Hỗ trợ doanh nghiệp

Khơi thông nguồn lực đầu tư kinh doanh: Kỳ vọng vào cách làm mới, quyết sách kịp thời

DNVN - Thời gian qua, môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện, tạo hành lang pháp lý nhất quán linh hoạt để giúp doanh nghiệp (DN) tăng khả năng tự chủ trong hoạt động. Tuy vậy, vẫn còn khá nhiều các điều kiện đầu tư định tính, thiếu rõ ràng, khiến DN trì trệ, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng.

Khu du lịch văn hoá tâm linh đón hàng nghìn du khách trong năm mới / Đà Nẵng: Thu hút vốn FDI tiếp tục giảm sút, nhiều doanh nghiệp FDI gặp khó

Nhận diện những thủ tục chồng chéo
Luật Đầu tư 2020 mặc dù được kỳ vọng là một đạo luật lớn giúp cởi bỏ nhiều nút thắt, tạo cơ chế thông thoáng thu hút được nguồn lực đầu tư cho hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Thế nhưng lại đang phát sinh một số vướng mắc, bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư, sản xuất kinh doanh của DN và công tác quản lý Nhà nước về đầu tư.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh cho DN Nhà nước là mối quan tâm đặc biệt của Chính phủ trong những năm trở lại đây. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính những DN Nhà nước lại chịu nhiều ràng buộc, gặp nhiều rào cản, vướng mắc pháp lý hơn là DN tư nhân trong quá trình đầu tư kinh doanh, làm lãng phí tiềm năng và nguồn lực vượt trội của khối DN Nhà nước.
"Nếu chúng ta quá khắt khe về quy trình thủ tục, phải đầy đủ các quy chuẩn thì DN sẽ mất cơ hội", ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), người có nhiều năm kinh nghiệm tham mưu cho Chính phủ xây dựng các chương trình về cải cách thể chế cho biết, chúng ta đã nhận diện những thủ tục chồng chéo, không rõ ràng, không cụ thể trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường. Điều này tạo rào cản cho DN và chúng ta đang cố gắng tháo bỏ.
Nói rõ hơn về chất lượng quy định về đầu tư kinh doanh, bà Vũ Châu Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) chia sẻ, dưới góc độ điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật đầu tư năm 2014 và năm 2016, số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo pháp luật là 243 ngành. Sau khi Luật Đầu tư 2020 được sửa đổi, số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh giảm xuống còn 227. Đây là điểm tiến bộ của pháp luật.
Dù vậy, việc thiết kế tên ngành (mô tả ngành) chưa hoàn toàn cụ thể, chính xác. Về điều kiện trong từng ngành, đa số các điều kiện đã rõ ràng nhưng một số điều kiện còn mang tính chất chung chung. Ví dụ như tiêu chuẩn về có đạo đức tốt, sức khỏe tốt - những điều kiện không thể định lượng được cũng gây ra khó khăn cho DN trong quá trình hoạt động.
Doanh nghiệp trì trệ vì quy định
Việc khơi thông nguồn lực từ phía DN Nhà nước được coi là 1 trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn những quy định gây khó cho khối DN này.
Ông Phạm Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN đánh giá, qua thời gian theo dõi và thực thi quyền trách nhiệm cơ quan chủ sở hữu, thấy rằng cần phải trả lại cho DN Nhà nước nhiều quyền hơn về kinh doanh. Qua đó giảm thiểu thời gian DN phải trình, và xin phép cấp trên trước khi hoạt động kinh doanh và đầu tư.

Ông Phạm Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN.
Thay vì việc phân chia quyền kinh doanh, nhiều thang bậc thì chủ động phân cấp mạnh hơn cho DN và tăng cường kiểm tra giám sát. Kiểm tra giám sát không phải theo định kỳ, kế hoạch mà kiểm tra giám sát cả quá trình, đánh giá thường xuyên liên tục.
Cùng góc nhìn về vấn đề chủ động trong DN, ông Đinh Việt Tùng - Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, đối với DN ngoài Nhà nước được phép làm những gì pháp luật không cấm, còn DN Nhà nước làm những gì Nhà nước cho phép. Hai vấn đề này ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của DN.
Việc DN Nhà nước phải báo cáo người đại diện có vẻ là yêu cầu rất nhỏ nhưng gây ra nhiều trì trệ cho hoạt động của DN. Luật 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69) quy định: khi DN làm bất kể vấn đề gì thì người đại diện phải báo cáo cơ quan sở hữu trước khi đưa ra quyết định.
Theo ông Tùng, việc báo cáo về chiến lược, kế hoạch kinh doanh, nhân sự, các vấn đề liên quan đến quyền của đại hội cổ đông với Nhà nước với tư cách cổ đông là điều đương nhiên.
Nhưng trong Luật 69 lại có câu: "DN phải báo cáo các vấn đề khác thuộc thẩm quyền hội đồng quản trị, hội đồng thành viên". Chính từ "khác" rất nhỏ này đã làm cho tất cả quyết sách của DN bị chậm đi rất nhiều. Với từ "khác" này, không thể lượng hóa được, nên người đại diện báo cáo tất cả các vấn đề để bảo đảm an toàn. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất kinh doanh của DN.
Đối với đầu tư, nếu DN muốn đầu tư, nguồn vốn tích lũy để lại rất quan trọng và nguồn tích lũy để lại đó phụ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh hàng năm. Nhưng hiện nay, theo Luật 69 quy định đối với DN Nhà nước trong phân phối lợi nhuận chỉ được trích lập tối đa không quá 30% lợi nhuận sau thuế để lập quỹ đầu tư phát triển. Điều này có thể phù hợp tại thời điểm xây dựng Luật 69 nhưng đến thời điểm hiện tại không còn phù hợp vì nhu cầu phát triển của DN tăng lên rất nhều.
"Sẽ không còn là con số 30%, mà bây giờ phải 50 - 70%. Tóm lại phải là con số linh hoạt, quy định linh hoạt theo hoạt động của DN và theo vận hành của thị trường, từ đó DN mới có thể chủ động hơn", ông Đinh Việt Tùng khuyến nghị.
Kỳ vọng vào cách làm mới
Dưới góc nhìn của chuyên gia cũng như DN, những quy định trên đang cản trở rất nhiều, không chỉ cản trở về mặt hành chính mà thậm chí nó đang tạo ra rủi ro pháp lý rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM nhìn nhận, thực thi là 1 trong những vấn đề trong thời gian sắp tới cần hết sức tập trung. Bởi vì luật pháp dù có đầy đủ đến mấy mà không được thực thi trên thực tế một cách hiệu quả thì cũng không mang lại những tác dụng tích cực cho đất nước, và đặc biệt cho cộng đồng DN.
Theo ông Trần Anh Đức - Luật sư thành viên công ty Luật Allens & Overy, các rào cản pháp lý tồn tại trong nhiều năm nay. Đặc biệt là sau COVID-19 trở lại đây, các nhà đầu tư đều nhận thấy không cải thiện về thủ tục hành chính. Các thủ tục về phê duyệt đầu tư, cấp phép quả thực vẫn rất kéo dài. Luật quy định 15 - 30 ngày nhưng thực tế, nhất là những dự án liên quan đến đất đai thì thủ tục phê duyệt lên tới 3 - 6 tháng, thậm chí dự án bất động sản kéo dài 3 - 5 năm mà không được phê duyệt.

Ông Trần Anh Đức - Luật sư thành viên công ty Luật Allens & Overy.
"Điều này khiến các DN rất bức xúc. Đây không phải là vấn đề của luật mà quả thực là cơ chế thực hiện có vấn đề. DN phản ánh, cơ quan quản lý có lắng nghe nhưng câu hỏi đặt ra là cơ quan quản lý có hành động quyết liệt để gỡ rối cho DN hay không? Có lẽ chúng ta không cần thêm luật mới mà vướng mắc nằm ở cơ chế thực hiện", luật sư trăn trở.
Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Hội nhựa tái sinh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, Đại hội XIII đã đề ra 1 trong 3 đột phá lớn là đột phá về xây dựng về thể chế và chính sách pháp luật. Việc thay đổi và đột phá đầu tiên phải nằm ở cơ quan "gác cổng" trong việc xây dựng chính sách pháp luật cho đất nước.
Từ việc nhận diện những rào cản nội tại của hệ thống pháp luật hiện nay cũng như những thách thức bên ngoài, ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kỳ vọng vào những cách làm mới, những quyết sách kịp thời và hiệu quả từ phía Nhà nước và DN, để những vướng mắc pháp lý sẽ được gỡ bỏ, bảo đảm việc khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh của cộng đồng DN.
Hệ thống cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải thường xuyên sát cánh nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý để hỗ trợ DN. Còn mỗi người dân, DN phải tự thân nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn để phục hồi và phát triển.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm