Ấn Độ áp chính sách nghiệt ngã: Doanh nghiệp Việt Nam cần thức tỉnh nhiều điều
DNVN - Việc Bộ Công Thương Ấn Độ đột ngột áp đặt chính sách hạn chế NK hương nhang và các chế phẩm khác được coi là chính sách nghiệt ngã đối với các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hương nhang XK sang Ấn Độ. Tuy nhiên, đây cũng là lời thức tỉnh đối với các doanh nghiệp nước ta, qua đó cần rút ra bài học trong hoạt động sản xuất kinh doanh...
Nhập khẩu ô tô tăng cao: Giấc mơ chinh phục "sân nhà" của doanh nghiệp nội "lâm nguy" / Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước
Đây là nhận định của ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tại cuộc họp trao đổi về việc Ấn Độ hạn chế nhập khẩu hương nhang và chế phẩm do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 16/9 tại Hà Nội.
Cuộc họp có sự tham gia của hơn 40 doanh nghiệp sản xuất hương nhang xuất khẩu Ấn Độ. Tại đây, nhiều đại diện doanh nghiệp đã lên tiếng "cầu cứu" các cơ quan quản lý sau khi Ấn Độ đột ngột ra thông báo hạn chế nhập khẩu (NK).
Chính sách quá nghiệt ngã
Ngày 31/8/2019, Bộ Công Thương Ấn Độ (Tổng cục Ngoại thương) ban hành Thông báo số 15/2015-2020 về việc điều chỉnh chính sách NK đối với mặt hàng hương nhang. Theo đó, việc NK hương nhang (mã HS 33074100) và các chế phẩm khác (mã HS 33074900) vào Ấn Độ được chuyển từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu”. Điều đáng nói là thông báo có hiệu lực ngay trong ngày 31/8/2019. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, họ đã không kịp trở tay.
Theo ông Trần Thanh Hải, đây là lần đầu tiên ông tiếp xúc với các doanh nghiệp và người lao động trong ngành sản xuất hương nhang. Với kim ngạch xuất khẩu hương nhang trong năm 2018 là 76 triệu USD, ông Hải cho rằng đây là con số có ý nghĩa.
"So với tổng kim ngạch XK chung của cả nước 254 tỷ USD vào năm ngoái thì con số 76 triệu USD là nhỏ nhưng lại có ý nghĩa vì chỉ với số lượng DN không lớn đã tạo ra con số như vậy là điều thần kỳ. Hơn nữa, ngành sản xuất này liên quan đến khu vực nông thôn, nông dân - khu vực mà Nhà nước luôn ưu tiên phát triển. Ngành sản xuất này đã tạo ra nhiều việc làm cho nông dân, kể cả những người thuộc nhóm yếu thế như người già, người khuyết tật... Hơn nữa, chúng tôi đánh giá cao việc DN tận dụng các nguyên liệu rất đơn giản, thậm chí cả những phế phẩm, phụ liệu của những ngành khác như mùn cưa, than hoa... để mang lại giá trị cho đất nước, người dân", ông Hải nói.
Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, đây không phải là lần đầu tiên DN Việt Nam gặp phải rào cản thương mại, nhưng đây là lần đầu tiên DN ngành hương nhang phải đối mặt với biện pháp hạn chế của đối tác.
Quang cảnh cuộc họp trao đổi về việc Ấn Độ hạn chế nhập khẩu hương nhang và chế phẩm
"Đối với biện pháp hạn chế của Ấn Độ, đây không phải là điều mới mẻ, bởi vì các nước khác cũng đã từng áp dụng và Việt Nam cũng có những quy định tương tự. Nhưng Thông báo số 15 của Ấn Độ thực sự rất nghiệt ngã với các DN Việt Nam", ông Hải nhấn mạnh.
Điều nghiệt ngã thứ nhất là Ấn Độ áp dụng biện pháp hạn chế ngay lập tức, không có thời gian chuyển đổi và thông báo trước cho DN. Điều này hoàn toàn không hợp lý.
Điều nghiệt ngã thứ hai là khi áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại nói chung, phải đưa ra căn cứ, chẳng hạn lý do dịch bệnh, môi trường, bảo vệ sức khỏe hoặc những trường hợp khẩn cấp... thì mới được phép áp dụng biện pháp hạn chế. Nhưng trong trường hợp này, Ấn Độ không đưa ra lý do nào. Nếu vì lý do bảo hộ thì không đời nào nước nào chấp nhận. Vì sao? Vì khi tham gia WTO, khi tự do hóa thương mại, tức là chúng ta phải chấp nhận quy tắc không phân biệt đồi xử, phải tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa DN trong nước và DN nước ngoài.
"Ấn Độ không có lý do xác đáng nào để đưa ra biện pháp hạn chế. Theo đó, không cho DN Việt Nam cũng như các DN nhập khẩu có thời chuyển đổi. Điều này quá nghiệt ngã với các DN", ông Hải bày tỏ.
Đánh giá về tính nghiêm trọng của biện pháp này, ông Hải cho rằng, thực tế Ấn Độ thông báo biện pháp hạn chế thông qua việc cấp phép. Về lý thuyết, việc cấp phép thì có thể cho phép DN nước ta tiếp tục XK sang phía bạn. Chừng nào DN NK bên Ấn Độ xin được giấy phép thì chúng ta tiếp tục xuất sang. Nhưng ở đây chúng ta hiểu rằng cấp phép chỉ là lý do, theo đó thực tế Ấn Độ sẽ không cấp phép hoặc cấp phép rất nhỏ giọt.
"Tác động của thông báo này như một lệnh cấm và như vậy làm ngừng ngay hoạt động XK hàng hóa của ta sang Ấn Độ. Hàng hóa đã lên tàu rồi, đang lênh đênh trên biển rồi, 1 vài ngày hoặc 1 vài tuần nữa là cập cảng Ấn Độ trong khi phía bạn ra thông báo nghiệt ngã trên. Trong khi, hàng hóa đem quay trở lại Việt Nam không biết phải giải quyết như thế nào. Tôi rất chia sẻ với các DN đang chịu tác động của biện pháp hạn chế từ Ấn Độ", ông Hải chia sẻ.
Doanh nghiệp cần thức tỉnh nhiều điều
Chia sẻ với khó khăn của các DN sản xuất hương nhang XK sang Ấn Độ, ông Trần Thanh Hải cho rằng, qua vụ việc này, các DN cần thức tỉnh nhiều điều, và điều quan trọng nhất là DN phải hiểu rằng chúng ta đang sống trong môi trường thương mại quốc tế như thế nào.
"Vì từ trước đến nay, các DN làm việc với Ấn Độ quá dễ dàng. Chỉ cần ký hợp đồng rồi xuất hàng sang, không gặp vướng mắc nào, có chăng chỉ là những trục trặc đơn của một vài DN... Chưa khi nào DN đối mặt với tình huống như hiện nay. Sau sự kiện này, DN phải "lớn hơn một chút nữa", phải hiểu rằng kinh doanh thương mại quốc tế không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Hôm nay đối mặt với khó khăn từ Ấn Độ và ngày mai có thể là các thị trường khác", ông Hải nêu.
Theo ông Hải, việc DN chuẩn bị các phương án dự phòng, đối phó là cần thiết. Rất có thể sau sự kiện này, khi Ấn Độ rút các biện pháp hạn chế, nhưng sang năm họ lại áp thuế chống bán phá giá... Do đó, các DN cần chuẩn bị tâm thế để ứng phó với những biện pháp hạn chế, những biến động của thị trường. Khi đã lên tàu ra biển lớn sẽ có "sóng to, gió lớn", không thể lặng yên như trong hồ được.
Ngoài ra, ông Thành cũng mong muốn DN tự nâng mình lên, có phong cách chuyên nghiệp hơn, đa dạng hóa thị trường cũng như sản phẩm. Đừng vì từ trước đến nay làm ăn với Ấn Độ thuận lợi mà không chủ động tìm các thị trường khác để giảm thiểu thiệt hại.
Ngoài ra, ông Hải cũng nêu thiếu sót của nhóm DN này là không được tập hợp dưới một tổ chức, đoàn thể, mà cụ thể là hiệp hội. Do đó, ông đề nghị các DN phải bắt tay ngay vào việc thành lập hiệp hội DN sản xuất hương nhang, gồm cả DN, NLĐ, để chia sẻ thông tin, tạo tiếng nói chung.
Về phía Nhà nước, ông Hải cho biết, sau cuộc họp này sẽ tiếp tục báo cáo với Bộ Công Thương để có biện pháp quyết liệt hơn; phối hợp với Bộ Ngoại giao để can thiệp, phản đối lên cấp cao hơn để Ấn Độ hiểu rằng Việt Nam không chấp nhận hành xử vô căn cứ.
Sau khi nhận được thông tin, ngày 06/9, Bộ Công Thương, cụ thể là Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Cục Xuất nhập khẩu) gặp đại diện một số DN để nắm bắt tình hình. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký công thư 2 trang gửi người đồng cấp Ấn Độ. Trong đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra 3 đề nghị. Một là, trước mắt không yêu cầu giấy phép nhập khẩu đối với các lô hàng hương nhang từ Việt Nam đã ký hợp đồng mua bán trước ngày 31/8/2019. Hai là, xem xét, tạm thời ngừng áp dụng biện pháp cấp phép nhập khẩu trong thời gian nhu cầu thị trường ở mức đỉnh điểm (tháng 9 và tháng 10 năm 2019). Ba là, về lâu dài, đề nghị gỡ bỏ biện pháp quản lý nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang. Tiếp đó, ngày 10/9, Bộ Công Thương mời Phó Đại sứ Ấn Độ đến để làm việc, trong đó nêu yêu cầu và đề nghị như công thư mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã gửi cho người đồng cấp Ấn Độ trước đó. Điều này tạo thêm kênh và tiếng nói bày tỏ quan điểm của Việt Nam với Ấn Độ. Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương ký công văn gửi ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, trong đó đề nghị Đại sứ ngay lập tức làm việc với Chính phủ và Bộ Công Thương Ấn Độ để phản đối về Thông báo số 15. |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo