Hỗ trợ doanh nghiệp

8 vướng mắc cần được tháo gỡ của doanh nghiệp thủy sản

DNVN - Lạc quan trước những thành công đạt được trong năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp (DN) thủy sản vẫn đối mặt với nhiều vướng mắc, mong được cơ quan thẩm quyền xem xét tháo gỡ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hợp pháp và hợp lý.

Khơi thông nguồn lực đầu tư kinh doanh: Kỳ vọng vào cách làm mới, quyết sách kịp thời / Doanh nghiệp kỳ vọng tiếp cận vốn vay tốt hơn

2022 là năm thành công
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các DN thủy sản đã trải qua năm 2022 khó khăn nhưng thành công, một phần nhờ môi trường kinh doanh đã có một số cải thiện thuận lợi hơn cho sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu của DN thủy sản.
Trong đó, Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung các Thông tư về kiểm dịch thủy sản, trong đó đã bãi bỏ quy định kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh dùng làm thực phẩm nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu. Sau 7 năm kiến nghị, Thông tư 06/2022 là kết quả của sự kiên trì và thành công của VASEP và các DN thủy sản.
Năm 2022 cũng đánh dấu một năm thành công của VASEP trong vận động chính sách liên quan một số nội dung của Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Sau nhiều kiến nghị, ngày 10/1/2022, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, trong đó trên 70% các kiến nghị của các hiệp hội đã được Chính phủ tiếp thu, sửa đổi.

Dù thành công trong năm 2022 nhưng các doanh nghiệp thủy sản vẫn đối mặt với nhiều vướng mắc cần tháo gỡ trong năm 2023.
Bên cạnh đó, VASEP với nhiều hiệp hội ngành hàng khác đã cùng kiến nghị các vấn đề liên quan đến thu phí sử dụng hạ tầng, dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cảng biển tại TP Hồ Chí Minh và Dự thảo Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở. Kết quả là TP Hồ Chí Minh đã giải quyết một phần các kiến nghị của các hiệp hội như giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu khi mở tờ khai ngoài TP Hồ Chí Minh xuống ngang bằng với mức thu phí khi DN mở tờ khai tại TP Hồ Chí Minh, giảm mức phí đối với hàng gửi kho ngoại quan, hàng chuyển khẩu từ ngày 1/8/2022.
Quốc hội đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó đáp ứng kiến nghị của VASEP là không áp dụng quy định về Ban Thanh tra Nhân dân cho các DN và tổ chức tư nhân.
8 vướng mắc
Hiệp hội này đánh giá, dù ghi nhận những thành công trong năm 2022, nhưng phía trước vẫn còn những vướng mắc tồn tại cũng đã lâu mà VASEP và DN sẽ phải tiếp tục đồng hành để kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét tháo gỡ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hợp pháp và hợp lý.
Theo VASEP, cộng đồng DN ngành thủy sản đối mặt với 8 vướng mắc lớn, cần tháo gỡ trong năm nay.
Thứ nhất, vướng mắc về quy định ngưỡng phospho tại QCVN 11-MT:2015 cho nước thải chế biến thuỷ sản cũng như tại Dự thảo QCVN nước thải công nghiệp 2021 là quá nghiêm ngặt và chưa có quy định riêng về tiêu chuẩn nước thải ao nuôi tôm, cá tra thâm canh.
Thứ hai, bất cập về việc bùn thải thủy sản chưa được phân loại là mã TT-R - mã cho chất thải rắn công nghiệp thông thường)
Thứ ba, bất cập về quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.
Thứ tư, vướng mắc về quy định sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm quy định tại NĐ 09/2016/NĐ-CP đến nay vẫn chưa được sửa đổi và chưa nhận được phản hồi cụ thể từ Bộ Y tế
Thứ năm, liên quan đến ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm, Bộ Y tế đang lấy ý kiến cho dự thảo, trong đó có nhiều quy định chưa phù hợp với khu vực và quốc tế, chưa phù hợp với nguyên tắc quản lý rủi ro, không phù hợp với Nghị định 111/2021/NĐ-CP, thực tiễn Việt Nam, và thông lệ quốc tế. Theo đó, gây tốn kém, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa tiếp thu các góp ý của các hiệp hội ngành hàng thực phẩm. Đến nay, Bộ chưa đưa ra thêm dự thảo mới nhưng cũng chưa ban hành thông tư này.
Thứ bảy và tám, quy định mức thu kinh phí công đoàn 2% quỹ lương và quy định tỷ lệ đóng BHXH cao đang là gánh nặng chi phí với DN. Hai vướng mắc này đều được VASEP và các hiệp hội nhiều lần có văn bản kiến nghị và trao đổi tại các cuộc họp với Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và xã hội nhưng chưa được xem xét.
VASEP cho rằng, năm 2023 được dự báo là năm khó khăn đối với DN xuất khẩu vì kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và thực phẩm. Cộng đồng DN kỳ vọng môi trường kinh doanh trong nước sẽ bớt áp lực hơn với DN, để sức khỏe doanh nghiệp được duy trì ổn định đối phó với lạm phát và các chi phí đầu vào tăng cao và để có đà hồi phục khi thế giới ổn định trở lại.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm