Hỗ trợ doanh nghiệp

7 hiệp hội kiến nghị Chính phủ gỡ vướng về phòng cháy chữa cháy

DNVN - 7 hiệp hội doanh nghiệp vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch VCCI, Bộ trưởng Xây dựng và Bộ trưởng KH&ĐT phản ánh khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy. Từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp.

Luật Thẩm định chuỗi cung ứng: Thách thức hay cơ hội với doanh nghiệp Việt? / “Thang Loi Fun Run 2023”: Giải đấu đong đầy cung bậc cảm xúc

Nhiều vướng mắc
7 hiệp hội doanh nghiệp (DN) gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP Hồ Chí Minh.
Theo các hiệp hội, gần đây, các văn bản quy phạm pháp luật và quy chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC) liên tục được ban hành, sửa đổi nhằm mục đích phòng tránh rủi ro, bảo vệ quyền lợi và tài sản của DN.
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành, áp dụng thực tiễn đã phát sinh nhiều khó khăn, bất cập, làm gia tăng gấp nhiều lần thời gian, chi phí, và tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Do vậy, rất nhiều DN phải tạm dừng hoạt động. Hàng ngàn nhà xưởng xây mới hoặc cải tạo nhưng không thể đưa vào hoạt động do không đáp ứng kịp sự thay đổi của chính sách, không thể kiểm định, cấp phép PCCC. Điều này làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh chung của Việt Nam.
Ngày 5/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 220/CĐ-TTg về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC. 6 ngày sau đó, Bộ Xây dựng ban hành công văn số 1397/BXD-KHCN về việc ý kiến thống nhất một số nội dung hướng dẫn QCVN 06:2022/BXD.
7 hiệp hội đã chỉ ra một loạt vướng mắc, tồn tại trong các quy định về PCCC.

"Mặc dù các văn bản mới này đã phần nào tháo gỡ khó khăn nhưng thực tế vẫn còn nhiều vấn đề còn tồn tại, chưa được giải quyết triệt để rất cần được xem xét điều chỉnh, bổ sung", các hiệp hội phản ánh.
7 hiệp hội đã chỉ ra một loạt vướng mắc, tồn tại trong các quy định hiện nay. Chẳng hạn, theo Quy chuẩn 06:2022/BXD và Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2622:1995, cơ sở sản xuất kinh doanh phải nâng bậc chịu lửa cho công trình. Trong khi đó, hướng dẫn đạt được giới hạn bậc chịu lửa thì chưa được phổ biến cụ thể.
Khâu xin thẩm duyệt PCCC thường mất nhiều thời gian do khó đáp ứng các tiêu chuẩn mới. Ví dụ sơn chống cháy đối với các cấu kiện như cột và khung kèo chính…
Việc thay đổi chính sách quá nhanh đã ảnh hưởng tới các kế hoạch đầu tư của DN do không theo kịp các quy định mới, tác động đặc biệt đối với DN sản xuất kinh doanh có sử dụng nhà xưởng…
Theo TCVN 3890 - 2023, đối với kho lạnh diện tích từ 300 m2 trở lên cần trang bị báo cháy tự động. Trong khi các kho lạnh thủy sản nhiệt độ làm việc trung bình từ -200C đến -250C, không có hệ thống báo cháy tự động nào chịu được. Kho lạnh thường có diện tích lớn, đầu tư rất tốn kém.
Các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy bắt buộc áp dụng nhưng không công khai miễn phí mà DN phải mua bản cứng hoặc bản điện tử dưới dạng truy cập hạn chế từ Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam.
Thêm vào đó là việc phân loại rủi ro chưa khoa học, chưa theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Điều kiện quá khắc nghiệt và làm tăng chi phí quá mức cho DN.
Nhanh chóng xã hội hóa việc kiểm định
Trên cơ sở đó, 7 hiệp hội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét một số nội dung. Cụ thể, đối với vật liệu, cấu kiện PCCC, đề nghị nhanh chóng công bố và cấp phép cho nhiều sản phẩm đủ tiêu chuẩn PCCC để DN có nhiều thông tin để lựa chọn sản phẩm phù hợp. Đề nghị ưu tiên các sản phẩm trong nước tự sản xuất theo tiêu chí “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.
Tất cả các sản phẩm đã được cấp phép và công bố thì đương nhiên đủ tiêu chuẩn theo chất lượng nhà sản xuất chịu trách nhiệm trước pháp luật, không cần phải kiểm định lại tại nơi lắp đặt gây tốn thời gian và chi phí xã hội.
Chính phủ nên nhanh chóng xã hội hóa công tác kiểm định, thẩm duyệt, nghiệm thu công tác PCCC để đẩy nhanh công tác xét duyệt hồ sơ, đưa công trình vào sản xuất kinh doanh, tạo sản phẩm cho xã hội.
Đối với các công trình đã hoàn thành, công trình dở dang hoặc công trình đã được xét duyệt dự toán, phương án PCCC thì được áp dụng theo các tiêu chuẩn trước đó, không làm thay đổi kế hoạch đầu tư của DN.
Đối với nhà xưởng trong các khu chế xuất, các cụm công nghiệp, khu công nghiệp cần cho phép sử dụng chung hệ thống PCCC của Ban Quản lý khu công nghiệp xây dựng. Theo đó, các quy chuẩn về bể nước chữa cháy, hệ thống giao thông, bãi đậu xe, khu tập trung lánh nạn… được kết nối chung toàn khu hoặc nhóm nhà xưởng, giảm chi phí đầu tư của từng DN.
Công tác góp ý, thẩm định thiết kế, thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm tra PCCC không phụ thuộc vào các điều kiện về pháp lý đất đai như công trình xây dựng trên đất thuê, đất đang hoàn thiện pháp lý… mà căn cứ thực tế tồn tại của công trình. Điều này cũng góp phần sử dụng hiệu quả các công trình đã hoạt động trước nay.
Trong thời gian chờ sửa đổi các quy định và quy chuẩn PCCC, chỉ khuyến khích các DN có điều kiện áp dụng quy định mới ban hành, các DN khác được tiếp tục áp dụng các quy định, quy chuẩn cũ.
Đặc biệt, 7 hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng nhanh chóng xem xét, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị và so sánh thực tế, sớm xây dựng và ban hành văn bản pháp luật mới như thông tư, nghị định thay thế các quy định cũ với tinh thần “các quy định PCCC phải bảo đảm an toàn về người và tài sản nhưng không làm ảnh hưởng và kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế”.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm