…, trong đó có việc sử dụng HĐĐT là một giải pháp hữu hiệu.
“Đơn cử như khi nói đến chi phí trung bình để phát hành hóa đơn, nếu áp dụng HĐĐT, thì chi phí của DN để thực hiện phát hành hóa đơn giảm được rất nhiều so với trước đây, theo các chuyên gia tính toán có thể giảm được tới 80% chi phí”, ông Mạc Quốc Anh nói.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hanoisme.
Bên cạnh đó, số lượng hóa đơn xuất ra hàng tuần, hàng tháng thường khá lớn, do đó ngoài việc cắt giảm được lượng lớn thời gian, chi phí thì sử dụng HĐĐT còn giúp công tác đối chiếu hóa đơn diễn ra nhanh chóng và tránh được rất nhiều sai sót. Mặt khác, trước đây khi dùng hóa đơn giấy, nếu viết sai thì sẽ phải thực hiện sửa chữa rất phức tạp nhưng khi dùng HĐĐT, kế toán có thể sửa lại sau đó một cách dễ dàng.
Cùng với việc tiết giảm chi phí, việc sử dụng HĐĐT góp phần ngăn chặn hóa đơn giả. Cụ thể, việc đồng loạt triển khai HĐĐT không chỉ là cơ hội để cắt giảm, tiết kiệm tối đa chi phí cho DN, đồng bộ ứng dụng công nghệ mà còn minh bạch hóa hoạt động của DN, tạo ra hệ sinh thái đầu tư – kinh doanh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh tế. Đặc biệt, sử dụng HĐĐT còn giảm thiểu tối đa khả năng hóa đơn bị làm giả, hóa đơn khống nhằm mục đích mập mờ doanh thu, gian lận thuế; từ đó tạo niềm tin cho khách hàng, đối tác của DN.
“Việc triển khai HĐĐT tại các DN thời gian vừa qua đã mang lại những tác động tích cực tới hệ thống tài chính nói chung và cơ quan thuế nói riêng. Cộng đồng DN kỳ vọng việc triển khai HĐĐT sẽ giảm chi phí cho DN, và điều đó đã trở thành hiện thực. Theo tính toán của các chuyên gia, HĐĐT ra đời đã cắt giảm tới 70% các bước quy trình phát hành và 90% các tranh chấp liên quan đến hóa đơn, rút ngắn tới 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn, tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn...”, Phó Chủ tịch Hanoisme nhấn mạnh.
Cần hỗ trợ ban đầu cho DNNVV sử dụng HĐĐT
Lợi ích thì đã rõ, tuy nhiên, khá nhiều DN vẫn còn e dè chưa thực sự muốn chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT với khá nhiều lý do khác nhau. Đề xuất giải pháp triển khai đồng bộ HĐĐT, đặc biệt là việc đưa HĐĐT đến với khối các DNNVV, ông Mạc Quốc Anh cho rằng: “Cần xây dựng chính sách riêng cho khu vực DNNVV và các hộ kinh doanh”.
Lý giải cho đề xuất này, ông Mạc Quốc Anh cho biết, hầu hết các DN ở khu vực này đều thuộc nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ, cơ sở vật chất, hạ tầng, con người…, chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản để triển khai sử dụng HĐĐT. Hiện khu vực DNNVV đang chiếm tỷ lệ hơn 97% tổng số DN trong nền kinh tế quốc dân đã và đang có đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước.
Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ giúp đỡ cho các DNNVV, hợp tác xã tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt về kinh phí đào tạo thậm trí trang thiết bị ban đầu để họ có điều kiện triển khai áp dụng HĐĐT.
Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực nộp thuế điện tử, kê khai thuế qua mạng, hoàn thuế điện tử đã hỗ hỗ trợ tối đa cho DN, tạo được sự hài lòng của người nộp thuế, đây cũng là tiền đề giúp cho việc triển khai HĐĐT được thuận lợi.
Trong thời gian tới, ngành thuế cần tập trung nguồn lực tuyên truyền rộng rãi đến các DN về lợi ích cũng như sự thuận lợi khi áp dụng HĐĐT, đồng thời phối hợp với các nhà cung cấp tổ chức nhiều cuộc hội nghị hướng dẫn cụ thể, chi tiết đến các tổ chức, DN các bước chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và các thao tác lập, sử dụng HĐĐT. Qua các cuộc hội nghị, mọi vướng mắc, khó khăn của người nộp thuế cần được giải đáp và tháo gỡ ngay.
Ngoài ra, cơ quan thuế các tỉnh, thành phố cần thành lập tổ triển khai, công khai số điện thoại hỗ trợ trực tiếp cho DN trong quá trình thực hiện HĐĐT. Qua đó, tạo sự kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, giải quyết các vấn đề về chi phí và lộ trình áp dụng HĐĐT.
Đề xuất giải pháp cho DN, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ, để không bị tụt hậu trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa cũng như theo kịp xu thế, các DN cũng cần phải chủ động tìm hiểu và áp dụng các công nghệ hiện đại trong quá tình vận hành. Bởi sự phổ biến và phát triển ngày càng mạnh mẽ cũng những lợi ích vượt trội của các ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và HĐĐT nói riêng sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng quản lý, quản trị tài chính của DN giúp DN tránh được những rủi ro không đáng có xảy ra, qua đó giúp DN phát triển bền vững.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo