Quốc tế hóa tiêu chuẩn trong nước để doanh nghiệp hữu cơ thâm nhập thị trường khó tính
DNVN - Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam (VOAA) kiến nghị Nhà nước có các hoạt động hỗ trợ để hài hòa hóa các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế, qua đó phục vụ tốt hơn cho xuất khẩu. Hiện, tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam mới chỉ đang tham gia quá trình hài hoà hóa tiêu chuẩn với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.
Khơi thông nguồn lực đầu tư kinh doanh: Kỳ vọng vào cách làm mới, quyết sách kịp thời / Phát huy phong cách người Đà Lạt trong kinh doanh
Sản lượng sản xuất chưa cao
Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại (XTTM) với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 31/1 tại Hà Nội, ông Phạm Minh Đức - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam chia sẻ, thành lập vào năm 2011, VOAA luôn coi hoạt động XTTM là hoạt động trọng tâm, là đầu kéo để phát triển ngành song song với một số hoạt động thúc đẩy sản xuất, vận động chính sách và giám sát chứng nhận hữu cơ Việt Nam.
Hiện VOAA được Cục XTTM hỗ trợ để tổ chức các đoàn DN có chứng nhận hữu cơ ở châu Âu dự Hội chợ quốc tế Biofach tại Đức. Kể từ năm 2019, số lượng DN, sản phẩm và giá trị hợp đồng ký được tại hội chợ liên tục tăng qua các năm.
Đánh giá về khó khăn, thuận lợi trong hoạt động XTTM của hiệp hội thời gian qua, ông Phạm Minh Đức cho biết, VOAA là hiệp hội đa ngành với đặc thù là có nhiều sản phẩm. Do đó, có nhiều lợi thế để tạo hệ sinh thái riêng cho các sản phẩm nông sản chất lượng cao của Việt Nam.
Ông Phạm Minh Đức - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam phát biểu tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại (XTTM) với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023.
Hiện, các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều đã có chứng nhận hữu cơ để xuất khẩu theo tiêu chuẩn EU và Mỹ như tôm, sữa, gạo, hạt điều, hồ tiêu, chè, cà phê... và một số gia vị đặc biệt.
Tuy nhiên, sản lượng sản xuất của ngành hữu cơ chưa lớn. Do đó, hiệp hội vẫn cùng Bộ NN&PTNT tiếp tục đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất cho các DN.
Thực tế hiện nay cho thấy, phần lớn sản phẩm xuất khẩu của các DN ở dạng nguyên liệu thô. Phần lớn các DN này đã phát triển được các sản phẩm cao cấp đóng gói có thương hiệu nhưng thực tế chưa tiếp cận được sâu vào thị trường người tiêu dùng cuối cùng. Một số DN phát triển sản phẩm để tiếp cận các trang XTTM qua Amazon, Alibaba nhưng chưa được nhiều.
Về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong đại dịch COVID-19, do sản phẩm nông nghiệp không thay thế được nên về cơ bản nhu cầu không giảm, đặc biệt là thị trường châu Âu.
Gần đây, xuất khẩu sang thị trường châu Âu bắt đầu giảm tốc sau gần 20 năm tăng trưởng 12 - 18% mỗi năm và tăng liên tục. Đến năm 2022 giá trị xuất khẩu đạt 260 tỷ USD so với năm 2015 chỉ vào khoảng 80 tỷ USD. Mặc dù xuất khẩu sang các nước châu Âu giảm tốc nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng từ 2 - 5% đối với sản phẩm hữu cơ.
Trước đây, các sản phẩm hữu cơ chủ yếu xuất hiện ở siêu thị, các cửa hàng cao cấp thì nay đã chuyển sang có mặt nhiều ở các siêu thị, cửa hàng bình dân. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển ngành hữu cơ vẫn còn rất lớn.
Cần Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn
VOAA mong muốn được Cục XTTM, Bộ Công Thương hỗ trợ để xây dựng chiến lược XTTM cho hiệp hội có đa dạng sản phẩm.
Về các tiêu chuẩn hữu cơ, hiện Mỹ và Châu Âu chưa chấp nhận các chứng nhận tại Việt Nam. Do đó, VOAA mong muốn Nhà nước có các hoạt động hỗ trợ để hài hòa hóa các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế, qua đó phục vụ tốt hơn cho xuất khẩu. Hiện nay, tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam mới chỉ đang tham gia quá trình hài hóa tiêu chuẩn với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu là những thị trường lớn nhất lại chưa được họ chấp nhận.
Ngoài ra, các DN thành viên VOAA mong muốn tiếp cận khách hàng là các nhà phân phối bán lẻ có thương hiệu và cần có câu chuyện của người sản xuất Việt Nam bởi vì phần lớn hàng xuất khẩu là hàng thô cho các DN nhập khẩu để họ tái xuất.
VOAA kiến nghị Cục XTTM và Bộ Công Thương hỗ trợ để ngành hữu cơ Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với thị trường Bắc Mỹ, đặc biệt là Thương vụ tại Mỹ và Canada, bởi đây là hai thị trường hữu cơ lớn nhất thế giới, chiếm tới gần 50% thị trường toàn cầu.
Theo quan sát của các DN, các DN Mỹ thường nhập khẩu nguyên liệu hữu cơ từ châu Âu, sau đó tiến hành đóng gói và bán lẻ tại thị trường Mỹ. Châu Âu có độ tin cậy cao trong kiểm soát dư lượng hóa chất vật tư đầu vào. Còn các sản phẩm của Việt Nam chưa thực sự được các DN Mỹ tin tưởng.
Về XTTM trong nước, theo Phó Chủ tịch VOAA, các sản phẩm hữu cơ đã có hành lang pháp lý từ năm 2018, hiện rất nhiều người Việt cũng rất muốn sử dụng sản phẩm hữu cơ nhưng hoạt động XTTM chưa được quan tâm. Do đó, hiệp hội mong muốn Bộ Công Thương hỗ trợ thêm để người tiêu dùng trong nước biết đến và sử dụng nhiều hơn các sản phẩm hữu cơ.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo