Hỗ trợ doanh nghiệp

70% doanh nghiệp da giày thiếu thị trường xuất khẩu

DNVN - Theo bà Phạm Thị Thanh Xuân- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giầy, túi xách Việt Nam, trong hơn 2.000 doanh nghiệp (DN ) da giày, mới chỉ 30% DN lớn tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách thuận lợi, 70% DN nhỏ và vừa còn lại vẫn đang thiếu thị trường và nguồn lực để tiếp tục phát triển các hoạt động xuất khẩu.

Hành động quyết đoán để tháo gỡ vướng mắc cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam / Doanh nghiệp nhận thức tốt về tăng trưởng xanh nhưng thiếu tiềm lực tài chính

Chủ trương đúng đắn
Ngày 14/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1415/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030" (Đề án).
Mục tiêu chính của Đề án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.
Tại Hội nghị triển khai Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 về Đề án "Thúc đẩy DN Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030" sáng 22/2 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, xung đột thương mại, khủng hoảng năng lượng, lạm phát vẫn đang tác động sâu sắc tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung hàng hóa trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá tầm quan trọng của giữ vững ổn định hệ thống cung ứng và thị trường tiêu thụ.
Hơn bao giờ hết giữ vững ổn định hệ thống cung ứng và thị trường tiêu thụ, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày như nông sản, thực phẩm... là nhu cầu cấp thiết của các tập đoàn phân phối cũng như của các DN xuất khẩu Việt Nam.

Theo bà Phạm Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giầy, túi xách Việt Nam, đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua đã tác động lớn đến chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến ngành, việc làm của DN.
Việc đa dạng nguồn cung, thị trường xuất khẩu là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, qua đó giúp cho ngành xuất khẩu, trong đó có ngành da giày, có thêm cơ hội mở rộng thị trường.
70% DN nhỏ và vừa thiếu thị trường
Bà Phạm Thị Thanh Xuân phản ánh, tình hình hiện nay của ngành da giày khá khó khăn khi đơn hàng giảm sút. Đơn hàng xuất khẩu tháng 1 giảm tới 30%.
Trong hơn 2.000 DN da giày có khoảng 800 DN đã xuất khẩu thành công và tham gia vào chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, chỉ có 30% DN lớn tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách thuận lợi, 70% DN nhỏ và vừa còn lại vẫn đang thiếu thị trường và nguồn lực để tiếp tục phát triển các hoạt động xuất khẩu.
Do đó, ngành da giày, túi xách hi vọng Đề án sẽ giúp các DN có thêm cơ hội thị trường. Với việc mở ra các mạng lưới phân phối trực tiếp ra nước ngoài, thực sự đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho các DN nhỏ và vừa.

DN da giày khá khó khăn khi đơn hàng giảm sút.
"DN cùng cơ quan quản lý cũng như các nhà phân phối nước ngoài phải có chiến lược phát triển song hành. Cần có hoạt động nội hàm mang tính hỗ trợ, tương tác để phía DN Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các chuỗi bán lẻ cũng như DN đủ khả năng cải thiện năng lực nội tại. Các hoạt động như cung cấp thông tin, đào tạo, đặc biệt là phát triển thị trường, mẫu mã cần phải được tập trung để giúp các DN phát triển bền vững", bà Phạm Thị Thanh Xuân kiến nghị.
Đại diện một số Sở Công Thương đưa ra những đề xuất cụ thể về phương thức triển khai trong thời gian tới để Đề án đạt được hiệu quả cao nhất.
Ông Nguyễn Thành Huân- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang kiến nghị, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh An Giang được tiếp cận mạng lưới chuyên gia tư vấn xuất khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung trao đổi, tìm hiểu thông tin và nhận được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp từ các chuyên gia về thị trường, xuất khẩu, marketing, xây dựng thương hiệu.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Các tập đoàn phân phối lớn như AEON, Walmart, Amazon, Carefour, Central Retail... có mặt tại hội nghị đều bày tỏ luôn sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp, hiệp hội, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam để xây dựng nguồn cung phong phú, lâu dài, bền vững và có sức chống chịu cao trước mọi biến động của thị trường.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kỳ vọng, trong thời gian tới, các tập đoàn phân phối, các đầu mối thu mua nước ngoài đang có mặt tại đây sẽ phát huy hơn nữa thế mạnh và vai trò Đối tác chiến lược của Chương trình để triển khai hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hay nói cách khác cũng là đồng hành cùng các doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam để xây dựng nguồn cung phong phú, lâu dài, bền vững và có sức chống chịu cao trước mọi biến động của thị trường cho chính mình.
Với sự phối hợp bài bản và hiệu quả của các bên tham gia, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các Sở Công Thương và doanh nghiệp, Đề án được kỳ vọng sẽ xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh có khả năng thâm nhập ngày càng sâu vào hệ thống phân phối của khu vực và thế giới.
Để triển khai hiệu quả Đề án trong thời gian tới, Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của Đề án, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ đang có hiện diện tại Việt Nam hoặc quan tâm tới chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam.
Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp nhiều tiềm năng này.
Cùng với việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, Bộ Công Thương tiếp tục huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng các giải pháp tài chính đa dạng...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm